Ngày nay việc giặt giũ khá diễn ra khá dễ dàng với đủ loại bột giặt, nước giặt, viên giặt tẩy,… Trên thực tế, bột giặt ra đời trong khoảng thời gian diễn ra chiến tranh thế giới thứ 2. Vậy bạn có biết trước đó, khi không có bột giặt thì con người đã giặt giũ thế nào không?
Có lẽ khi mọi người xem TV sẽ thấy cảnh tượng người phụ nữ ôm chậu quần áo ra bờ sông chảy xiết để giặt đồ. Họ làm ướt quần áo, đặt lên các mỏm đá rồi dùng gậy gỗ để đập quần áo, sau đó giũ sạch với nước rồi đem lên phơi.
Nguyên lý của cách làm này là tách vết bẩn ra khỏi quần áo bằng cách tăng độ ma sát giữa quần áo. Tuy nhiên, cách làm này rất tốn sức lực nhưng thường chỉ làm sạch vết bụi bẩn thông thường, còn những vết bẩn cứng đầu từ thức ăn, dầu mỡ,… thì hoàn toàn không thể loại bỏ hết được. Do đó, họ luôn tìm kiếm những phương pháp giặt giũ khác hiệu quả hơn.
Sau đó, họ phát hiện ra bỏ một ít bột tro vào khi giặt quần áo sẽ hiệu quả hơn nhiều. Các vết dầu mỡ bám trên quần áo có thể dễ dàng được giặt sạch nhờ bột tro.
Sở dĩ như vậy vì trong bột tro có chứa kali cacbonat, tương tự như thành phần của bột giặt hiện nay. Ngoài ra, một số nơi còn nghiền bột vỏ sò trộn với bột tro để tăng hiệu quả.
Sau này, người ta còn phát hiện ra một số loại cây, quả chứa tinh dầu saponin như bồ kết, bồ hòn,… có thể làm sạch vết bẩn trên quần áo. Họ đã chiết xuất tinh dầu này, thêm vào một số loại hương liệu giúp tạo mùi thơm rồi bày bán rộng rãi.
Các sản phẩm giặt tẩy làm bằng quả bồ hòn, bồ kết,… có khả năng làm sạch quần áo rất tốt, bảo vệ sợi vải bền màu hơn. Không những vậy, nó còn rất thân thiện, không làm hại da tay. Ngày nay, một số người còn tự làm nước giặt tẩy bằng quả bồ hòn ngay tại nhà.
Cách làm nước giặt hữu cơ từ quả bồ hòn ngay tại nhà
Nguyên liệu:
- Bồ hòn: 3kg
- Đường: 1kg
- Nước: 10 lít
- Thùng nhựa lớn, dung tích khoảng 15-20 lít
Cách thực hiện:
- Quả bồ hòn đem rửa sạch. Hòa tan đường vào nước rồi thả bồ hòn vào dung dịch. Có thể dùng rổ và đá để chèn bồ hòn chìm xuống dưới rồi đóng nắp lại, đặt ở nơi thoáng mát.
- Vài ba ngày mở nắp một lần, khoắng đều rồi đóng nắp lại. Lưu ý, những ngày đầu có thể đậy nắp hờ hoặc úp vải màn dưới nắp để tránh côn trùng bay vào để có sự trao đổi khí.
- Sau 3 tháng, bạn có thể chiết dung dịch enzyme ra sử dụng. Có thể để bã lại để ngâm lần 2. Phần nước trong bạn có thể dùng giặt đồ, phần nước đục bên dưới có thể dùng để rửa bát.
Với 5-7 bộ quần áo, bạn có thể lấy 100-200ml dung dịch enzyme pha với nước để giặt quần áo.
CẨM TÚ