Hà Nội ghi nhận số ca mắc thủy đậu, sốt xuất huyết tăng mạnh

Hiện nay các ca bệnh thủy đậu và sốt xuất huyết tại Hà Nội có diễn biến khá phức tạp. Dù trái mùa, tuy nhiên số ca mắc thủy đậu lại bất ngờ tăng mạnh trong tuần qua.

Hiện nay các ca bệnh thủy đậu và sốt xuất huyết tại Hà Nội có diễn biến khá phức tạp. Dù trái mùa, tuy nhiên số ca mắc thủy đậu lại bất ngờ tăng mạnh trong tuần qua.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nếu như ở tuần 28 (từ 7 đến 14/7), thành phố chỉ ghi nhận 7 ca mắc thủy đậu thì đến tuần 29 (từ ngày 14 đến 21/7 vừa qua) ghi nhận tới 33 ca mắc, thông tin từ An ninh Thủ đô.

Tính từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã có 1.911 ca mắc thủy đậu, tăng 11,5 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Ghi nhận tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây cũng tiếp nhận nhiều ca mắc thủy đậu nặng, phải nhập viện, trong đó có 2 trường hợp tử vong và đều là người lớn.

ha noi ghi nhan so ca mac thuy dau sot xuat huyet tang manh1

Ảnh minh họa

Trước đó, CDC Hà Nội cho biết, tuần qua trên địa bàn TP. Hà Nội ghi nhận thêm 442 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 1,5 lần so với tuần trước đó). Trong đó, huyện Thạch Thất có số lượng bệnh nhân nhiều nhất là 109; tiếp đến là quận Hoàng Mai có 35 bệnh nhân; quận Bắc Từ Liêm có 29 bệnh nhân; các huyện: Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín có 23 bệnh nhân; huyện Phú Xuyên và Thanh Oai có 20 bệnh nhân.

Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay các ca bệnh thủy đậu có diễn biến khá phức tạp. Trong một tháng vừa qua đã có những ca tử vong, mặc dù tiền sử bệnh nhân không có bệnh nền. Thủy đậu thường mắc ở trẻ em do không có tiêm phòng, nên chưa có miễn dịch và lây qua đường hô hấp. Nhiều người dân vẫn nghĩ rằng chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu nên rất chủ quan, dẫn đến những biến chứng khó kiểm soát.

PGS.TS Đỗ Duy Cường đưa ra khuyến cáo, người dân nên đi tiêm phòng vaccine thủy đậu, không nên chủ quan và nghĩ: "bệnh thủy đậu chỉ mắc ở trẻ em, bị vài ngày rồi khỏi". Người lớn cũng phải có ý thức phòng bệnh, khi thấy trẻ em mắc bệnh hoặc người xung quanh mắc bệnh, phải có biện pháp đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc vì bệnh lây qua đường hô hấp. Người lớn khi mắc thủy đậu thường có biến chứng nặng hơn vì thường có bệnh nền và khi phát hiện thường muộn hơn hoặc có chẩn đoán nhầm so với các bệnh khác. Tuyệt đối không chủ quan để hạn chế các biến chứng do bệnh thủy đậu gây ra.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết

Loại bỏ nơi sinh sản và trú đậu của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để tránh muỗi vào đẻ trứng.

Một vòng đời của muỗi cái có thể đẻ từ vài chục đến vài trăm trứng. Do đó, các hộ gia đình có thể thả cá nhỏ, cá bảy màu hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng/bọ gậy.

Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp...) hàng tuần. Có thể dùng bàn chải cọ kỹ mép dụng cụ chứa nước vì muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường đẻ trứng ở mép nước.

Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến để tránh nước đọng. Sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng sẽ giúp hạn chế nơi trú ẩn của muỗi.

Đối với những dụng cụ chứa nước như khay nước tủ lạnh, bát nước kê chạn hoặc tủ đựng chén bát... thì người dân có thể cho muối hoặc dầu ăn vào nước sẽ khiến muỗi không thể đẻ trứng.

Bình đựng hoa phải thường xuyên được thay nước.

Xông khói để xua muỗi.

Lấp đầy các ổ nước bằng đất, đá hoặc tháo cạn nước trong các ổ nước.

Phát quang cây cối: Vừa làm giảm nơi sinh sản của các loài thích đẻ trứng trong các ổ nước có bóng râm, vừa phá bỏ nơi trú ẩn của muỗi trưởng thành.

Xử lý nguồn nước, khơi thông cống rãnh.

Phòng chống muỗi đốt

Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch

Cách phòng bệnh thủy đậu

ha noi ghi nhan so ca mac thuy dau sot xuat huyet tang manh2

Ảnh minh họa

Chủ động để phòng ngừa bệnh thủy đậu, đó là chủng ngừa bằng vắc-xin. Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi, tiêm 1 liều và liều thứ 2 nên tiêm thêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4 - 6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm việc mắc bệnh thuỷ đậu trở lại mặc dù trước đó đã tiêm phòng. Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần.

Tất cả những người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắc xin đều có thể mắc bệnh. Thông thường người lớn mắc bệnh nặng hơn ở trẻ em. Mọi người đều phải chủ động phòng bệnh thủy đậu bằng cách tránh tiếp xúc với người bị bệnh và tiêm vắc xin phòng bệnh. Không tiêm vắc xin thủy đậu khi đang sốt hoặc bị bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, người mẫn cảm với các thành phần của vắc xin, người bị thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, phụ nữ đang mang thai.

Để phòng lây lan bệnh thủy đậu trong cộng đồng, người lớn mắc bệnh phải nghỉ làm tránh tiếp xúc với người khác, trẻ nhỏ mắc bệnh phải nghỉ học từ 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh cho đến khi các nốt bọng nước khô vảy hoàn toàn; sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng như khăn mặt, ly, chén, muỗng, đũa; vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý, tăng cường vệ sinh cá nhân; vệ sinh phòng ở của người bệnh, đồ vật nhiễm mầm bệnh hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

Thùy Dung (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ha-noi-ghi-nhan-so-ca-mac-thuy-dau-sot-xuat-huyet-tang-manh-a596742.html