Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, mã chứng khoán: VBB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với thu nhập lãi thuần đạt 440 tỷ đồng, giảm 22,6% so với cùng kỳ.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 23,7 tỷ đồng; giảm 6,22% Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác của VietBank đạt 77,8 tỷ đồng, giảm 4,77%. Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư đem về cho VietBank 19 tỷ đồng và 25,9 tỷ đồng; lần lượt tăng 96,32% và 789,5% so với quý cùng kỳ.
Theo VietBank, thu nhập từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng đột biến do diễn biến lãi suất trên thị trường thuận lợi. Ngoài ra do cùng kỳ năm trước, lãi suất trên thị trường trầm lắng, kết quả kinh doanh không tốt.
Ngoài ra, do tăng lương và thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa trụ sở kinh doanh, triển khai các chương trình khuyến mại nên chi phí hoạt động của VietBank trong kỳ tăng 15%, lên mức 367,1 tỷ đồng.
Trong quý 2, mặc dù đã cắt giảm tới gần 50% chi phí dự phòng tín dụng rủi ro, song lợi nhuận trước thuế của VietBank vẫn sụt giảm tới 37% so với cùng kỳ, xuống còn 171 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, VietBank lãi trước thuế 368 tỷ đồng, giảm gấn 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản tại VietBank đạt gần 116.000 tỷ đồng, tăng khoảng 3,9%. Số dư cho vay khách hàng đạt gần 69.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 7,7% và tiền gửi khách hàng cũng đi lên khoảng 6,4%, đạt gần 81.000 tỷ đồng.
Về chất lượng tín dụng, tính đến cuối tháng 6/2023, dư nợ xấu tại VietBank đã tăng thêm gần 14% so với đầu năm. Trong khi nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) và nợ nghi ngờ gần như đi ngang so với đầu năm thì nợ dưới tiêu chuẩn đã tăng gấp 2,4 lần, lên mức hơn 443 tỷ đồng.
Được thành lập ngày 2/2/2007, VietBank ban đầu có vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Tính đến tháng 6/2023, ngân hàng này đã đạt quy mô vốn điều lệ 4.777 tỷ đồng. Hiện Chủ tịch HĐQT của VietBank là ông Dương Nhất Nguyên.
Chủ tịch HĐQT của VietBank sinh năm 1983, là con trai ông Dương Ngọc Hòa – nguyên Chủ tịch HĐQT VietBank và bà Trần Thị Lâm – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm. Mối quan hệ gia đình này cũng phần nào lý giải vì sao VietBank là đơn vị “quen mặt” đóng vai trò thu xếp dòng tiền, cấp tín dụng cho các doanh nghiệp “họ” Hoa Lâm.
Gần đây nhất, ngày 20/7, HĐQT VietBank đã nhất trí, chấp nhận thông qua giao dịch giao dịch cấp tín dụng giữa nhà băng này với Công ty TNHH bệnh viện Quốc tế City và cam kết của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-la.
Tổng mức cấp tín dụng là 176 tỷ đồng, mục đích vay nhằm hoàn tiền chi phí lưu động cho Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City, thời hạn vay là 2 năm.
Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 16, tờ bản đồ số 108 thuộc phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh, chủ sở hữu Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế Hoa Lâm 1, để bảo đảm cho khoản vay 86 tỷ đồng của Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City tại Vietbank.
Trước đó, vào cuối tháng 6, HĐQT VietBank cũng đã thông qua giao dịch đảm bảo giữa VietBank và Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-la về việc cấp tín dụng cho Công ty TNHH TML Riverside.
Theo đó, quyền sử dụng đất tại thửa đất số 1-15; tờ bản đồ số 108, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. HCM sẽ được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay gần 492 tỷ đồng của TML Riverside tại VietBank.
Ngoài ra, bất động sản tại các thử đất số 1-10, 1-11, 1-12, 1-17, 1-18, 1-19, 2-2, 2-3 thuộc tờ bản đồ số 18, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh cũng được sử dụng để đảm bảo cho khoản vay gần 1.655 tỷ đồng của TML Riverside. Các tài sản đảm bảo nói trên đều thuộc sở hữu của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-la.
Hiếu Nguyễn
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cap-tin-dung-hang-nghin-ty-cho-nhom-cong-ty-quen-mat-vietbank-dang-kinh-doanh-the-nao-a597912.html