Theo Tổng cục Thống kê, gần 800 doanh nghiệp bất động sản đã giải thể trong 7 tháng đầu năm 2023.
Báo Tiền Phong dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong 7 tháng năm 2023, cả nước có 89.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 834.300 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 588.900 lao động, tăng 0,2% về số doanh nghiệp, giảm 17,1% về vốn đăng ký và giảm 5,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm nhiều nhất so với cùng kỳ năm 2022 với 2.622 doanh nghiệp, giảm 56,2%. Lĩnh vực này cũng có 756 doanh nghiệp giải thể, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong các ngành.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nó có thể xuất phát từ những nguyên nhân khách quan như tình hình dịch bệnh, chu kỳ tăng trưởng của thị trường hay tăng trưởng kinh tế giảm.
Mặc dù lãi suất đã giảm nhẹ vào đầu năm nay nhưng vẫn ở ngưỡng cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, theo thống kế của Wichart.vn, tính đến hết ngày 30/7, có 66 doanh nghiệp bất động sản đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2023. Trong đó, 24 doanh nghiệp tăng lãi và 30 doanh nghiệp giảm lãi so với cùng kỳ năm ngoái.
Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) và Vincom Retail (mã chứng khoán: VRE) là 2 doanh nghiệp đạt lợi nhuận nghìn tỷ trong quý.
Cụ thể, CTCP Vinhomes đạt trên 32.800 tỷ đồng doanh thu và 9.650 tỷ đồng lãi ròng trong quý, lần lượt gấp 7,3 lần doanh thu và gấp 14,5 lần về lợi nhuận so với cùng kỳ. Doanh thu và lợi nhuận 6 tháng lần lượt đạt trên 62.000 tỷ đồng và 21.570 tỷ đồng.
CTCP Vincom Retail tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực so với bối cảnh khó khăn chung của ngành. Đây là quý thứ 2 liên tiếp công ty đạt lãi ròng trên nghìn tỷ đồng. Biên lãi gộp trong quý đạt xấp xỉ 55% so với mức 57% ở cùng kỳ. Công ty có khoản lãi gần 280 tỷ đồng tiền gửi, tiền cho vay và các khoản đặt cọc.
Đánh giá về thị trường, chia sẻ trên VTV News, ông Nguyễn Vũ, Giám đốc Trung tâm Bất động sản Căn nhà Mới kỳ vọng, khoảng cuối quý IV giao dịch trên thị trường sẽ tốt lên hoặc muộn hơn là quý II/2024.
"Khi đó, các chính sách Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản đã "thẩm thấu" và tác động nhanh đến các đối tượng trên thị trường. Bởi vậy, 2 quý cuối của năm 2023 thị trường bất động sản vẫn sẽ rất khó khăn", ông Nguyễn Vũ nói.
Hiện Chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án luật liên quan đến thị trường bất động sản như Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai…, Đồng thời, tiếp tục chủ trương hạ lãi suất cho vay, nới room tín dụng lên 14% cho toàn hệ thống.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Phúc Hưng, vẫn còn quá sớm để nói thị trường bất động sản đã vượt qua khó khăn.
Ông Thanh phân tích thêm, tâm lý người mua nhà vẫn đang là trở ngại lớn với việc phục hồi giao dịch nhà đất. Dù cho tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn so với giai đoạn cuối năm 2022 nhưng vẫn chưa đủ để tạo bức phá trong giao dịch. Bên cạnh đó, rào cản pháp lý chưa thực sự khơi thông nên nguồn cung dự án ra thị trường vẫn nhỏ giọt.
Theo nhận định từ các chuyên gia, từ nay đến quý IV/2023, thị trường chỉ ghi nhận thêm một số dự án mới bổ sung, nguồn cung ít ỏi so với lực cầu vốn rất lớn. Chỉ khi những rào cản được tháo bỏ hoàn toàn thì thị trường bất động sản mới bớt khó khăn, dần phục hồi để lấy đà tăng trưởng.
Vân Anh (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/gan-800-doanh-nghiep-bat-dong-san-giai-the-tu-dau-nam-den-nay-a597233.html