Người vợ trẻ ở Hà Nội phải đi khám tâm thần sau khi tiêu sạch lương lại nợ thêm 40 triệu để mua sắm

Việc mua sắm vô tội vạ, thậm chí vay mượn, quẹt thẻ tín dụng để mua rồi rơi vào tình trạng nợ nần có thể là dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, cần được khám và hỗ trợ điều trị.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng M7 - Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời gian vừa qua viện tiếp nhận một số trường hợp đến khám, tư vấn tâm lý vì bị nghiện mua sắm. Theo bác sĩ Long, các trường hợp này đa số gặp ở nữ giới, độ tuổi trung niên, sau khi thăm khám đã được điều trị tâm lý, hỗ trợ kiểm soát hành vi. 

Chị Minh Liễu (26 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) đã phải đến viện tâm thần nhờ bác sĩ tư vấn vì nghiện mua sắm, nhất là mỗi khi vừa được nhận lương. Mặt hàng chị Liễu thường chi tiền là mỹ phẩm, quần áo, đồ gia dụng… mặc dù bản thân và gia đình không có nhu cầu sử dụng.

“Cứ ngày 15 hàng tháng khi có lương là tôi phải đặt mua một thứ gì đó, thậm chí có lúc mở tủ quần áo ra tôi tự hỏi mình: Sao nhiều quần áo vậy? Có những chiếc váy tôi còn chưa mặc tới nhưng đã mua chiếc khác”, chị Liễu cho hay.

Việc chi tiêu quá mức cho mua sắm hoặc mua không kiểm soát là dấu hiệu cảnh báo bị tâm thần. Ảnh minh họa.

Khi dùng hết tiền lương, chị Liễu còn mạnh tay sử dụng thẻ tín dụng, đến khi số tiền nợ lên đến gần 40 triệu đồng chị mới khai báo với chồng. Chính vì việc này mà hai vợ chồng mâu thuẫn, sau đó do suy nghĩ nhiều, tìm cách kiếm tiền trả nợ nên chị Liễu mất ngủ, sụt cân và phải vào viện tâm thần thăm khám. Tại đây, các bác sĩ cho biết, chị bị nghiện hành vi mua sắm và được hỗ trợ điều trị bằng nhiều phương pháp kết hợp. 

Thạc sĩ tâm lý Đặng Thị Hải Yến, Viện sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, trong xã hội hiện đại, nhất là khi việc dùng thẻ tín dụng theo kiểu “mua trước, trả tiền sau” phổ biến, nhiều trường hợp bị nghiện mua sắm, rơi vào cảnh nợ nần lúc nào không hay.

Thông thường, những trường hợp không thể kiểm soát được hành vi mua đồ kéo theo các rối loạn tâm thần khác như lo âu, trầm cảm. Chính những rối loạn này tạo ra động lực thôi thúc bệnh nhân phải mua sắm. Và chỉ khi tậu được món đồ nào đó, người bệnh mới có cảm giác thoả mãn, giải toả căng thẳng.

Thạc sĩ Hải Yến cho biết, đa số các trường hợp bị nghiện mua sắm thường kèm theo các rối loạn tâm thần khác. Ảnh Lê Phương

“Đa số những trường hợp này sẽ được điều trị ngoại trú, ban đầu sẽ chữa các rối loạn tâm thần trước, sau đó mới tư vấn điều chỉnh hành vi nghiện mua sắm”, thạc sĩ Yến chia sẻ. Chuyên gia cho biết thêm, quá trình này cần có sự hỗ trợ tích cực từ người thân mới đạt hiệu quả. Một số lưu ý cho người nghiện mua sắm: 

- Giáo dục hành vi mua sắm, phỏng vấn tạo động lực để giải quyết nợ nần chi tiêu quá hạn mức.

- Cần có người thân xung quanh để hỗ trợ hạn chế hành vi mua sắm.

Ngoài ra, còn có liệu pháp trị liệu nhóm nhằm tạo môi trường có nhiều người bệnh cùng nhau vượt qua hành vi rối loạn mua sắm.

Thạc sĩ Hải Yến tư vấn, mỗi người cần điều chỉnh hành vi mua sắm của mình cho phù hợp, cần có kế hoạch mua sắm, chi tiêu để không rơi cảnh nợ nần. Ngoài ra, khi nhận thấy bản thân ngày nào cũng phải mua một món đồ gì đó, nhưng mua xong lại không dùng thì cần phải cảnh giác với chứng nghiện mua sắm. 

Khi chứng nghiện mua sắm ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt, gia đình, người mắc nên tới chuyên khoa sức khoẻ tâm thần để khám và được tư vấn hướng điều trị, tránh để lại những rối loạn tâm thần nặng khiến việc điều trị khó khăn.

LÊ PHƯƠNG.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nguoi-vo-tre-o-ha-noi-phai-di-kham-tam-than-sau-khi-tieu-sach-luong-lai-no-them-40-trieu-de-mua-sam-a596958.html