Gần đây, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 liên tục nhận và điều trị các ca bệnh liên quan đến đau mắt đỏ, gồm cả trẻ em và người lớn.
Đau mắt đỏ - căn bệnh dễ lây mạnh trong mùa hè
Theo thông tin từ Báo Tổ quốc, chị Thùy Linh (27 tuổi, Hà Nội), thấy con gái 3 tuổi liên tục dụi mắt, chỉ nghĩ con bị bụi vào mắt, nên chỉ dùng nước muối sinh lý nhỏ.
Sau 3 ngày, mắt con không đỡ, chị ra hiệu thuốc mua thuốc khác. Đến ngày thứ 5, mắt con xuất hiện nhiều gỉ vàng nên chị vội đưa bé đi khám tại Bệnh viện Mắt Hà Nội.
Tại đây, bé được chẩn đoán bị viêm kết mạc nặng (đau mắt đỏ) có giả mạc, thời gian điều trị sẽ lâu khỏi hơn các trường hợp khác.
Trao đổi với Báo Tổ Quốc, Ths.Bs Mai Thị Anh Thư – Trưởng Khoa khám bệnh, cho biết: "Cháu bé đã ủ bệnh trong thời gian trước đó. Do gia đình phát hiện ra muộn nên tình trạng của bé đã diễn biến nặng. Kiểm tra thêm mắt chị Linh cũng thấy xuất hiện dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ. Sau đó, cả con trai và chồng chị cũng bắt đầu có dấu hiệu ngứa, cộm mắt".
Theo thông tin từ bác sĩ Anh Thư, đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc là tình trạng nhiễm trùng mắt do virus Adenovirus hoặc vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra.
Thời điểm từ mùa hè đến cuối mùa với nắng nóng và mưa thất thường, kết hợp độ ẩm không khí cao. Khoảng thời gian giao mùa này, cơ thể rất dễ nhạy cảm với thời tiết khiến hệ miễn dịch yếu nên khả năng bị bệnh cao hơn.
Khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ như sau:
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và sử dụng nước sạch.
Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.
Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Nguyễn Linh (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/canh-bao-benh-ve-mat-cuc-de-lay-manh-trong-mua-he-ai-cung-nen-biet-cach-xu-tri-a596882.html