Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu "vọt lên" 13,25 tỷ USD
Báo Đầu Tư dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7/2023, xuất nhập khẩu cả nước đạt 27,2 tỷ USD, giảm 4,1% so với nửa cuối tháng 6, trong đó, xuất khẩu đạt 13,81 tỷ USD, nhập khẩu 13,38 tỷ USD, xuất siêu 0,43 tỷ USD.
Lũy kế từ đầu năm đến 15/7, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 178,5 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 165,2 tỷ USD, giảm 18,4%. Với mức thực hiện này, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 343,65 tỷ USD, giảm 14,9%. Cán cân thương mại tính đến 15/7 xuất siêu 13,25 tỷ USD.
Nửa đầu tháng 7, kim ngạch nhập khẩu đạt 13,4 tỷ USD, tăng 5,5% so với nửa cuối tháng 6/2023, tương đương kim ngạch tăng thêm khoảng 700 triệu USD nhưng lũy kế từ đầu năm đến 15/7 vẫn giảm 18,4% (tương đương mức giảm hơn 37 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái). Sự suy giảm này cho thấy những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu, nhu cầu hàng hóa thế giới giảm, đơn hàng ít đi, nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất để xuất khẩu chưa thể hồi phục.
Lãnh đạo Bộ Công thương đánh giá, xuất siêu tăng cao một mặt góp phần ổn định cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng trong tình hình hiện nay, nếu xuất siêu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm do thiếu vắng đơn hàng thì chưa hẳn đã tích cực.
Do những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể số liệu 6 tháng ghi nhận, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt 50,09 tỷ USD, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc, ước đạt 24,2 tỷ USD, giảm 25,6%; thị trường ASEAN ước đạt 20,3 tỷ USD, giảm 16,9%; Nhật Bản đạt 9,8 tỷ USD, giảm 18,7%; EU đạt 7,06 tỷ USD, giảm 10,7%; Mỹ đạt 7 tỷ USD, giảm 7,3%.
Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng chủ lực đều giảm như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 38,27 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 12,3%, đạt 19,7 tỷ USD; vải các loại giảm 19,2%, đạt 6,4 tỷ USD; thép các loại giảm 32,3%; xăng dầu các loại giảm 18,4%..
Đặc biệt là kim ngạch nhập khẩu điện thoại và linh kiện các loại tiếp tục giảm mạnh khi chỉ đạt 3,45 tỷ USD, giảm 66,5%.
Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, áp lực lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm nên các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam bị tác động mạnh. Xuất khẩu hàng điện tử và các hàng hóa chế tạo khác đã sụt giảm sâu kéo theo hoạt động nhập khẩu giảm.
Đặc thù của các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của nước ta, từ điện tử, giày dép, dệt may..., với 90% sản lượng sản xuất để phục vụ xuất khẩu, chỉ 10% cho tiêu dùng trong nước, thành thử, khi tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động sản xuất bị yếu đi nhiều.
Nỗ lực thúc đẩy xuất nhập khẩu nửa cuối năm
Nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu nửa cuối năm, Bộ Công Thương đang nỗ lực chuẩn bị tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) tại Tp.HCM vào tháng 9/2023. Chuỗi sự kiện là hoạt động nhằm tích cực triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2022.
Sự kiện dự kiến thu hút 8.000 lượt khách tham quan, giao dịch với 150 đoàn quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ban tổ chức cũng phối hợp với các địa phương để đưa các đoàn thu mua về khảo sát doanh nghiệp tại một số địa phương.
Theo Công Thương sự kiện kỳ vọng hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài; đầu tư bài bản để đổi mới quá trình sản xuất từ nguồn nguyên liệu đầu vào tới máy móc thiết bị, thông qua đó sản xuất ra các sản phẩm có nhiều giá trị gia tăng với chất lượng tốt.
Thông tin từ đơn vị tổ chức, lúc này, hàng loạt đại siêu thị, các nhà phân phối bán lẻ nước ngoài đang lên danh sách mua thực phẩm, dệt may, giày dép, ba lô, đồ thể thao và dã ngoại, đồ gia dụng và nội thất... từ các nhà cung ứng Việt Nam.
Các tập đoàn bán lẻ lớn như như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Mỹ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico)… đã xác nhận hiện diện tại sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế.
Ngoài hướng đến mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu, "Viet Nam International Sourcing 2023" còn có thêm các hoạt động bên lề hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực, phát triển bền vững khi bước ra thị trường toàn cầu. Các chuyên gia hàng đầu đến từ châu Âu sẽ có buổi tập huấn trực tuyến dành cho các doanh nghiệp tham dự trưng bày vào ngày 15/8/2023 và hoạt động tư vấn trực tiếp tại SECC vào ngày 12/9/2023 để chuẩn bị cho doanh nghiệp tận dụng tốt nhất các cơ hội kết nối ngay trước khi sự kiện bắt đầu.
"Viet Nam International Sourcing 2023" không chỉ là sự kiện thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường quan trọng mà còn là nơi gặp gỡ giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của các doanh nghiệp. Ban tổ chức hy vọng nhiều thỏa thuận, giao dịch thương mại sẽ được ký kết thành công tại sự kiện, các đơn vị tham dự sẽ gặp gỡ được nhiều đối tác, khách hàng và có thêm nhiều ý tưởng kinh doanh được gợi mở sau các Diễn đàn, hội thảo,... để Viet Nam International Sourcing 2023 trở thành điểm hẹn kinh doanh uy tín cho các doanh nghiệp, góp phần đưa hàng hóa, sản phẩm Việt Nam vươn xa trên thị trường toàn cầu.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 đạt 316,65 tỷ USD
Theo số liệu Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, trong tháng 6/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 56,01 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2% . Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vuot-qua-kho-khan-xuat-sieu-vot-len-1325-ty-usd-a596415.html