Nỗi lo giá "tát nước theo mưa"
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Từ ngày 1/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cho 9 nhóm đối tượng.
Bên cạnh sự vui mừng thì vẫn còn những nỗi lo về vấn đề giá cả hàng hoá tiêu dùng thiết yếu leo thang, “tát nước theo mưa”. Thực tế, theo ghi nhận trong thời gian qua, một số mặt hàng thiết yếu đã tăng lên như giá điện, giá nước...
Vậy làm sao để tăng lương nhưng cá cả hạn chế tăng? Xoay quanh vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá việc tăng lương lần này dù muộn nhưng đúng thời điểm và có ý nghĩa quan trọng.
Ý nghĩa đầu tiên được nữ đại biểu chỉ ra đó là, việc tăng lương tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thực hiện và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Thêm nữa, tạo nền tảng thu nhập để ổn định cuộc sống từ đó giúp tiến độ công việc được đảm bảo.
“Một ý nghĩa quan trọng khác của việc tăng lương là khẳng định đất nước đang phát triển về mặt kinh tế”, bà Sửu chia sẻ.
Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, việc tăng lương cơ sở rất ý nghĩa và cần thiết, đặc biệt là sau thời gian hơn 2 năm ảnh hưởng do Covid-19.
Bàn về vấn đề lương chưa tăng mà giá cả hàng hoá đã leo thang, theo bà Nga, người lao động canh cánh nỗi lo giá cả sinh hoạt thường "tát nước theo mưa", thậm chí chưa đến ngày tăng lương nhưng giá cả hàng hóa đã có dấu hiệu rục rịch tăng.
“Thực tế, lương chưa kịp tăng nhưng đã có một số mặt hàng tăng giá nhẹ, một số mặt hàng khác cũng rục rịch tăng giá. Làm thế nào để tăng lương cơ sở nhưng giá cả các mặt hàng hạn chế tăng, để việc tăng lương cho người lao động có ý nghĩa thực sự là một vấn đề đang đặt ra”, bà Nga nói.
Nhìn nhận về vấn đề này, bà Sửu cũng cho rằng giá cả hàng hóa tăng có tác động ít nhiều đến từ việc tăng lương cơ sở. Cùng với đó, giá đầu vào nguyên liệu ngày càng cao dẫn đến đầu ra sản phẩm có giá cao. Giá cả tăng gây ra những nỗi lo lắng cho người lao động.
Bài toán điều tiết thị trường
Theo đại biểu Sửu, mặc dù được dự báo trước nhưng thực trạng này chưa được kiểm soát kịp thời, chưa có các biện pháp, để tác động vào việc giá cả hàng hoá tăng. Do đó, bà Sửu cho rằng các bộ, ngành chuyên môn cần phải có giải pháp về kiểm soát giá.
“Chúng ta có thể kiểm soát giá bằng cách có những cuộc kiểm tra, giám sát đối với thị trường sản phẩm hàng hoá, đặc biệt với những nhóm hàng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt”, bà Sửu cho hay.
Bên cạnh đó, bà Sửu cũng cho rằng các hiệp hội phải có những can thiệp trực tiếp để tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày có thể hạn chế được việc tăng giá. Đồng thời, cần kiểm soát chuỗi nguyên liệu đầu vào từ nhập khẩu cho đến cung ứng để đầu ra đảm bảo về mặt giá cả.
“Về mặt quản lý Nhà nước, tôi cho rằng cần có giải pháp quản lý, giám sát, đánh giá đồng bộ. Trong đó, cần kiểm soát quyền lực, lạm dụng quyền hạn của mình để tránh độc quyền trong vấn đề sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm”, bà Sửu nhấn mạnh.
Để tăng lương mà giá cả hạn chế tăng, để việc tăng lương thực sự là niềm vui trọn vẹn, khuyến khích người lao động, theo bà Nga đây là bài toán rất khó và “muốn giải được phải điều tiết thị trường thật tốt”.
“Đầu tiên, phải điều hành cung – cầu, điều hành giá cả thật tốt. Phương pháp điều hành này phụ thuộc vào các giải pháp tổng thể của Chính phủ. Cần phải tránh tuyệt đối tình trạng là a dua (nghĩa là tăng giá chỉ vì tăng lương-PV).
Cũng theo bà Nga, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái hiện nay, việc tăng giá các mặt hàng là khó tránh khỏi. Do đó, Chính phủ nên có những giải pháp tích cực hơn nữa trong việc bình ổn giá thị trường.
Chính phủ nên tập trung vào việc quản lý tốt một số mặt hàng trong danh mục quản lý giá của Nhà nước của Chính phủ. Bên cạnh đó, với các mặt hàng thiết yếu, nên có sự kiểm soát chặt chẽ trong hoạt động kinh doanh cũng như giá cả.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc quản lý và điều hành giá cả linh hoạt, nữ đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng điều quan trọng nhất là cần tập trung cải thiện năng suất lao động để hạ giá thành sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất sẽ là việc làm vô cùng quan trọng.
Mỗi doanh nghiệp, mỗi công dân cần chuyển mình
Trao đổi thêm với Người Đưa Tin dưới góc độ kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, việc tăng lương cơ sở là nỗ lực lớn của Chính phủ để ổn định đời sống của người làm công ăn lương trong điều kiện giá cả biến động, chi phí y tế, giáo dục tăng.
Biện pháp này sẽ giúp giảm bớt nhất định những khó khăn của những người lao động. Tuy vậy, mức tăng lương này không thể giải quyết hết tất cả những khó khăn đã phát sinh trong đời sống người dân trong thời gian qua sau đại dịch Covid-19, người lao động cần chủ động thực hành tiết kiệm, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu, tăng thêm thu nhập bằng những công việc phụ khác như tăng gia sản xuất, tạm thời hạn chế những chi tiêu không cấp bách để cân đối và ổn định tài chính cá nhân và gia đình.
Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần được hỗ trợ để vượt qua khó khăn, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh trong điều kiện đã thay đổi và còn biến động, đóng góp vào tạo việc làm thu nhập cho người lao động và đóng góp vào tăng trưởng GDP của nền kinh tế và ngân sách Nhà nước.
Mặt khác, nền kinh tế nước ta đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và khu vực, biến động giá đồng USD, giá vàng, giá lương thực thế giới sẽ tác động đến giá cả, cung - cầu của nền kinh tế nước ta và không thể hy vọng tạo ra một “ốc đảo” ổn định và an toàn tuyệt đối của nền kinh tế.
Vì vậy, phải tiếp tục theo dõi tình hình kinh tế thế giới, kịp thời phát hiện những cơ hội và thách thức mới xuất hiện để có các biện pháp, chính sách thích hợp.
Ông Doanh nhận định, việc “tát nước theo mưa” là phản ứng bình thường của thị trường khi nhu cầu và sức mua tăng lên thì có một số phân khúc có thể chưa được cân đối ngay và đối mặt với khó khăn tạm thời.
Các địa phương cần theo dõi sát tình diễn biến trên địa bàn, có các biện pháp cân đối, phát hiện và tháo gỡ các nút thắt kịp thời. Các Hiệp hội cần tích cực vào cuộc, kịp thời phát hiện và lên tiếng về những vướng mắc, biến động trên thị trường…
Để hạn chế tình trạng lương tăng – giá cũng tăng, ông Doanh cho biết Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết, biện pháp đối phó với tình hình, đẩy mạnh chuyển đổi sang kinh tế số, Chính phủ điện tử, thực hiện công khai minh bạch,chuyển sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế không còn rác thải.
Cùng với đó, các doanh nghiệp, mỗi công dân cũng cần chuyển mạnh thành doanh nghiệp kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công dân trở thành công dân số, tiếp cận thông tin qua cổng thông tin của Chính phủ, của các cơ quan, ban ngành ở Trung ương và địa phương.
“Tình hình khó khăn là cơ hội để đẩy mạnh cải cách, từ bỏ những thói quen cũ không còn phù hợp trong sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng, thích ứng với tình hình mới, chuyển sang một nền kinh tế hiệu quả, năng động, một xã hội hiện đại, hiệu quả, tiết kiệm trên nền tảng kinh tế số, xã hội số”, ông Doanh nhấn mạnh.
Hoàng Bích – Hoàng Nam
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/hang-hoa-ruc-rich-tang-gia-theo-luong-lam-sao-de-kiem-soat-a596514.html