Có người toàn thân đầy độc nhưng vẫn nghĩ mình là “thuốc đắng giã tật” chứ không nghĩ mình đang đầu độc chính cả những người thân xung quanh họ. Nên họ mới hay tự cho rằng họ là người “khẩu xà nhưng tâm phật”. “Tôi nói vậy để mọi người tốt lên thôi chứ chẳng có ý gì”...
Lại có những người, toàn thân cũng đầy độc nhưng vẫn cho rằng do cuộc đời này đưa đẩy, là thiên hạ xấu xa bôi độc lên người họ. Chứ cái tâm của họ vốn thiện lương. Rồi tự luyến bằng cái câu: Nước trong thì không có cá/ Người tốt quá thì chẳng ai chơi. Thiên hạ đã như vầy trước cả tôi như vậy. Rằng phải sống thế mới sống được trong cái xã hội này. Ai cũng còng lưng, kẻ thẳng lưng là đứa khiếm khuyết.
Cũng lại có những người đáng thương nhiều hơn đáng giận. Là tự nuốt vào trong mình đủ thứ độc dược rồi mong kẻ thù của mình sẽ… dính độc. Bực mình là tự mình bực chính là thế. Là cứ hằn học khắp nơi rồi mong kẻ bị mình hằn học sẽ phải cắn rứt lương tâm, sẽ phải ôm ngực lăn ra giãy đành đạch, sùi bọt mép. Y hệt Chí Phèo của cụ Nam Cao vậy. Nhìn gì cũng thấy chướng mắt, gai tai và chửi bới.
Và tất nhiên, còn cả những người không thể không nhắc tới: Khẩu phật tâm xà. Họ nói toàn những lời thiện lương nhưng hành động đằng sau thì… thật chẳng khác giấu lưỡi lam sắc lẻm trong chiếc bánh ngọt sặc sỡ, ngon lành. Khiến người ta cắn vào chưa kịp đê mê đã tái mặt lạnh sống lưng. Loại người này không hiếm có khó tìm đâu. Nhẹ thì là kiểu “khen cho mày tưởng bở” nặng hơn thì là “không sao cả, không sao cả” rồi thì “cả (thiên hạ biết) sao không?”. Chưa tới mức là những kẻ lừa đảo vì nhiều khi họ chẳng vì lợi lộc gì, chỉ là thích cho những kẻ ngốc học một bài học mà thôi.
Còn nhiều nữa những người toàn thân có độc. Họ có thể biết hoặc có thể không biết. Nhưng vợ họ, chồng họ, con họ là những nạn nhân đầu tiên (và thậm chí có thể là duy nhất). Nên có những người đớn đau kể cho tôi nghe rằng: Anh ấy với người ngoài thì tử tế, với người thân thì xét nét, dằn vặt. Làm người thân của anh ấy là phải chịu. Nên có những đứa trẻ lặp lại như bố, như mẹ mà hành xử đau lòng. Nên có những người mất dần lòng tin vào cuộc đời, vào sự tử tế ngoài kia.
Thuốc độc. Chúng ta đều biết nó độc. Bởi nó luôn được gắn dấu hiệu đầu lâu xương chéo. Nhưng người có độc thì chẳng có dấu hiệu nào cả. Chỉ người thân của họ phải chịu. Và hình như, những kẻ toàn thân có độc thì luôn chẳng nghĩ gì cả vì họ cho rằng “người thân là phải chấp nhận nhau cả tốt lẫn xấu”. Vậy nên, nạn nhân của độc dược vẫn đầy ngoài kia với muôn vàn nước mắt. Và trong số họ, đã lại thêm những người vì nhận thuốc độc mỗi ngày mà cũng đã trở thành thuốc độc vậy…
Nhà văn Hoàng Anh Tú
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/dung-tu-bien-minh-thanh-doc-duoc-a595903.html