Thủy sản Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường nào?
Báo Đầu Tư dẫn nguồn số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng thủy sản tháng 6/2023 tiếp đà giảm 5,1% so với tháng 5/2023 và giảm 23,7% so với tháng 6/2022, đạt gần 768,21 triệu USD.
Cụ thể, tính chung 6 tháng năm 2023 xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần 4,15 tỷ USD, giảm 27,3% so với 6 tháng năm 2022.
Thủy sản xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Nhật Bản chiếm 17,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt trên 712,5 triệu USD, giảm 10,9% so với 6 tháng năm 2022.
Đứng thứ 2 về kim ngạch là thị trường Mỹ chiếm tỉ trọng 17%, đạt gần 705,8 triệu USD, giảm mạnh 46,2% so với cùng kỳ; riêng tháng 6/2023 xuất khẩu sang thị trường này đạt 143,33 triệu USD, giảm 5% so với tháng 5/2023 và giảm mạnh 33,9% so với tháng 6/2022.
Tiếp đến thị trường Trung Quốc, đạt trên 634,35 triệu USD, giảm 23,5% so với cùng kỳ, chiếm 15,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường FTA RCEP 6 tháng năm 2023 giảm 18% so với 6 tháng năm 2022, đạt trên 2,18 tỷ USD, chiếm 52,6% trong tổng kim ngạch.
Xuất khẩu sang thị trường FTA CPTTP giảm 21,6%, đạt trên 1,12 tỷ USD, chiếm 27%. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á chiếm 7,8% trong tổng kim ngạch, đạt gần 325,17 triệu USD, giảm 15,7%.
Nguyên nhân xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 sụt giảm mạnh
Vừa qua, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2023 của ngành thủy sản.
Theo báo Quân Đội Nhân Dân, ông Nhữ Văn Cẩn, Phó cục trưởng Cục Thủy sản cho biết: Tổng sản lượng thủy sản đạt 4,27 triệu tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó sản lượng thủy sản khai thác 1,93 triệu tấn, tăng 0,2%, sản lượng nuôi trồng thủy sản 2,33 triệu tấn, tăng 3,0%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 41,5% kế hoạch.
Diện tích thả nuôi tôm nước lợ khoảng 656 nghìn ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ, trong đó nuôi tôm sú 605 nghìn ha, tôm thẻ chân trắng 51 nghìn ha. Sản lượng tôm đạt khoảng 467 nghìn tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng tôm sú 119,3 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 315,2 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm 1,56 tỷ USD, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản.
Diện tích cá tra thả nuôi 3.220 nghìn ha, tăng 3,7% so với cùng kỳ, sản lượng 859 nghìn tấn, tăng 11,3 % so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá tra 888,5 triệu USD, chiếm 21,1% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Sản lượng thủy sản khác nuôi trồng trên biển khoảng 329 nghìn tấn, đạt 49% kế hoạch, trong đó nhuyễn thể 172 nghìn tấn, cá biển 21 nghìn tấn, cá rô phi 150 nghìn tấn, nuôi hỗn hợp và cá nước ngọt khác khoảng 600 nghìn tấn.
Kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản sụt giảm mạnh cùng với sản phẩm đồ gỗ và lâm sản đã khiến kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 sụt giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ngành thủy sản tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn như: Ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine cùng với hậu quả tác động của dịch Covid-19, lạm phát ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia vốn là thị trường xuất khẩu chính mặt hàng thủy sản của Việt Nam: Mỹ, EU, Nhật Bản...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho hay: Hiện thủy sản chiếm 27-28% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Những khó khăn từ thị trường đã chạm đáy và gần đây đã có dấu hiệu khởi sắc từ thị trường, do đó từ nay đến cuối năm, thủy sản phải cố gắng, nỗ lực phấn đấu nhằm đảm bảo tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2023.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) lý giải, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản, trong đó chủ yếu và lạm phát và lượng tồn kho tăng khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu tại các thị trường giảm.
Ngoài ra,Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt với các nước sản xuất khác về nguồn cung và giá, điển hình là Ecuador, Ấn Độ… Trong khi sức khỏe và sức chịu đựng của nông ngư dân và doanh nghiệp trong nước suy yếu vì chi phí sản xuất tăng, giá bán giảm, tiêu thụ chậm, tồn kho tăng, cạn kiệt vốn và khó tiếp cận vốn vay để duy trì sản xuất, xuất khẩu.
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, từ nay tới cuối năm, thị trường tiêu thụ thủy sản có khả năng phục hồi, nhưng sẽ chậm.
Hiện, thủy sản chiếm 27-28% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Những khó khăn từ thị trường khiến xuất khẩu sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm, đặt ra ghánh nặng trong chặng đường nửa cuối năm để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.
Lấy đà thúc đẩy xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm 2023
Thông tin trên VTV, các doanh nghiệp cũng có các giải pháp để thúc đẩy lượng tiêu thụ tại các thị trường lớn. Xuất khẩu thuỷ sản nửa cuối năm 2023 được kỳ vọng sẽ phục hồi. Theo đó, để thúc đẩy lượng tiêu thụ tại các thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực đa dạng hoá sản phẩm, tập trung chế biến sâu, đầu tư vào chuỗi giá trị… để duy trì đơn hàng, trong đó, phát triển các loại mặt hàng thuỷ sản tiện lợi để chế biến sẵn tại nhà, hay hướng tới các loại sản phẩm khô, được chế biến sẵn với mức giá rẻ hơn phù hợp với mức thu nhập thấp.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thuỷ sản Việt Nam (VASEP), thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam - Mỹ được dự đoán sẽ phục hồi từ nửa cuối năm do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm, nhu cầu phục vụ dịp lễ cuối năm tăng. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang nước này kỳ vọng sẽ tăng 40-50% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tại thị trường EU, tiêu thụ cá tra tiếp tục cải thiện và ổn định. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, dự báo nhu cầu tăng nhẹ từ cuối quý 3.
Đặc biệt, giá cước vận tải đường thủy vẫn đang duy trì ở vùng thấp so với đợt cao điểm mùa dịch COVID-19, và với nguồn cung dồi dào tàu và container trong thời điểm hiện tại cũng giúp việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang các thị trường nước ngoài gặp nhiều thuận lợi hơn trong nửa cuối năm.
Năm 2023, ngành thủy sản phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành sớm vào cuộc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thực chất và kịp thời.
Việt Nam lọt top 3 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới
Thông tin trên Tiền Phong, kết thúc năm 2022, ngành thủy sản xuất sắc lập kỷ lục xuất khẩu 11 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 nước XK thủy sản lớn nhất thế giới (sau Trung Quốc và Na Uy).
Theo VASEP, trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu năm 2022, ngành tôm đã ghi nhận kỷ lục trên 4,3 tỷ USD. Cá tra cũng lập kỳ tích với 2,4 tỷ USD và là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu . Ngành cá ngừ cũng gia nhập “câu lạc bộ” tỷ đô khi cán mốc 1 tỷ USD, lần đầu tiên trong hơn 20 năm xuất khẩu .
Xuất khẩu mực, bạch tuộc mang về 764 triệu USD, tăng 26% so với năm 2021. Các sản phẩm cá khác như cá cơm, cá nục, cá thu và nhiều loài cá biển khác đã đóng góp doanh số lớn 2 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2021…
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ky-vong-buc-tranh-xuat-khau-thuy-san-se-sang-hon-tu-nua-cuoi-nam-2023-a596066.html