Tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Cục Đăng kiểm Việt Nam diễn ra ngày 24/7 tại Hà Nội, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin, hai quý đầu năm, các đơn vị đăng kiểm trên cả nước đã kiểm định gần 2,9 triệu lượt phương tiện. Trong đó, hơn 2,2 triệu lượt phương tiện đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, gần 678 nghìn lượt phương tiện không đạt phải bảo dưỡng, sửa chữa, điều chỉnh để kiểm định lại.
Đối với công tác kiểm tra chất lượng xe cơ giới nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp 6 tháng đầu năm 2023, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kiểm tra cấp giấy chứng nhận chất lượng xe nhập khẩu cho gần 65 triệu ô tô, rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc, hơn 30 nghìn mô tô, xe gắn máy và gần 15 nghìn xe máy chuyên dùng nhập khẩu.
Có 530 kiểu loại ô tô, rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc; 683 kiểu loại linh kiện ô tô; 109 kiểu loại xe mô tô, xe gắn máy và 6 kiểu loại xe đạp điện sản xuất; 448 kiểu loại linh kiện mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu được cấp giấy chứng nhận kiểu loại.
"Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế cho 445 kiểu loại ô tô, rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc; cấp 80 giấy chứng nhận mức tiêu thụ nhiên liệu đối với ô tô con loại từ 7 chỗ trở xuống và từ 7-9 chỗ được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu; 50 giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng; thực hiện 317 lượt đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng cho cơ sở sản xuất, lắp ráp xe cơ giới, xe đạp điện, linh kiện xe cơ giới ở trong nước và nước ngoài", ông Nguyễn Vũ Hải thông tin.
Liên quan đến công tác đăng kiểm tàu biển, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tính đến ngày 30/6, số lượng tàu biển Việt Nam là hơn 1.200 tàu với tổng trọng tải hơn 11 triệu tấn, tổng dung tích gần 7 triệu GT. Trong đó, số lượng tàu hoạt động tuyến quốc tế là 592 tàu, tổng trọng tải gần 10 triệu tấn, tổng dung tích hơn là 6 triệu GT.
Trong hai quý đầu năm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam duy trì đội tàu biển Việt Nam trong Danh sách trắng - xám của Tokyo - Mou (Tổ chức Hợp tác kiểm tra Nhà nước cảng biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương).
Thống kê từ 1/1 - 30/6/2023, tại khu vực Tokyo MOU có 19 lượt tàu treo cờ Việt Nam bị lưu giữ PSC trên tổng số 423 lượt kiểm tra PSC, tỷ lệ lưu giữ là 4,49%.
Đối với đăng kiểm công trình biển, tính đến ngày 30/6, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường cho 290 công trình các loại, bao gồm: 110 giàn cố định, 11 giàn di động, 14 kho chứa nổi trên biển, 150 hệ thống đường ống biển, 4 phao neo dầu khí.
Cấp thiết điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới
Cũng tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN), ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch đầu tư, Cục ĐKVN cho biết, bằng nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục ĐKVN, hoạt động kiểm định xe cơ giới trên toàn quốc đã ổn định trở lại, đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới vẫn rất cần thiết, là cơ sở để đảm bảo cho hoạt động kiểm định được ổn định lâu dài, để các đơn vị đăng kiểm duy trì hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu người dân, để đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ đăng kiểm viên tiếp tục gắn bó với nghề.
Ông Bình cho biết, theo quy định tại Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13, các biểu phí của dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải được chuyển sang hoạt động theo cơ chế giá theo quy định của Luật Giá kể từ 01/01/2017.
Trên cơ sở đề xuất của Cục (ĐKVN và Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã ký ban hành 6 thông tư liên quan đến hoạt động đăng kiểm, trong đó có Thông tư số 238/2016 quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối (ATKT & BVMT) với xe cơ giới đang lưu hành trên cơ sở mức thu của các biểu phí đăng kiểm đã được ban hành từ năm 2013.
Ngày 24/8/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 55/2022 về việc bổ sung, sửa đổi Thông tư số 238/2016 nhưng chưa xem xét việc điều chỉnh tăng giá mà chỉ điều chỉnh bổ sung thêm mức giá dịch vụ kiểm định 10.000 đồng/xe để phục vụ cho công tác thu lệ phí cấp giấy chứng nhận.
Khi giá kiểm dịch vụ kiểm định xe cơ giới không thay đổi trong 10 năm qua dù nhiều yếu tố cấu thành lên giá dịch vụ kiểm định đã biến đổi, đặc biệt là chi phí tiền lương, chi phí điện, nước và nhiều chi phí khác. Cùng với việc ban hành hai Thông tư 02/2023 và 08/2023 của Bộ GTVT trong đó, quy định miễn kiểm định đối với phương tiện đăng ký lần đầu và giãn chu kỳ đăng kiểm đối với xe không kinh doanh vận tải dưới 10 chỗ ngồi đã làm cho khối lượng công việc và doanh thu các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới hiện nay chỉ đạt 60-70% so với cùng kỳ năm trước, khiến nhiều đơn vị hiện đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.
“Do đó, việc xem xét điều chỉnh mức thu giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành là việc làm hết sức cần thiết”, ông Bình tiếp tục nhấn mạnh.
Hương Anh (tổng hợp)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/gan-678-nghin-luot-o-to-truot-kiem-dinh-trong-6-thang-dau-nam-a596675.html