Học vấn “không phải dạng vừa" của tân hoa hậu Ý Nhi: Theo học ngành không bao giờ lỗi mốt, ra trường có thể nhận mức lương "khủng"

Tân hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi hiện đang là sinh viên năm 3 ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM. 

Hậu đăng quang Miss World Việt Nam 2023, những thông tin liên quan đến tân hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi được nhiều người quan tâm, trong đó có trình độ học vấn của người đẹp. Chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí, Ý Nhi cho biết dù được sinh ra trong gia đình khá giả nhưng bản thân cô luôn tự lập và mong muốn có thể tự đi trên đôi chân của mình. Vì vậy, cô luôn cố gắng để đầu tư cho việc học một cách chỉn chu nhất.

Ý Nhi hiện đang là sinh viên năm 3 ngành Quản trị kinh doanh, trường Đại học Quốc tế.

Trong suốt những năm trung học phổ thông, Ý Nhi đạt học sinh giỏi nhiều năm liền. Cô cũng tích cực tham gia nhiều câu lạc bộ và các hoạt động xã hội. Lý do Ý Nhi chọn học ngành Quản trị kinh doanh là để hiểu rõ về cách quản lý, vận hành một nền kinh tế, cách thu hút khách hàng. Mong ước của nàng hậu là muốn xây dựng thương hiệu đồ uống và thời trang trong tương lai.

Hiện Ý Nhi đang theo học tại trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM, cùng trường với Á hậu Lê Nguyễn Bảo Ngọc (Á hậu 1 - Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022).

Lựa chọn ngành học Quản trị kinh doanh, Ý Nhi mong muốn ngành học phần nào có thể nâng cao bản thân, giúp cô trở nên kỷ luật hơn trong cuộc sống. Đây là ngành giảng dạy về việc thực hiện các hành vi quản trị quá trình kinh doanh để duy trì, phát triển công việc kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm việc cân nhắc, tạo ra hệ thống, quy trình và tối đa hóa “hiệu suất”, “quản lý hoạt động kinh doanh” bằng quá trình tư duy và ra quyết định của nhà quản lý. 

Bên cạnh đó, bạn sẽ được đào tạo đầy đủ về các khối ngành kinh tế như học về quản trị doanh nghiệp, tài chính, kiến thức căn bản khối kế toán đến các chiến lược marketing. Ngoài ra, sinh viên còn được rèn luyện có hệ thống tư duy và kỹ năng lãnh đạo, được thực chiến với nhiều mô hình quản trị và xem xét xem mô hình nào sẽ mang đến hiệu quả tối đa cho doanh nghiệp.

Quản trị kinh doanh có thể chia thành nhiều ngành chuyên sâu như: Quản trị nhân sự, Quản trị kinh doanh tổng hợp, Quản trị kinh doanh quốc tế, thương mại; Quản trị truyền thông, marketing,...

Ai cũng có thể kinh doanh, nhưng không phải ai cũng có thể quản trị giỏi, điều hành tốt. Để có thể mang lại lợi nhuận, giúp doanh nghiệp phát triển đòi hỏi ở người quản trị sự hiểu biết về kinh tế, xã hội và có tầm nhìn bao quát. Ngoài sự am hiểu đối với lĩnh vực kinh doanh, nhạy bén với sự thay đổi của thị trường, người quản trị còn phải có khả năng đưa ra quyết định, khả năng đề ra chiến lược, xây dựng và quản trị mô hình doanh nghiệp, có thể hoạt động một cách trơn tru và hiệu quả nhất. 

Sinh viên ngành quản trị kinh doanh đòi hỏi yếu tố năng động, sáng tạo và có tầm nhìn.

Là ngành học được học cả về quản trị và kinh doanh, sinh viên sau tốt nghiệp có thể thử sức với nhiều vị trí việc làm. Các cử nhân Quản trị kinh doanh có thể đảm nhận các vị trí như chuyên viên tại phòng kinh doanh, phòng kế hoạch, phòng marketing, phòng hỗ trợ - giao dịch khách hàng của các công ty, tập đoàn về tài chính, chứng khoán. Ngoài ra, khi đã có kinh nghiệm, việc thăng tiến trở thành giám đốc điều hành, giám đốc tài chính tại các tập đoàn, công ty là hoàn toàn có thể. Khi đã nắm vững kiến thức, kỹ năng của ngành học, sinh viên còn có thể tự thành lập và điều hành công ty riêng hoặc giảng dạy, nghiên cứu về Quản trị kinh doanh tại các trường đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp.

Mức lương trung bình của ngành quản trị kinh doanh sẽ được quyết định dựa trên nhiều yếu tố khác nhau. Ngành này bao gồm nhiều vị trí khác nhau nên mức lương của mỗi công việc cũng có sự chênh lệch. Trung bình các vị trí dao động khoảng từ 4 – 21 triệu đồng/tháng. Khi đã có kinh nghiệm làm việc thực tế và đạt cấp bậc cao, thu nhập còn có thể lên đến 50-60 triệu đồng/tháng.

Kinh nghiệm thực chiến và năng lực chuyên môn tốt là điều kiện để có được thu nhập cao trong ngành này.

Năm 2022, trường đại học Quốc tế xét tuyển đầu vào ngành Quản trị kinh doanh ở mức 23 điểm với các tổ hợp A00, A01, D01 và D07. Tại một số trường cũng đào tạo ngành này, điểm chuẩn cũng thường dao động ở mức 24 - 28 điểm. 

Rất nhiều trường đại học Việt Nam đào tạo ngành Quản trị kinh doanh. Một số cái tên tiêu biểu có thể tham khảo như Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh Tế TP. HCM, Đại học Ngoại thương,… Ngoài ra, sinh viên có thể cân nhắc đến phương án du học ngành Quản trị Kinh doanh ở các quốc gia có kinh tế phát triển như Mỹ, Anh hoặc Úc.

H.A

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/hoc-van-khong-phai-dang-vua-cua-tan-hoa-hau-y-nhi-theo-hoc-nganh-khong-bao-gio-loi-mot-ra-truong-co-the-nhan-muc-luong-khung-a597193.html