Mẹ tôi mất sớm còn bố tôi cũng đi lấy vợ 2 sau đó không lâu, từ nhỏ tôi sống với bà ngoại. Không được bố mẹ chăm sóc giáo dục chỉn chu nên tôi chểnh mảng chuyện học hành. 18 tuổi tôi đã mang bầu, lúc đó cũng run cũng sợ lắm nhưng hễ hai hỏi về tác giả của cái thai tôi đều lắc đầu không kể. Mãi cho tới khi đứa trẻ chào đời tôi càng ý thức hơn được việc làm mẹ và bằng mọi giá phải bảo vệ đứa con của mình.
Ảnh minh họa
Không chồng mà chửa, lại còn có con khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường nên chuyện này khiến tôi và cả bà ngoại đi đâu cũng bị mọi người dè bỉu, chế giễu. Đến khi con gái tôi chào đời mỗi lần bế ra làng ra xóm, hay cho bé đi tiêm phòng đều bị mọi người nói xấu không để đâu cho hết. Mọi người nói rằng đứa trẻ này là con hoang con dại hoặc là con của một người nào đó "đầu đường xó chợ" "đầu trộm đuôi cướp" nên tôi mới không dám nói ra. Tôi im lặng trước mọi sự gièm pha của mọi người nhưng khi lên đến đỉnh điểm, tôi không thể giấu được nữa.
Đó là khi bà ngoại tôi qua đời cũng chỉ vì bệnh lâu ngày, xấu hổ với làng với xóm, uất nghẹn vì tôi, lúc đó tôi quyết định ôm con đến nhà bố đứa trẻ để một lần chứng minh con của tôi không có tội. Đứa trẻ chính là con của một ông trưởng thôn trong làng. Anh đẹp trai có học thức và cũng đã có vợ. Tuy nhiên vợ chồng anh lại chưa có con, tôi nghe những lời dụ dỗ của anh mà nhận lời yêu. Sau 2 tháng tôi hay tin mình mang bầu cũng là lúc người đàn ông chối bỏ trách nhiệm và còn dọa nếu tôi nói ra sự thật sẽ khiến cho bà cháu không còn chốn dung thân trong làng.
Chính vì thế khi bà đã mất tôi chẳng sợ gì mà lột trần sự xấu xa của người đàn ông ấy. Biết được danh tính bố đứa trẻ không phải ai xa lạ mà là người ai nấy đều kính trọng, cả làng mới ngỡ ngàng thương thay cho tôi và con gái. Tuy nhiên cũng từ sau đó, tôi ôm con đi nơi khác và bắt đầu một cuộc sống mới.
Ảnh minh họa
Đứa trẻ xinh đẹp ngây thơ lớn lên trong tình yêu thương của tôi nhưng vẫn luôn có nhiều thắc mắc về bố của nó. Bởi cũng chính vì lớn lên không có bố mà con bị bạn bè trêu chọc. Tôi nhớ có những hôm con khóc ướt áo đi học về và nói với tôi rằng bạn bè không chơi cùng chỉ vì con không có bố. Lúc đó tôi đã hứa với con, khi nào con trưởng thành, đủ chín chắn tôi sẽ cho con gặp bố.
Giờ đây đứa trẻ đã bước vào lứa tuổi 15 và vẫn mang một ước mơ được một lần gặp bố đẻ của mình. "Dù ông ấy nhẫn tâm bỏ rơi con nhưng con vẫn muốn được gặp bố dù chỉ 1 lần thôi". Câu nói của đứa trẻ khiến tôi chua xót bao năm qua. Có lẽ cũng đến lúc tôi phải thực hiện lời hứa cho con!
Sau chia tay có nên cho con gặp bố/mẹ?
Trên thực tế mỗi cuộc chia ly đều là kết quả của nhiều bất đồng khác nhau. Chính vì thế một số cặp cha mẹ lựa chọn cách ngăn cấm con cái gặp bố, mẹ trong một thời gian dài như một cách "trả thù" đối phương. Điều đó cũng không có gì sai, cũng là cách để họ hiểu rằng những lựa chọn sai lầm của họ sẽ nhận về những bài học vô cùng đắt giá.
Tuy nhiên các bậc cha mẹ cũng nên đặt mình vào địa vị của đứa trẻ để cảm nhận. Trẻ sinh sống trong gia đình tan vỡ phải chịu tổn thương về tinh thần vô cùng sâu sắc. Đứa trẻ nào cũng mong muốn được sống đủ bố đủ mẹ, tuy nhiên chúng không thể hiểu được những vấn đề của người lớn quan trọng cỡ nào đã khiến trẻ sống mà có bố không có mẹ hoặc ngược lại, có mẹ và không có bố.
Ngoài ra, việc ngăn cấm trẻ gặp gỡ bố mẹ sau ly hôn không những khiến trẻ càng bị tổn thương hơn mà còn hình thành nỗi uất hận trong tâm trí con trẻ.
Chính vì thế dù đối phương có phạm phải những lỗi lầm như thế nào sau ly hôn, là cha mẹ hãy đặt mình vào địa vị của con để lắng nghe những tâm sự của trẻ. Từ đó cha mẹ sẽ biết được con khao khát được ở gần bố mẹ đến nhường nào.
PHAN NGUYỄN (GHI)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/18-tuoi-lam-me-sau-2-thang-yeu-toi-noi-ra-than-the-bo-dua-tre-khien-ca-lang-ngo-ngang-a597330.html