Việt Nam sắp xuất khẩu 2 triệu liều vắc-xin dịch tả lợn châu Phi

Dự kiến từ nay đến tháng 10, Việt Nam sẽ xuất khẩu 2 triệu liều vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho Philippines và Indonesia.

Thông tin từ Cục trưởng Cục Thú y, Philippines đã nhập khẩu 300.000 liều vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi của Việt Nam và đang sử dụng. Từ nay đến tháng 10, Việt Nam sẽ xuất khẩu 2 triệu liều vắc-xin cho Philippines và Indonesia.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, trong nước, các doanh nghiệp sản xuất vắc-xin cũng đang phối hợp với địa phương triển khai tiêm phòng cho các đàn lợn. Không chỉ hộ chăn nuôi, trang trại, doanh nghiệp cũng đã và đang sử dụng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn.

Ông Nguyễn Văn Long đánh giá, vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi không chỉ phục vụ cho tiêu dùng trong nước mà đã xuất khẩu sang các thị trường. Khi đã xuất khẩu sang nhiều nước và có kết quả sử dụng tốt thì sẽ cơ hội thuận lợị cho mở rộng thương mại vắc-xin dịch tả lợn châu Phi của Việt Nam.

Cũng theo ông Long, quá trình nghiên cứu, sản xuất vắc-xin dịch tả lợn châu Phi được Bộ Nông nghiệp và Phát trển nông thôn (NNPTNT) chỉ đạo rất thường xuyên, liên tục; quá trình chỉ đạo khảo nghiệm, kiểm nghiệm vắc-xin rất chặt chẽ, được thông tin rất cụ thể.

"Tháng 5/2022, sau khi căn cứ tất cả các quy định của Việt Nam, tham khảo các quy định của quốc tế, Cục Thú y đã báo cáo Bộ và Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan và Cục Thú y cấp phép lưu hành đồng thời tổ chức lễ công bố vắc-xin dịch tả lợn châu Phi. Sau khi công bố, Bộ NNPTNT tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp với các địa phương tiếp tục giám sát 600.000 liều. Đến thời điểm tháng 7/2023, sau 1 năm chỉ đạo giám sát, trên phạm vi cả nước đã sử dụng 650.000 liều ở trên 40 tỉnh, thành phố; cho kết quả đạt miễn dịch trên 95%, đáo ứng tất cả các tiêu chuẩn về kỹ thuật cũng như quy định của Việt Nam", ông Long nói.

Cũng theo ông Long, đoàn chuyên gia của Mỹ sang, đánh giá các nội dung giám sát, khảo nghiệm của Việt Nam phù hợp với quy chuẩn quốc tế. Philippines cũng đã sử dụng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi của Việt Nam đạt kết quả bảo hộ 100% và đã cho phép nhập khẩu để sử dụng.

Bộ NNPTNT cũng đã cử đoàn chuyên gia sang Cộng hòa Dominicana để chuyển giao kỹ thuật sử dụng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi và cho kết quả tốt. "Đây chính là cơ sở để Bộ NNPTNT có văn bản đề nghị các địa phương xem xét, sử dụng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi trên toàn quốc", ông Long thông tin thêm.

Về tiềm năng thương mại hóa, xuất khẩu vắc-xin dịch tả lợn châu Phi, ông Long cho biết, ngay sau khi Bộ NNPTNT có văn bản về việc sử dụng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi trên toàn quốc, Philippines đã nhập 300.000 liều vắc-xin của Công ty CP AVAC Việt Nam. Dự kiến từ nay đến tháng 10 Công ty CP AVAC Việt Nam sẽ xuất khẩu 2 triệu liều vắc-xin dịch tả lợn châu Phi sang Philippines.

Tiêu dùng & Dư luận - Việt Nam sắp xuất khẩu 2 triệu liều vắc-xin dịch tả lợn châu Phi

Bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Ảnh minh họa.

Trước đó, sau khi sử dụng 600.000 liều vắc-xin với sự giám sát của Cục Thú y tại hơn 40 tỉnh, thành phố, cho kết quả an toàn, hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc sử dụng vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng.

Các doanh nghiệp hướng dẫn các địa phương về tiêu chí kỹ thuật, lựa chọn lợn đáp ứng điều kiện để tiêm phòng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, chủ động, tiếp tục thực hiện giám sát chất lượng vắc-xin và chịu trách nhiệm về chất lượng vắc-xin khi cung ứng trên thị trường

Bên cạnh đó, theo đề nghị của một số quốc gia, Việt Nam đã hỗ trợ, cử chuyên gia và phối hợp tổ chức tiêm phòng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi.

Để chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và sử dụng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi an toàn, hiệu quả, Bộ NNPTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp của địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo tại các văn bản của Đảng, Nhà nước, quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y và xem xét, quyết định việc sử dụng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình dịch bệnh, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu việc sử dụng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi để phòng, chống dịch bệnh tại địa phương; tổ chức lấy mẫu giám sát, đánh giá sau tiêm phòng vắc-xin.

Lưu ý trong quá trình triển khai tiêm phòng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi, có thể các đàn lợn của địa phương đã nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi thực địa và các mầm bệnh khác, nhưng chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, nên khi đàn lợn được tiêm vắc-xin dịch tả lợn châu Phi, rất có thể có phản ứng, phát bệnh, bị chết và buộc phải xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn bệnh theo quy định.

Các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO và Công ty cổ phần AVAC Việt Nam trong việc triển khai sử dụng vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Các địa phương báo cáo kết quả sử dụng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi (nếu có), cũng như kịp thời có văn bản phản ánh đầy đủ, chính xác những khó khăn, vướng mắc đến Bộ NNPTNT để phối hợp, xử lý.

Đối với Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO và Công ty cổ phần AVAC Việt Nam, Bộ NNPTNT yêu cầu xây dựng kế hoạch sản xuất, cung ứng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi theo nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu, bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu lực theo đúng quy định.

Trúc Chi (theo VTV, Dân Việt)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/viet-nam-sap-xuat-khau-2-trieu-lieu-vac-xin-dich-ta-lon-chau-phi-a597303.html