EVN giao vốn điều lệ cho các Tổng Công ty khi chưa được phê duyệt chủ trương

Lãi sau thuế hơn 15.640 tỷ đồng trong năm 2021, song Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị trực thuộc bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt vấn đề liên quan đến tài chính, hoạt động cho vay, quản lý dòng tiền,…

Lãi sau thuế hơn 15.640 tỷ đồng trong năm 2021, song Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị trực thuộc bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt vấn đề liên quan đến tài chính, hoạt động cho vay, quản lý dòng tiền,…

Theo báo cáo kết quả kiểm toán năm 2022, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết đã kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của 219 đơn vị thuộc 20 tập đoàn, Tổng công ty (TCT) và công ty.

Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một trong số các tập đoàn kinh doanh có lãi, với mức lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt 15.647,10 tỷ đồng – báo cáo kiểm toán đề cập.

Tuy nhiên, việc quản lý vốn, tài sản của các doanh nghiệp còn một số hạn chế. Với EVN, KTNN nêu việc hai công ty trực thuộc là Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa thuộc TCT Phát điện 3 – CTCP và TCT Điện lực Miền Nam chưa xây dựng quy chế quản lý tiền, quản lý dòng tiền chưa hiệu quả.

Cụ thể, EVN chưa có quy định về hạn mức số dư tiền gửi nhằm linh hoạt chuyển tiền gửi không kỳ hạn thành tiền gửi có kỳ hạn (Công ty mẹ - EVN).

Việc cân đối dòng tiền năm và hàng tháng tại một số đơn vị chưa cân đối giữa nguồn tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn,

Trong đó, một số thời gian còn duy trì một lượng tiền gửi không kỳ hạn, ít giao dịch nhưng chưa cân đối để gửi có kỳ hạn (Công ty mẹ - EVN, TCT Điện lực TPHCM, TCT Điện lực miền Nam).

Một số hợp đồng tiền gửi với kỳ hạn ngắn hơn thời gian ổn định của số dư tiền gửi trong năm (TCT Phát điện 3 - CTCP, Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa thuộc TCT Phát điện 3 - CTCP).

Ngoài ra, TCT Điện lực miền Trung (Điện lực Quảng Trị) còn để xảy ra tình trạng bán hàng, đặt cọc cho nhà cung cấp không có bảo lãnh, tài sản đảm bảo hoặc vượt giá trị tài sản thế chấp, bảo lãnh hoặc ký hợp đồng với khách hàng chưa chặt chẽ.

evn giao von dieu le cho cac tong cong ty khi chua duoc phe duyet chu truong

Ảnh minh họa.

Giao vốn điều lệ cho các TCT khi chưa được phê duyệt chủ trương

Báo cáo kiểm toán năm 2022 cũng chỉ ra việc EVN ban hành Quyết định giao vốn điều lệ cho các TCT khi chưa được cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước phê duyệt chủ trương, bao gồm các tổng công ty: CT Điện lực TPHCM, TCT Điện lực thành phố Hà Nội, TCT Điện lực miền Nam, TCT Điện lực miền Trung, TCT Điện lực miền Bắc, TCT Truyền tải Điện Quốc gia.

Việc Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (công ty đại chúng trực thuộc TCT Phát điện 1) cho Công ty mẹ - TCT Phát điện 1 vay 799,9 tỷ đồng từ năm 2014 - 2015; Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (công ty đại chúng trực thuộc TCT Phát điện 2 - CTCP) cho EVN vay 350 tỷ đồng từ năm 2010 (đến 28/12/2021 EVN đã hoàn thành trả nợ vay) được KTNN xác định là “chưa phù hợp quy định”.

Đáng chú ý, KTNN cũng nêu rõ Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 (TV1) bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt theo quy định tại Nghị định 87/2015 của Chính phủ.

Các Dự án Nhà máy Thủy điện Thác Mơ mở rộng, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Dự án của Ban quản lý điện hạt nhân Ninh Thuận; Dự án của BQLDA FMIS bị KTNN “điểm tên” trong danh sách công trình hoàn thành nhiều năm chưa được nghiệm thu, quyết toán.

EVN chưa thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà Nước

Theo KTNN, tại báo cáo kiểm toán niên độ kiểm toán 2014, cơ quan kiểm toán kiến nghị EVN kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về những sai sót, hạn chế trong việc quản lý tài chính, hạch toán kế toán BCTC, chấp hành các quy định về quản lý vốn, tài sản và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước,….

Tuy nhiên, theo báo cáo của KTNN chuyên ngành VI, đến ngày 31/12//2022, EVN vẫn chưa kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân và chưa gửi báo cáo về KTNN.

PV

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/evn-giao-von-dieu-le-cho-cac-tong-cong-ty-khi-chua-duoc-phe-duyet-chu-truong-a595973.html