Theo Tiền Phong, bão số 1 (tên quốc tế bão Talim) đang tăng cấp, có thể đạt cường độ rất mạnh trước khi đổ bộ khu vực miền Bắc nước ta, gây mưa lớn diện rộng cho khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Vào 4h sáng nay (16/7), tâm bão số 1 cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 710km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/giờ), giật cấp 11.
Đến 4h ngày 17/7, bão số 1 trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 380km về phía Đông Đông Nam, di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14, bão có khả năng mạnh thêm.
Dự báo đến 4h ngày 18/7, bão trên vùng biển phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15 km/h, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 12, giật cấp 15.
Đến 4h ngày 19/7, bão số 1 trên khu vực phía Đông Bắc Bộ, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 12 và suy yếu dần.
Từ 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 km và tiếp tục suy yếu.
Với kịch bản này, dự báo bão số 1 sẽ gây ra một đợt mưa lớn diện rộng tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Mưa lớn có thể bắt đầu từ khoảng đêm 17, rạng sáng ngày 18/7.
Dự báo của cơ quan khí tượng Nhật Bản cũng cho rằng, bão số 1 có thể đổ bộ vào khu vực miền Bắc của Việt Nam vào khoảng đêm ngày 18/7. Cơ khí tượng của Hồng Kông (Trung Quốc) nhận định, vùng đổ bộ của bão số 1 có thể từ Quảng Ninh đến Nam Định vào đêm 18/7.
VTC đưa tin, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hiện tại, trạm đảo Phú Quý đã có gió Tây Nam cấp 6, giật cấp 8, trạm đảo Huyền Trân đã có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8-9.
Ngày và đêm 16/7, vùng biển phía Bắc của Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10, giật cấp 13. Biển động rất mạnh. Vùng biển phía Nam của Bắc Biển Đông, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.
Ngoài ra, ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với bão số 1 kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam nên ngày và đêm 16/7, Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có thể xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cảnh báo, ngày và đêm 17/7, vùng biển phía Bắc của Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15, sóng biển 6-8 m, biển động rất mạnh. Vùng biển phía Nam của Bắc Biển Đông, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) và vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2,5-5 m, biển động mạnh.
Bão số 1 hình thành từ một vùng áp thấp trên khu vực biển phía Đông của Philippines, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh lên thành bão số 1 trong chiều 15/7. Bão số 1 được nhận định là cơn bão khá mạnh trên Biển Đông, cường độ và hướng di chuyển còn diễn biến phức tạp.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ nửa cuối tháng 7 đến tháng 10/2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, trên Biển Đông có thể xuất hiện 2-4 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động, khả năng ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực Trung bộ và các tỉnh phía Nam. Cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bao-so-1-tang-cap-du-bao-huong-ve-mien-bac-nuoc-ta-a596067.html