Qua giới thiệu của một người họ hàng, tôi quen biết vợ tôi được 3 tháng thì chúng tôi đi tới hôn nhận. Cuộc hôn nhân thực chất vì tình yêu thì cũng không nhiều mà là vì chúng tôi đều đã ở tuổi "quá lứa nhỡ thì". Tôi 35 tuổi còn bà xã đã 31. Chính vì thế chúng tôi quyết định có con ngay sau khi cưới để yên tâm làm ăn xây dựng mái ấm gia đình.
3 tháng sau khi cưới chúng tôi có tin vui và sinh con gái đầu lòng sau đó không lâu. Cả gia đình ai cũng mừng rỡ chúc phúc còn bản thân tôi từ khi có con gái ý thức được trách nhiệm của mình rất nhiều. Tôi cảm thấy mình không còn là người đàn ông độc thân nữa mà gánh vác trên vai là cuộc sống của vợ, của con, sau này còn là của cả bố mẹ già.
Ảnh minh họa
Chính vì thế nếu cứ mãi ở nhà thì kinh tế không thể khấm khá hơn, khi con gái được 1 tuổi tôi bàn với vợ đi xuất khẩu lao động sang nước ngoài để hy vọng đồng lương khấm khá gửi về cho vợ chăm con ở quê. Cô ấy đồng ý nhưng nếu đã đi thì phải đi ít nhất 3 năm hoặc 5 năm mới đủ ký hợp đồng và cũng có chút tiền "ra tấm ra món".
Nhìn người vợ mới cưới và đứa con còn non dại, tôi cũng không đành lòng nhưng nếu cứ cùng nhau bám víu vào mấy mảnh ruộng ở dưới quê thì mãi chỉ nghèo khó, cuộc sống tương lai của các con cũng mãi chỉ có vậy. Do đó khi bắt đầu đăng ký đi làm nước ngoài tôi đăng ký hệ 5 năm và đồng ý trong suốt 5 năm đó không được về quê, làm liên tục mới được mức lương cao.
Thế nhưng may mắn làm sao sau khi làm được 3 năm ở nước ngoài tôi được đặc cách cho trở về thăm nhà ít hôm rồi lại sang làm tiếp. Lần trở về này tôi không thông báo trước cho gia đình, cho vợ cho con để định đem đến sự bất ngờ.
Bình thường chỉ liên lạc với vợ con qua điện thoại, video call nhưng khi gặp mặt tôi đã nhận ngay ra cô con gái của mình. Đứa bé giống y đúc tôi ngày xưa đang chơi trước sân nhà bố mẹ ruột tôi. Vợ tôi sau khi con gái lớn cũng đi làm công nhân trên thành phố, sáng đi tối về với con. Chính vì thế ban ngày tôi về chưa được gặp vợ, tranh thủ thời gian làm quen với con gái.
Ảnh minh họa
Đứa bé được nói chuyện thường xuyên với bố nên cũng không quá lạ lẫm. Mất một khoảng thời gian là tôi có thể ôm con vào lòng, tâm sự hỏi han tỉ tê đủ thứ chuyện. Đứa bé kể rất nhiều về cuộc sống của hai mẹ con lúc ở nhà, trong đó câu nói làm tôi ấn tượng nhất là "mẹ mới sinh em bé đó bố". Ban đầu tôi khá bất ngờ lại hoang mang với câu nói đó của con gái và không hiểu vì sao tôi đi làm xa mà vợ tôi lại sinh em bé được.
Hỏi đi hỏi lại con gái, bé vẫn khẳng định chắc nịch là mẹ mới sinh em bé cho con, mỗi ngày con sẽ ở nhà trông em, chăm em cho mẹ đi làm rồi tối mẹ về với hai chị em.
Khá hoang mang trước lời con gái nói, tôi chủ động nói con dắt mình đi gặp em bé. Đứa trẻ dắt tay tôi đi vào trong phòng và dừng chân trước một cái nôi đang đặt em bé "còn đỏ hỏn" nằm trong đó. Đứa trẻ đã làm tôi khá giật mình và bật cười lớn vì em bé mà con nói hóa ra chỉ là một con gấu bông. Con gái cũng ôm em bé lên rồi vỗ về, ru ru như một người chị thực thụ, còn dạy nó chào hỏi bố như thật.
Ảnh minh họa
Buổi tối hôm đó tôi hỏi vợ về em bé đáng yêu đó vợ mới bật cười kể rằng hóa ra bạn bè cùng lứa tuổi đều có em hết nên con gái rất hóng có em. Trong khi đó bố lại đi làm xa nên mẹ không làm cách nào "sản xuất" được em bé cho con gái chơi. Thấy con gái lúc nào cũng buồn buồn tủi tủi vì không có em chơi cùng, có lúc còn khóc lớn đòi mẹ sinh em bé nên vợ tôi đã nghĩ ra cách giả vờ đẻ ra em bé gấu bông để nguôi ngoai khao khát có em của con.
Từ đó con gái cũng vui hẳn, gặp ai cũng khoe là mẹ mới đẻ em bé và rất thích được chăm sóc em bé. Nghe những lời vợ nói tôi không còn cảm thấy buồn cười nữa mà thay vào đó nghẹn ngào khó tả. Tôi không biết rằng con gái khi lớn lại có nhiều suy nghĩ thay đổi như thế mà tôi lúc nào cũng chỉ nghĩ rằng làm thật nhiều tiền gửi về cho con một cuộc sống tốt đủ đầy là được.
Chính vì thế trong lần trở về này, tôi và vợ quyết định cũng "sản xuất" gấp một em bé đúng theo ước nguyện của cô con gái. Thật may "đạn ít" mà lại chất lượng, sau 1 tháng tôi quay trở lại nước ngoài làm việc đã thấy vợ báo tin có bầu. Lần này chắc chắn con gái tôi sẽ có em thật chứ không phải là một em bé gấu bông nữa rồi. Tin vui đó làm tôi lại có thêm động lực cày cuốc kiếm tiền vì giờ đây gia đình sắp có thêm "máy bào tiền".
Tâm sự từ độc giả quychau..@gmail.com
2-4 năm là khoảng thời gian hợp lý nhất để mỗi gia đình nghĩ đến chuyện sinh con thứ 2. Tuy nhiên sự xuất hiện của em bé thứ hai đem đến nhiều thay đổi lớn trong gia đình, trong đó mối quan hệ của con thứ 2 và con đầu lòng là điều quan trọng nhất.
Khi có thêm thành viên mới, người tỏ thái độ rõ rệt nhất trong gia đình có lẽ là anh/chị nhí. Bé lớn sẽ có thái độ yêu – ghét rất rõ ràng. Bởi vậy bố mẹ không thể bỏ quên “ý kiến” của thành viên tý hon trong gia đình mình.
Bé từ 1-3 tuổi: Mẹ không dễ để tách rời khỏi bé. Bé đã quen với mẹ như hình với bóng thì việc phải nhường mẹ cho em quả là khó khăn. Nào là gào khóc, phụng phịu tủi thân, rồi ngắt nhéo em bất cứ lúc nào mà mẹ không để ý để giành lại mẹ bằng được... Phải làm anh/chị bất đắc dĩ khi còn quá nhỏ thì những phản ứng của bé cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng bản thân mẹ cũng không tránh khỏi xót con khi bé còn quá non nớt để tách rời khỏi mẹ.
Tuy nhiên lợi thế mà khoảng cách sinh gần nhau giữa 2 bé mang lại là: mẹ có thể tóm gọn giai đoạn chăm con trong thời gian ngắn nhất; những kinh nghiệm chăm sóc bé đầu còn mới nguyên để áp dụng tốt hơn cho bé sau; những trường hợp kết hôn sau 30 khoảng cách sinh 2 bé gần nhau cũng thuận lợi cho việc sinh nở hơn.
Bé từ 4 tuổi trở lên: Mẹ sẽ không phải nhức đầu giải thích với bé vì sao mẹ phải chăm em nhiều hơn, hay vì sao con phải nhường nhịn em…Bé sẽ tự hiểu và ra dáng một người anh/chị rất chững chạc. Vì thế bạn hoàn toàn có thể cậy nhờ bé lớn một số việc lặt vặt. Đây là một ông anh (bà chị) lý tưởng nhất.
Dù bé lớn ở độ tuổi nào, điều quan trọng là bạn biết phân bổ thời gian, nắm bắt được tâm lý của bé để cân bằng sự quan tâm, chăm sóc cho các con. Tránh tình trạng dành trọn thời gian cho bé em mà bỏ quên, thậm chí la mắng bé lớn khi chúng mè nheo đòi mẹ. Việc bé lớn có vui vẻ chấp nhận thêm em hay không phần lớn nhờ vào tài ứng xử khéo léo của mẹ.
PHAN NGUYỄN (GHI)