Trẻ nhỏ tè dầm khi ngủ chắc chắn là vấn đề đau đầu của không ít ông bố bà mẹ nuôi con nhỏ, nhiều người từng mất ăn mất ngủ vì tình trạng này của con, thậm chí còn coi là một loại bệnh, đưa đi chạy chữa khắp nơi. Thế nhưng không phải ai cũng đủ hiểu biết về tình trạng này của trẻ nhỏ, để có cách giải quyết tâm lý ổn định cho trẻ, nhằm khắc phục chứng tè dầm hàng ngày.
Cùng chung nỗi lo với nhiều ông bố bà mẹ khác, Tiểu Bình ở Chiết Giang, Trung Quốc đã vô cùng bất an khi con trai 5 tuổi Nữu Nữu thường xuyên tè dầm khi ngủ. Trong một lần nói chuyện với bạn, Tiểu Bình phát hiện, con gái của người bạn dù đã 4 tuổi nhưng không còn tè dầm, trong khi Nữu Nữu đã 5 tuổi nhưng đêm nào cũng róc rách ướt hết quần. Cô băn khoăn về tình trạng của con nên vô cùng áp lực, so sánh con lớn tuổi hơn con của người bạn nhưng chưa có ý thức tự kiểm soát tình trạng tè dầm của bản thân.
5 tuổi nhưng Nữu Nữu vẫn tè dầm
Buổi sáng, sau khi ngủ dậy, thấy quần của Nữu Nữu lại ướt, Tiểu Bình vô cùng tức giận mắng mỏ con "Tại sao lớn rồi mà vẫn tè dầm vậy con?", cô vừa nói vừa bực tức cầm roi đánh Nữu Nữu.
Nữu Nữu sợ hãi xin lỗi mẹ, hứa lần sau không tái phạm. Bản thân Tiểu Bình nghĩ rằng, trận đòn hôm nay sẽ khiến Nữu Nữu không lặp lại chứng tè dầm của con, thế nhưng một tuần sau, tình trạng lại lặp lại như cũ.
Tiểu Bình thắc mắc liệu con trai mình có mắc bệnh gì về thể chất hay không, cô đã đưa con đến bệnh viện kiểm tra, nói hết về tình trạng của con cũng như cả chuyện đã đánh mắng con. Bác sĩ nghe xong giật mình vì cách dạy con tiêu cực của Tiểu Bình, vị bác sĩ khẳng định, tình trạng của Nữu Nữu hoàn toàn bình thường, đánh con vì con tè dầm là sai lầm, không nên lặp lại sai lầm đó.
Bố mẹ luôn lớn tiếng quát tháo, mắng mỏ khi con đái dầm nhưng trong tâm hồn của đứa trẻ, chúng cũng không hề muốn chuyện đó xảy ra, chỉ là khi trẻ con ngủ, chúng sẽ đi tiểu một cách vô thức, đôi khi chỉ là giấc mơ thôi cũng khiến các con đái dầm ra giường.
Đái dầm là hiện tượng bình thường của trẻ 5 tuổi, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vẫn đái dầm trên giường là 13%. Nguyên nhân khiến trẻ đái dầm (tiểu dầm) liên quan đến khả năng kiểm soát bàng quang vào ban đêm và sự phát triển thể chất, vì vậy dù cha mẹ có mắng mỏ trẻ thế nào thì trẻ vẫn đái dầm khi cần, thậm chí là nhiều trẻ sợ mình sẽ đái dầm, sợ mắng mỏ nên mức độ đái dầm ngày càng tăng lên.
Trên thực tế, nhiều trẻ đã khỏi tình trạng này nhưng đột nhiên bị bố mẹ la mắng hoặc gặp khó khăn trong học tập, dẫn đến áp lực tâm lý quá mức và cảm xúc dao động, sẽ khiến trẻ tè dầm vào ban đêm.
Bố mẹ đừng la mắng khi trẻ tè dầm, la mắng, đánh đập chỉ làm tình trạng tồi tệ hơn. Phụ huynh phải biết rằng đái dầm là do bàng quang của trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên việc cha mẹ trừng phạt sai cách sẽ làm cho tình trạng đái dầm của trẻ trở nên trầm trọng hơn.
Cha mẹ trừng phạt sai cách sẽ làm cho tình trạng đái dầm của trẻ trở nên trầm trọng hơn.
Khi con tè dầm, bố mẹ nên xử lý khéo léo tế nhị cho con hiểu được là việc đái dầm là tai nạn có thể kiểm soát, dạy cho trẻ hiểu không có gì xấu xí nhưng không nên lặp lại điều này, tránh để trẻ ngày càng áp lực tâm lý, tự trách mình.
Cha mẹ nên giúp con tiến bộ thay vì mắng mỏ một cách mù quáng, có thể cho con uống ít nước, đi vệ sinh một lần trước khi đi ngủ, giúp con tiến bộ từ yếu tố bên ngoài, từ từ đợi đến khi bàng quang của con phát triển hoàn thiện, tình trạng đái dầm sẽ tự nhiên biến mất.
BẢO CHI - DỊCH TỪ SOHU