Lãi suất huy động hầu hết các ngân hàng giảm xuống mức quanh 6%/năm. Đáng chú ý, mức lãi suất 7,5%/năm thường thấy tại thời điểm cách đây một vài tháng, giờ trở nên hiếm hoi, gần như biến mất.
Theo khảo sát của báo Tuổi trẻ, mức lãi suất huy động cao nhất hiện nay tại 4 ngân hàng có vốn Nhà nước gồm Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV là 6,3%/năm. Mức lãi suất này áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng. Lãi suất các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng về mức 5%/năm.
Theo Vietnamnet, cũng trong sáng 21/7, SeABank thông báo giảm mạnh lãi suất huy động, với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Đây là lần thứ 2 kể từ đầu tháng 7, ngân hàng này giảm lãi suất huy động.
Theo đó, lãi suất tiền gửi giảm 0,8 điểm phần trăm, từ mức 6,5%/năm xuống chỉ còn 5,7%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng. Các kỳ hạn 7 tháng và 8 tháng lần lượt giảm 0,75 và 0,7 điểm phần trăm còn 5,75% và 5,8%/năm. Kỳ hạn 9 tháng và 12 tháng cũng giảm mạnh 0,8 điểm phần trăm, lần lượt còn 5,85%/năm và 6%/năm.
Các kỳ hạn còn lại tại SeABank giảm từ 0,5-0,7%. Lãi suất kỳ hạn 10 và 11 tháng giảm còn lần lượt 5,9%/năm và 5,95%/năm. Kỳ hạn 15 và 18 tháng còn 6,05% và 6,1%/năm. Kỳ hạn 24 tháng còn 6,15%/năm, và kỳ hạn 36 tháng chỉ còn 6,2%/năm.
Hiện, SeABank là ngân hàng thương mại cổ phần có lãi suất huy động thấp nhất thị trường.
Tính đến thời điểm hiện tại, 26 ngân hàng giảm lãi suất huy động trong tháng 7, gồm: TPBank, ABBank, Saigonbank, SHB, NamA Bank, Eximbank, LPBank, VPBank, OCB, BacA Bank, BVBank, VietBank, OceanBank, MSB, SeABank, GPBank, PVCombank, NCB, HDBank, BaoViet Bank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, và Agribank. Trong đó SeABank, MSB, và NamA Bank đã 2 lần giảm lãi suất.
Theo tạp chí Nhịp sống thị trường, trong một báo cáo vĩ mô mới công bố, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng quanh mức 6,2% (giảm 1,8% so với đầu năm và giảm 0,45% so với thời điểm hiện tại). Lãi suất cho vay bình quân kỳ hạn 12 tháng, dù có độ trễ nhưng cũng sẽ có xu hướng giảm là chủ đạo với mức giảm so với đầu năm 2023 ở mức 1,8% - 2,3%.
Trong một diễn biến liên quan, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
Mục đích nhằm tạo điều kiện thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi phù hợp với tình hình thị trường, nhất là thời điểm cuối năm khi các khoản huy động vốn với lãi suất cao trong các tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 đến thời hạn thanh toán.
Thực hiện các giải pháp điều hành phù hợp và chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng thực hiện tiết kiệm chi phí hoạt động. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng 1,5-2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ, VTV đưa tin.
Vân Anh (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/lai-suat-huy-dong-ve-muc-5-6nam-a596573.html