Chiều tối ngày 18/7, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 1) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực các tỉnh Cao Bằng-Lạng Sơn. Tuy nhiên, tình hình mưa lớn ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; gió mạnh và sóng lớn ở các các vùng biển phía Nam còn diễn biến phức tạp.
Mặc dù bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cảnh báo trong ngày 19/7, hoàn lưu bão tiếp tục gây mưa to cho nhiều khu vực ở miền Bắc. Tiếp đến, ngày 20/7, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ. Đặc biệt, các sông suối nhỏ ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh có khả năng xuất hiện lũ lớn cục bộ.
Do ảnh hưởng của bão, một số khu vực của miền Bắc nước ta đã có gió mạnh và mưa to…
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm qua và sáng sớm nay (19/7), ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa tính từ 19h ngày 18/7 đến 03h ngày 19/7 có nơi trên 50mm như: Hồng An (Cao Bằng) 68.2mm, Nậm Mười 1 (Yên Bái) 60.8mm, Mai Lâm (Thanh Hóa) 69.4mm, Quỳnh Lưu (Nghệ An) 151.8mm,…
Dự báo diễn biến mưa lớn trong 24 giờ đến 48 giờ tới:
Ngày và đêm 19/7, ở Bắc Bộ và khu vực Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm.
Từ ngày 19-20/7, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-120mm, có nơi trên 170mm (mưa lớn tập trung vào chiều và đêm).
Do tác động của mưa lớn ảnh hưởng của bão, cảnh báo những hệ quả do mưa lớn có thể xảy ra, đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến sáng 18/7, mực nước tại các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang vẫn đang thấp hơn mực nước cho phép. Dung tích các hồ thủy lợi khu vực Bắc Bộ phần lớn đạt 32%-86% dung tích thiết kế. Tuy nhiên, lo ngại vì vẫn còn gần 500 hồ thủy lợi xung yếu và 20 hồ đang thi công.
Hệ thống đê điều khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có 289 trọng điểm, vị trí xung yếu, bảy công trình đang thi công dở dang, ba sự cố chưa được xử lý triệt để cần quan tâm, bảo vệ.
Để tránh những thiệt hại có thể xảy ra do mưa lũ sau bão, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, yêu cầu các địa phương cần tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán dân ra khỏi nhà yếu, khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Đồng thời tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu quảng cáo; sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập lụt khu đô thị và công nghiệp, nhất là tại các tỉnh, TP thường xuyên xảy ra ngập lụt khi có mưa to như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng…
Bảo An (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/canh-bao-mua-lon-lu-tren-cac-song-o-khu-vuc-bac-bo-a596276.html