Giá bột gạo, bún, phở... tăng “chóng mặt” theo giá gạo

Giá lúa gạo trong nước tăng từng ngày đẩy giá các loại bột gạo, bún, phở... tăng cao. Hơn nữa, do nguồn gạo giá rẻ nhập khẩu từ Ấn Độ nhiều năm qua bị đứt gãy khiến các doanh nghiệp đang loay hoay tìm nguồn hàng thay thế.

Giá lúa gạo trong nước tăng từng ngày đẩy giá các loại bột gạo, bún, phở... tăng cao. Hơn nữa, do nguồn gạo giá rẻ nhập khẩu từ Ấn Độ nhiều năm qua bị đứt gãy khiến các doanh nghiệp đang loay hoay tìm nguồn hàng thay thế.

Vài năm trở gần đây, phần lớn diện tích trồng lúa tại ĐBSCL được chuyển sang trồng lúa thơm, chất lượng cao để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu nên nguồn cung của phân khúc gạo để sản xuất bún, bánh, phở… bị thiếu hụt, không đủ để đáp ứng tiêu thụ nội địa.

Trong khi đó, việc nhập khẩu gạo từ Ấn Độ lại tăng vọt vì giá rẻ nhờ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% từ Ấn Độ theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA). Từ nguồn nguyên liệu giá rẻ này, các nhà sản xuất trong nước sẽ tận dụng để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu…

gia bot gao bun pho tang chong mat theo gia gao

Giá bột gạo, bún, phở... tăng “chóng mặt” theo giá gạo.

Tuy nhiên, sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, bên cạnh đó là Nga và UAE, tình hình cung ứng gạo để phục vụ phân khúc sản xuất bún, bánh, phở… càng thêm khan hiếm hơn.

Theo báo Lao động, tại cửa hàng bún trên đường An Dương Vương (quận 5, TP.HCM), mỗi ngày nhập gần cả tạ bún từ mối quen nhưng những ngày gần đây, chủ cơ sở bún này đã thông báo tăng lên 2.000 đồng/kg.

“Trước đây 1 kg bún có giá 10.000 đồng vì tôi lấy số lượng nhiều nhưng bây giờ họ lấy tôi 12.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng so với cách đây khoảng 1 tuần. Chủ cửa hàng bán bún tăng giá vì giá gạo 504 dùng để sản xuất bún, phở tăng”, bà Quách Thị Băng - chủ quán nói.

Theo khảo sát, không chỉ có giá bún mà các loại bột gạo, bánh phở, bánh hỏi… cũng tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg.

Một tiểu thương bán bún tại chợ Hoà Bình (quận 5, TP.HCM) cho biết: “Loại bột gạo để làm sợi phở, bún và các loại bánh ở chỗ tôi bán là loại ngon nhưng nay cũng tăng 3.000 đồng/kg, lên 26.000 đồng/kg. Với khách mua hàng nhiều, tôi sẽ bán giá cũ, còn mua ít thì tôi buộc phải bán giá mới tăng khoảng 1.000-2.000 đồng thì mới có lời”.

Về phía các doanh nghiệp, báo Dân Việt dẫn lời bà Nguyễn Thị Bính, Giám đốc Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nguyễn Bính cho biết, giá gạo mà doanh nghiệp bà dùng để sản xuất bún sạch cứ tăng dần, tăng dần thời gian gần đây.

Từ mức giá 9.800 - 10.000 đồng/kg, hiện giá gạo này đã tăng lên 15.500 - 16.000 đồng/kg. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của DN nói riêng, của ngành sản xuất thực phẩm bún, phở… nói chung.

"Nguyễn Bính xác định được xu thế giá nguyên vật liệu tăng nên cũng trữ được một ít gạo để sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay giá nguyên liệu tăng mà chúng tôi chưa thể tăng được giá bún và có thể sang đến tháng 9 mới tăng giá được, rất khó khăn", bà Bính nói.

Bà Bính cho biết thêm, do hiện nay giá xăng tăng thêm khoảng 2.000/lít, gạo tăng giá khoảng 60% nên Nguyễn Bính thông báo tăng giá thêm 3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi nghe thông báo, khách hàng không đồng ý.

“Trong tình hình này nếu Nhà nước không điều tiết được thì chúng tôi chắc chỉ cầm cự hỗ trợ được khách hàng trong 1 tháng nữa thôi. Trong khi đó, bún bẩn thì trước đây chỉ 6.000 đồng/kg này đã tăng lên 9.500 -10.000 đồng/kg, đã tăng thêm 3.500 - 4.000 đồng/kg", bà Bính nói thêm.

Đề nghị các doanh nghiệp đầu mối tuân thủ quy định thu mua thóc gạo

Trước tình hình thị trường gạo thế giới có nhiều biến động phức tạp, để đảm bảo ổn định thị trường gạo trên địa bàn TP.HCM, Sở Công Thương đã có có văn bản gửi UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức, các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo, doanh nghiệp bình ổn thị trường mặt hàng gạo và các hệ thống phân phối tại thành phố, về việc bình ổn thị trường các mặt hàng gạo trong bối cảnh giá gạo tăng nóng.

Theo đó, Sở đề nghị các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Công Thương; tuân thủ quy định về thu mua thóc, gạo nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, duy trì mức dự trữ, lưu thông theo quy định trong kinh doanh xuất khẩu gạo.

Đối với doanh nghiệp bình ổn thị trường mặt hàng gạo, thực hiện nghiêm túc quy chế chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố, đồng thời chủ động triển khai kế hoạch thu mua, dự trữ, đảm bảo nguồn hàng, cung ứng đủ, vượt số lượng đã đăng ký trong mọi tình huống; đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính công bố.

Thực hiện thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối đảm bảo nguồn cung cho thị trường, duy trì lượng hàng dự trữ bình ổn thị trường đầy đủ để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết..., theo báo Lao động.

Vân Anh (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/gia-bot-gao-bun-pho-tang-chong-mat-theo-gia-gao-a597702.html