Giá sầu riêng tăng cao, nhộn nhịp “cọc-chốt”
Báo Tiền Phong dẫn số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), trong tháng 7, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 200 triệu USD, nâng kim ngạch mặt hàng này đến hết tháng 7 đạt xấp xỉ 1 tỷ USD, tăng khoảng 18 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Kỷ lục này là tin vui với ngành rau quả.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Vinafruit cho biết, mới năm ngoái, sầu riêng vẫn nằm ngoài 5 nhóm mặt hàng rau quả xuất khẩu chủ lực. Thế nhưng chỉ sau đúng 1 năm khi có nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, mặt hàng này đã vươn lên một cách ngoạn mục, trở thành sản phẩm rau quả chủ lực quan trọng nhất hiện nay của Việt Nam.
Với diễn biến hiện nay, ông Nguyên dự báo, xuất khẩu sầu riêng trong năm có thể cán mốc 1,3-1,5 tỷ USD, trở thành yếu tố chính giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam có cơ hội đạt 5 tỷ USD trong năm nay, về đích sớm 2 năm so với mục tiêu ban đầu.
Xuất khẩu sôi động, giá sầu riêng tại các vùng trồng cũng tăng vọt. Báo cáo tình hình sản xuất và diễn biến giá cả một số mặt hàng nông sản của Bộ NN-PTNT cho thấy, trong tháng 7, giá sầu riêng Ri6 tăng 7.400 đồng/kg, lên mức 80.000 đồng/kg. Nguyên nhân, một số vùng trồng ở khu vực phía Nam bước vào cuối vụ, nguồn cung khan hiếm.
Tại khu vực Tây Nguyên, sầu riêng bước vào vụ thu hoạch giá cũng tăng cao.
Trao đổi với VietNamNet, bà Thanh Thảo, nhà vườn trồng và thu mua sầu riêng xuất khẩu ở Đắk Lắk, thừa nhận, giá sầu riêng thời điểm này tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện, sầu riêng Thái giá thu mua tại vườn ở mức 70.000-85.000 đồng/kg, sầu Ri6 giá dao động trong khoảng 50.000-64.000 đồng/kg. Vườn trồng của bà có 600 cây cho thu hoạch đợt này, sản lượng ước khoảng 80 tấn.
“Vụ sầu này tôi chốt được đơn hàng xuất khẩu 200 container sầu riêng cho đối tác Trung Quốc”, bà tiết lộ. Bà đã đặt cọc chốt mua khoảng 1.000 tấn sầu của các nhà vườn ở khu vực Đắk Lắk.
Tuy nhiên, bà không chốt giá cứng với phía đối tác Trung Quốc mà áp dụng giá theo thị trường. Bởi vậy, dịp này giá sầu riêng thu mua tại vườn tăng cao cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động gom mua xuất khẩu.
Thế nhưng, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu lại cho hay, giá sầu riêng chốt mua tại vườn ở mức trên 80.000 đồng/kg thì "doanh nghiệp thật sự không dám mua”.
Theo bà Vy, giá doanh nghiệp chốt trước đây với người dân từ 60.000-65.000 đồng/kg. Ở mức giá này, người dân trồng sầu riêng đã có lãi cao.
Nhưng hiện nay có hiện tượng “thổi giá” sầu riêng, nông dân thấy giá cao liền huỷ cọc, không tuân thủ nguyên tắc liên kết trước đó khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc mua sầu riêng trả đơn hàng xuất khẩu.
Trao đổi với Vietnam+, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Buôn Hồ Bùi Thành Huỳnh cũng cho biết, hợp tác xã hiện có 27 thành viên chính thức và liên kết với hơn 80 hộ dân, tổng diện tích canh tác gần 200ha sầu riêng.
Tình trạng thương lái, doanh nghiệp vào tận vườn để liên hệ, chào mời nhiều đáng kể so với các năm trước. Hợp tác xã đang liên kết với 3 doanh nghiệp về kỹ thuật, tiêu thụ sầu riêng. Tuy nhiên, với giá sầu riêng cao như hiện nay, một số hộ dân đã nhận cọc tiền, bán cho thương lái.
Chia sẻ với Thanh Niên, một số doanh nghiệp thu mua, chế biến sầu riêng xuất khẩu bức xúc, mức giá sầu riêng vượt xa dự tính của họ nên gần như không thể mua được. Bởi với các đơn hàng xuất khẩu, giới thương lái xuất sang Trung Quốc đều không mua khi giá trên 70.000 đồng/kg sầu riêng Thái loại A. Vì nếu cộng thêm chi phí doanh nghiệp bỏ ra cho thu hoạch, vận chuyển, làm hàng… bình quân vượt hơn 25.000 đồng/kg, tính ra giá sầu riêng vượt cao hơn các năm trước rất nhiều.
Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty CP Ban Mê Green Farm, than thở: "Hiện nay có không ít thông tin cho rằng phía Trung Quốc đang "rất hút" sầu riêng, hầu như các vườn trồng đều đang từ chối các doanh nghiệp (DN) thu mua, chế biến xuất khẩu. Song điều đó là không chính xác. Chúng tôi đang rất sốt ruột vì bạn hàng từ chối tiếp nhận hàng trễ và không chịu giá cao. Nếu nông dân, các chủ vườn không thấy rõ vấn đề, tình hình sẽ rất nan giải".
Hệ lụy
Giá sầu riêng tăng, nhiều thương lái đến tận vườn để chào mời đặt cọc cảnh báo sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như tình trạng bẻ cọc với doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết trước đó để bán cho thương lái ảnh hưởng đến tính liên kết chuỗi trong sản xuất; tình trạng tranh mua-tranh bán có khả năng dẫn đến các khiếu kiện dân sự; thu hoạch sầu riêng khi giá cao, chưa đủ ngày tuổi.
Trên thực tế, những năm trước đã có trường hợp thương lái đặt cọc song chỉ mua sầu riêng loại 1 với giá đã cam kết, còn lại sầu riêng nhỏ, quá to hoặc xấu sẽ bị ép giá, neo vườn cây, ảnh hưởng tới năng suất của vụ sau. Chưa kể, nhiều hợp đồng không rõ ràng sẽ khiến nông dân “dở khóc dở cười.”
Ông Nguyễn Đình Kế, phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk cho biết 1,3 ha sầu riêng của gia đình ông khoảng 45 ngày nữa cho thu hoạch.
Nhiều năm qua, nông dân trên địa bàn; trong đó, có bạn bè, người thân của ông Kế khi chốt giá và nhận cọc trước đã gặp phải nhiều rủi ro.
Chẳng hạn như, trong hợp đồng không ghi rõ là thu mua sầu Dona, sầu Ri6, mà ghi là sầu cơm vàng da xanh, gai nhím. Nếu sầu riêng đến ngày đủ tuổi để thu hoạch, giá thị trường thấp hơn so với giá đã chốt, có thương lái “trở mặt” bảo không đúng loại sầu riêng cam kết trong hợp đồng.
Hoặc hợp đồng không ghi ngày trả vườn, sau khi thương lái thu mua sầu riêng loại 1, neo vườn, để sầu rụng, chủ vườn xót ruột sẽ phải đồng ý bán số lượng còn lại với giá rẻ.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar Nguyễn Ngọc Giao cho biết, để chuẩn bị cho vụ sầu riêng năm 2023, Ủy ban Nhân dân huyện đã tổ chức hội nghị kết nối với 10 doanh nghiệp về thu mua, xuất khẩu sầu riêng và thực tiễn doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân trồng sầu riêng, đây là tiền đề xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất sầu riêng.
Tuy nhiên, đầu vụ sầu riêng năm 2023, nhiều thương lái ở nơi khác đến huyện, thông qua môi giới, đến tận vườn, chốt giá cao hơn. Nhiều hộ dân trồng lẻ đã trả lại tiền cọc cho doanh nghiệp, chốt giá với thương lái, song có nhiều hộ dân tỉnh táo, giữ chữ tín trong sản xuất.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, quan ngại: "Thời gian đi qua đang rất nhanh, mùa vụ sầu riêng chín rộ đã tới. Nếu giữa các DN và nông dân không khẩn trương hợp tác điều đình lại giá mua bán, tình hình sẽ xấu đi. Đến lúc "vỡ trận", không chỉ có nông dân thua lỗ nặng nề, mà DN cũng vỡ các kế hoạch sản xuất, mất đơn hàng xuất khẩu, thiệt hại sẽ rất lớn, và đặc biệt uy tín thị trường sầu riêng Đắk Lắk sẽ bị tổn hại nghiêm trọng".
Theo ông Vũ Đức Côn, sầu riêng không phải là mặt hàng thuộc dạng lương thực nhà nước bình ổn quản lý giá nên tất cả đều phụ thuộc vào cơ chế thuận mua vừa bán, thậm chí các DN trên địa bàn tỉnh phải cạnh tranh với các DN ở địa phương khác đến tranh mua. "Đây là sản phẩm còn khá mới, người dân còn đặt nhiều kỳ vọng nên sẽ khó chấp nhận bán giá thấp. Phải trải qua nhiều chu kỳ lên xuống, họ mới quen dần với diễn biến thị trường, và DN cũng phải quen dần với việc liên kết cùng nông dân", ông Vũ Đức Côn nhìn nhận.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty XNK Vina T&T Group, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN, nhận định: "Diễn biến thị trường xuất khẩu sầu riêng hiện nay vẫn tương đối thuận lợi, các đơn hàng từ Trung Quốc vẫn đều đặn. Tuy nhiên, hiện tượng giằng co mua bán giữa thương lái hay DN với chủ vườn là do hiện nay đã hết vụ mùa sầu riêng từ các vùng khác, ngay cả Thái Lan cũng đã hết thu hoạch. Thời điểm hiện tại chỉ có vùng Tây nguyên là đang cho quả, chính vì vậy chủ vườn "làm giá" cũng là chuyện đương nhiên. Bên cạnh đó, thời tiết mưa cũng thường xuyên ảnh hưởng đến việc thu hoạch".
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Tùng, cũng như nhiều loại trái cây nông sản khác, khi đầu vụ thì giá cao, giữa vụ thu hoạch rộ thì giá xuống thấp và cuối vụ giá lại tăng lên. Vì vậy, bất đồng hiện nay giữa người mua và người bán có thể sẽ không kéo dài. Cần có một sự bắt tay hợp tác dài hạn hơn, một khi các DN đã ký hợp đồng xuất khẩu chính ngạch thì cần phải có vùng nguyên liệu ổn định, chứ không thể "tay không bắt giặc", ký trước thu mua sau thì rất rủi ro, nguy cơ bể hợp đồng và mất uy tín.
Trước tình hình thu mua sầu riêng trên địa bàn ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành công văn đề nghị Ủy ban Nhân dân cấp huyện rà soát, tổng hợp, bám sát tình hình sản xuất, giá cả, thị trường tiêu thụ sầu riêng của địa phương.
Ủy ban Nhân dân cấp huyện yêu cầu các tổ chức, cá nhân thu mua sầu riêng phải cam kết thực hiện đúng nội dung tiêu chuẩn ngành, nghiêm cấm không được thu mua sầu riêng trộm cắp, không đảm bảo theo quy định.
Cùng đó, hỗ trợ nông dân sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sầu riêng theo tiêu chuẩn quy định; có cơ chế thu mua phù hợp với phân hạng quả sầu riêng, không ép cấp phân hạng, ép giá; liên kết thu mua sản phẩm sầu riêng cho nông dân thông qua hợp đồng kinh tế theo đúng quy định.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Đức Côn cho biết thêm, trong tháng 7 vừa qua, Hiệp hội đã tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp với hợp tác xã, nông dân, thông tin về thị trường, giá cả, tình hình sản xuất và tiêu thụ sầu riêng của các nước, diễn biến tiêu thụ sầu riêng ở các tỉnh vừa trải qua mùa thu hoạch.
Hiệp hội khuyến cáo, nông dân bình tĩnh, theo dõi sát thông tin thị trường và vườn cây, đợi vườn cây đủ ngày tuổi rồi chốt giá và bán. Đồng thời, Hiệp hội đề nghị chính quyền từ huyện đến thôn, buôn tích cực vào cuộc theo dõi, có giải pháp can thiệp kịp thời tình trạng “tranh mua, tranh bán” như hiện nay.
Sầu riêng có giá trị kinh tế cao, mang lại nhiều cơ hội làm giàu cho nông dân Đắk Lắk, song sầu riêng là cây trồng khi chín có thời hạn thu hoạch ngắn, nếu để quá ngày sẽ rụng trái và làm cây kiệt sức. Do vậy, nông dân Đắk Lắk mong muốn chính quyền các cấp, ngành chức năng quản lý các thương lái, doanh nghiệp đến thu mua tại địa bàn; có giải pháp để bình ổn giá sầu riêng, tạo môi trường mua-bán lành mạnh, ổn định, lâu dài.
Bên cạnh đó, do giá cả chưa bình ổn và còn biến động, nông dân trồng sầu riêng Đắk Lắk cần cẩn trọng khi đưa ra quyết định, xem xét kỹ hợp đồng mua bán, quan tâm đến liên kết lâu dài trong sản xuất và tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng, chính quyền sở tại để có vụ thu hoạch sầu riêng thành công, lợi nhuận.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/sau-rieng-sot-gia-doanh-nghiep-gap-kho-voi-bai-toan-thu-mua-a597608.html