Đám cưới "ngược đời" gây chú ý khi cô dâu tươi cười vui vẻ đứng đợi trước nhà chú rể, tuy nhiên nhà trai lại bịn rịn không muốn “gả” chú rể đi.
Cụ thể, câu chuyện trên xảy ra ở thành phố Tương Tây, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Theo đó một đoạn video đã ghi lại hình ảnh cô dâu diện trang phục truyền thống, tay cầm bó hoa, tươi cười đứng đợi trước cửa nhà chú rể. Tuy nhiên trái ngược hoàn toàn với không khí vui tươi vốn có, trong căn phòng, nhà trai đang ôm con khóc nức nở không nỡ gả đi.
Được biết, cô dâu chú rể đều là người dân tộc Miêu Tương Tây. Họ có truyền thống văn hóa đặc trưng là đón rể và ở rể.
Cũng trong đoạn video đại diện nhà gái đã lên tiếng phát biểu trước quan viên hai họ: "Cha mẹ cô dâu rất tốt, chàng trai này qua nhà họ ở rể chắc chắn sẽ không bị đối xử tệ bạc đâu. Gia đình mong nhận được lời chúc phúc từ mọi người".
Ngay sau khi đoạn clip được lan truyền trên mạng xã hội, cư dân mạng Trung Quốc đã có những bàn luận sôi nổi về đám cưới độc lạ trên. Hầu hết đều cho rằng, bất luận là đón dâu hoặc đón rể thì chỉ một bên gia đình là vui nhất, gia đình còn lại sẽ ngậm ngùi nhớ thương con cháu bởi thời gian họ gặp gỡ và hàn huyên ngày càng ít ỏi.
"Cô dâu hớn hở ra mặt, không có gì bằng lấy chồng mà vẫn được ở bên cạnh bố mẹ";
"Lần đầu thấy đám cưới mà nhà trai lại nhiều nước mắt thế này";
"Nhìn nhà trai ôm chú rể khóc lóc mà buồn cười ghê, nhưng chung quy lại nhà nào phải gả con đi thì nhà đấy sẽ buồn hơn";
"Độc đáo ghê, trước giờ toàn thấy chú rể đi đón dâu, phụ nữ phải làm dâu. Giờ tôi mới biết có nơi đàn ông phải đi ở rể, được đón rể thế này đấy";
“Điều này cũng tốt, đàn ông nên cảm nhận nỗi khổ của phụ nữ khi lấy chồng xa, con rể ở với bố mẹ vợ đương nhiên sẽ thoải mái hơn là nàng dâu ở với bố mẹ chồng"....
Một số phong tục đám cưới kỳ lạ của người thiểu số ở Trung Quốc
Dân tộc Buyi
Theo phong tục truyền thống của người Buyi ở tỉnh Quý Châu, từ khi còn đang mang bầu, cha mẹ đã chuẩn bị hôn nhân cho con. Sau những cuộc hẹn hò kín đáo và lễ đính hôn, cha mẹ tổ chức hôn lễ hoành tráng khi con cái họ được 5 hoặc 6 tuổi. Sau các nghi lễ, trẻ vẫn sống cùng gia đình mình và tiếp tục tuổi thơ hạnh phúc.
Jiagu là một loại mũ có khung làm bằng vỏ tre được phủ bằng vải batik. Vào mùa đội Jiagu trong tháng 4 hoặc tháng 8 - 9, mẹ và chị của chú rể hoặc 2 người họ hàng (là phụ nữ) sẽ mang một con gà và jiagu đến nhà cô dâu. Nếu bị bắt được, cô dâu sẽ bị vấn tóc và đưa về nhà chồng. Thiếu nữ Buyi đội jiagu nghĩa là đã kết thúc cuộc sống với cha mẹ và bắt đầu cuộc hôn nhân.
Dân tộc Yi
Người Yi kết hôn bằng cách tranh giành. Nếu muốn kết hôn, bạn phải có một sức khỏe dẻo dai và thành thạo một số kỹ năng như đấu vật, ca hát và chèo kéo cũng như có một trí óc dũng cảm và sự linh hoạt. Ngoài ra, bạn cũng phải có một đội ngũ hùng hậu để đón dâu và xây dựng tinh thần vững vàng trước vì bạn có thể sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc "cướp" cô dâu.
Người Yi tin rằng, nước có thể trừ tà và tạo ra hạnh phúc. Vì vậy, té nước thường thấy trong đám cưới của người Yi. Chú rể sẽ chọn một số chàng trai mạnh mẽ và thông minh để hoàn thành nhiệm vụ đón dâu cùng mình. Họ không chỉ phải chịu đựng cái lạnh của nước, mà còn phải giúp chú rể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Dân tộc Amei
Xã hội mẫu hệ là nét văn hóa đặc trưng của người Amei ở Đài Loan. Đàn ông đã kết hôn sống với gia đình cô dâu và phụ nữ được thừa kế tài sản của gia đình. Những cậu bé được gửi đến một câu lạc bộ vị thành niên để đào tạo khi bước vào tuổi 13, tham dự các bài kiểm tra thể lực 3 năm một lần để được thăng hạng lên câu lạc bộ cấp cao hơn.
Nam giới người Amei chỉ có thể kết hôn sau khi sống trong câu lạc bộ người lớn và đủ 22 tuổi. Họ được huấn luyện để trở thành những chiến binh bảo vệ bộ tộc. Nếu những người đàn ông ly hôn, họ trở lại câu lạc bộ người lớn và chờ đợi cơ hội tiếp theo cho cuộc hôn nhân thứ hai.
Dân tộc Bai
Là một dân tộc cổ, người Bai có nền văn hóa, văn minh phong phú và bao dung trong tình yêu và hôn nhân. Do đó, người Bai tận hưởng những ngày tự do tình dục ngay cả sau khi đã kết hôn.
Cùng với truyền thống, mỗi thành viên trong gia đình có thể tận hưởng 3 ngày tự do và riêng tư mỗi năm để đoàn tụ với người tình một thời của họ và tìm kiếm sự thoải mái. Họ có thể đón nhận sự thân thiết, thậm chí sống cùng nhau mà không bị bất kỳ ai can thiệp. Sau 3 ngày, họ phải trở lại cuộc sống gia đình bình thường.
Thùy Dung (T/h)
Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-than-khoc-nuc-no-khong-muon-ga-chu-re-cho-co-dau-a586113.html
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nguoi-than-khoc-nuc-no-khong-muon-ga-chu-re-cho-co-dau-a597717.html