Thanh khoản giảm cùng lực bán gia tăng đã khiến thị trường lình xình quanh vùng giá 1.145-1.160 điểm, khối ngoại vẫn tiếp tục động thái đẩy bán ròng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/7, VN-Index tăng 2,43 điểm, tương đương 0,21% lên 1.154,2 điểm. Toàn sàn có 191 mã tăng, 233 mã giảm và 64 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,34 điểm, tương đương 0,15% về 228,88 điểm. Toàn sàn có 86 mã tăng, 99 mã giảm và 64 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,09 điểm lên 85,91 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 15 mã giảm giá.
Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên đạt 19.269 tỷ đồng, giảm 23% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt 16.668 tỷ đồng, giảm 12%. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 7.239 tỷ đồng.
Nhận định đầu tư
Chứng khoán BOS: Về kỹ thuật, VN-Index tăng nhẹ và tạo cây nến Doji thể hiện sự do dự vẫn đang diễn ra trên thị trường. Tuy vậy, kịch bản tăng trong phiên và hạ nhiệt dần cho thấy bên bán vẫn đang chiếm ưu thế.
Điểm số vẫn dao động trong vùng giá trên 1.148 và MA5 sẽ tịnh tiến tới vùng giá này trong phiên tới khiến chỉ số nhiều khả năng vẫn đi ngang trong phiên tiếp theo. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ danh mục, hạn chế thực hiện mua mới, hạ tỉ trọng margin nếu có.
Chứng khoán KBSV: Việc hình thành mẫu nến doji cùng thanh khoản giảm đang cho thấy sự lưỡng lự giữa 2 phe mua/bán, để ngỏ khả năng xuất hiện nhịp điều chỉnh.
Mặc dù vậy, xu hướng tăng của chỉ số nhiều khả năng sẽ được bảo lưu với vùng đích kỳ vọng kế tiếp đặt tại vùng cản 1.16x. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ 1 phần vị thế theo xu hướng chính, đồng thời thực hiện trading quay vòng với phần còn lại, mua hỗ trợ/bán kháng cự tùy theo từng mã riêng lẻ.
Chứng khoán VCBS: Xét khung đồ thị ngày, 2 chỉ báo MACD và RSI đang dần bẻ ngang cho thấy lực cầu đã không còn mạnh mẽ như các phiên trước và vẫn bỏ ngỏ xác suất hình thành phân kỳ âm 3 đỉnh.
Bên cạnh đó, ở khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo nêu trên cũng cho xu hướng tương tự kết hợp với sự suy yếu của DI+ thể hiện cho việc VN-Index khả năng cao sẽ tiếp tục rung lắc trong các phiên tiếp theo. Với diễn biến hiện tại, trường hợp VN-Index bất ngờ điều chỉnh mạnh để kiểm tra lại vùng hỗ trợ quanh đỉnh cũ 1.140 vẫn cần được tính đến.
Tin vắn chứng khoán
- Nhà kinh tế trưởng của S&P Global cho rằng biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga đã khiến nhiều quốc gia bắt đầu phân tán rủi ro thanh khoản bằng cách thực hiện một số giao dịch bằng tiền tệ khác.
Nhà kinh tế trưởng của S&P Global, Paul Gruenwald, ngày 11/7, cho biết vai trò thống trị của đồng USD trên thị trường giao dịch quốc tế đang giảm dần. Phát biểu tại một hội nghị do công ty xếp hạng tín nhiệm S&P Global tổ chức tại London (Anh), chuyên gia Gruenwald nhận định đồng USD không còn sức hút như trước.
- Theo VASEP, giá tôm có xu hướng chạm đáy và ngành xuất khẩu tôm sang Mỹ có thể phục hồi sau nửa cuối năm 2023, khi mùa cao điểm xuất khẩu là vào cuối quý III/2023. Giá cổ phiếu nhóm Thủy hải sản tăng giá ở VHC tăng 0,82%, FMC tăng 0,87%).
PV
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-137-chi-so-nhieu-kha-nang-van-di-ngang-a595856.html