Đổ mồ hôi tay chân là tình trạng sinh lý bình thường đặc biệt là khi nhiệt độ môi trường tăng cao, khi vận động, uống nhiều rượu bia,... Tuy nhiên, nếu tình trạng đổ mồ hôi tay chân quá mức khiến bạn gặp khó chịu trong cuộc sống hoặc đổ mồ hôi bất thường có thể là dấu hiệu của bệnh lý nào đó.
Ra mồ hôi tay chân là bệnh gì?
Ra mồ hôi tay chân là tình trạng đổ mồ hôi tay chân ngay cả khi đang nghỉ ngơi, không hoạt động thể chất, trong không gian mát mẻ, và tâm trạng bình thường… có thể bạn đang gặp tình trạng tăng tiết mồ hôi. Đây là một rối loạn của cơ thể do sự kích thích quá mức của các thụ thể cholinergic trên các tuyến mồ hôi (Eccrine) gây đổ mồ hôi nhiều.
Đặc trưng của tình trạng rối loạn này là mồ hôi tiết ra nhiều hơn nhu cầu của cơ thể để điều hòa nội mô, gây khó chịu cho người bệnh. Do các tuyến mồ hôi tập trung nhiều ở vùng lòng bàn tay, nách, bàn chân… nên việc ra mồ hôi nhiều ở tay chân thường sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt thường ngày và công việc của người bệnh.
Nguyên nhân gây đổ mồ hôi tay chân
Đổ mồ hôi tay chân nguyên phát phát do rối loạn thần kinh thực vật, thường gặp hơn đổ mồ hôi thứ phát và chủ yếu khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, nách, đầu và mặt. Tình trạng đổ mồ hôi tay chân bắt đầu từ lúc nhỏ hay giai đoạn trước dậy thì, triệu chứng nặng nề hơn trong giai đoạn dậy thì và kéo dài trong suốt cuộc đời. Ngoài ra, các rối loạn về thần kinh và trạng thái tâm thần cũng gây đổ mồ hôi tay.
Đổ mồ hôi thứ phát thường gây ra tình trạng đổ mồ hôi toàn cơ thể. Một số nguyên nhân gây ra tình trạng đổ mồ hôi tay chân thứ phát như:
- Thiếu vitamin và chất khoáng: Vitamin và khoáng chất đóng một vai trò rất quan trọng trong cơ thể. Việc thiếu hụt các dưỡng chất, vitamin và khoáng chất do người bệnh sử dụng nhiều các thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều chất bảo quản sẽ là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ra mồ hôi tay, chân vào mùa lạnh.
- Bệnh cường giáp: những phản ứng trao đổi chất trong bệnh cường giáp sẽ bị rối loạn khi tuyến giáp hoạt động quá mức, khiến cơ thể đốt cháy nhiều calo, tạo ra nhiều nhiệt và cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi hơn. Trường hợp bệnh nhân tăng tiết mồ hôi tay chân do bệnh cường giáp thì thường có biểu hiện đi kèm như: hay hồi hộp, đánh trống ngực, run tay, sụt cân nhanh, mắt lồi,...
- Tăng tiết mồ hôi thứ phát: do nhiệt độ quá thấp, bỏng lạnh, u tuyến yên, thiếu máu bất sản, lao phổi,...
- Nhiễm độc: do tính chất công việc hay một số nguyên nhân nào đó khiến cho cơ thể của bạn tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất độc hại từ nước, không khí, môi trường ô nhiễm,... khiến cho cơ thể bị nhiễm độc. Lúc này, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách bài tiết ra nhiều mồ hôi nhằm đào thải chất độc ra khỏi cơ thể.
Ngoài ra, cũng có nhiều nghiên cứu cho thấy người bệnh bị đổ mồ hôi tay chân vào mùa lạnh có thể là dấu hiệu sớm của bệnh ung thư máu. Đây là một trong những loại ung thư bạch cầu ác tính gây rối loạn các hoạt động trong cơ thể, trong đó đặc biệt là hoạt động bài tiết làm cho cơ thể xuất hiện tình trạng tăng tiết nhiều mồ hôi tay chân.
4 cách khắc phục chứng ra mồ hôi tay, mồ hôi chân hiệu quả
Dùng phấn rôm em bé
Phấn rôm em bé có rất nhiều công dụng khác, trong đó có thể khắc phục tình trạng mồ hôi chân tay ra nhiều khá hiệu quả. Loại phấn này mịn, hạt nhỏ, không mùi và an toàn với da nên có thể sử dụng thường xuyên. Phấn rôm em bé sẽ có tác dụng hút ẩm, kiềm dầu và khử mùi do mồ hôi cơ thể ra nhiều rất tốt.
Với mồ hôi tay, bạn rắc bột phấn ra tay và xoa đều nhẹ nhàng khi thấy tay ra nhiều mồ hôi và ẩm ướt. Cùng với đó, dùng phấn rôm rắc vào giày hoặc xoa tương tự với chân để hút ẩm, giảm mùi hôi do ra nhiều mồ hôi chân.
Dùng trà đen
Túi trà đen bạn hay uống cũng có thể khắc phục mồ hôi tay đấy. Trong trà có axit tannic giúp ngăn mồ hôi và se nhỏ lỗ chân lông. Tuyến mồ hôi của bạn sẽ hoạt động ít hơn và tay bạn sẽ khô ráo hơn.
Bạn có thể thử 2 cách dùng trà xanh sau:
- Làm ẩm các túi trà đen và đặt vào tay trong vài phút mỗi ngày. Bạn cũng có thể dùng những túi trà ẩm này để lau tay khi cần.
- Pha 3–4 túi trà đen với nước nóng trong 5 phút. Bạn hãy dùng nước trà này ngâm tay trong 30 phút.
Ăn uống hợp lý
Ngoài ra, đổ mồ hôi tay còn do nhiều yếu tố tác động từ stress, lo âu căng thẳng hoặc chế độ ăn uống hàng ngày. Để giúp giảm thiểu đổ mồ hôi, cần thực hiện một số biện pháp sau:
Lựa chọn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất từ các loại thực phẩm chứa nhiều chất kẽm như ngũ cốc, hạt bí ngô, đậu phộng, hàu, cua, thịt cừu, thịt bò, thịt gà, cá hồi hay gan động vật... và các thực phẩm như dâu tây, nho... có nhiều chất silic có thể giảm thiểu tình trạng ra nhiều mồ hôi tay và mùi hôi của cơ thể.
Uống nhiều nước để làm mát cơ thể. Nếu uống đủ nước, cơ thể sẽ không bị nóng và không cần phải thoát nhiệt nên không phải đổ mồ hôi để thoát khỏi cái nóng nữa vì lượng nước ở trong người đã đủ để giữ nhiệt độ cơ thể luôn mát mẻ. Có thể uống các loại nước hoa quả mỗi ngày để làm giảm mồ hôi.
Hạn chế thực phẩm cay nóng: Cần giảm bớt các thực phẩm chứa nhiều gia vị như: ớt, tỏi, tiêu, hành và đồ uống chứa chất kích thích như caffein, rượu bia, thuốc lá trong chế độ ăn hàng ngày là một trong những cách để giảm mồ hôi tay.
Dùng giấm táo
Giấm tạo có tính chất acid, vị chua dịu nhẹ, có tác dụng cân bằng pH trong cơ thể, se khít lỗ chân lông nên có tác dụng hạn chế dầu thừa, giảm tiết mồ hôi tay chân và cơ thể. Hãy lựa chọn giấm táo hữu cơ có mùi chua và màu cam đậm hơn giấm táo thông thường, sử dụng để giảm mồ hôi chân tay như sau:
- Trộn giấm táo với nước theo tỉ lệ 1:1, ngâm tay và chân trong khoảng 5 phút. Sau khi ngâm thì rửa sạch tay bằng xà phòng và nước sạch, sau đó lau tay bằng khăn giấy. Ngâm tay chân vào nước giấm táo 2 lần mỗi ngày.
- Trộn 10ml giấm táo với nước ấm, thêm 1 ít mật ong để uống hàng ngày.
Những cách chữa trị mồ hôi tay chân hiệu quả
Chất chống mồ hôi dùng ngoài
Bản chất của chất chống mồ hôi là thuốc trị mồ hôi tại chỗ dùng bôi thoa, xịt ngoài da chứa thành phần hóa học chính là muối nhôm. Khi tiếp xúc với da, mồ hôi sẽ hòa tan và kéo các hạt muối nhôm vào lỗ chân lông, tạo thành nút bít kín ống dẫn mồ hôi, ngăn mồ hôi thoát ra ngoài.
Tác dụng của chất chống mồ hôi có thể duy trì tối đa từ 24 – 48 tiếng tùy loại. Trước khi bôi chất chống mồ hôi nên rửa sạch, lau khô tay chân và sử dụng vào buổi tối, nếu mồ hôi vẫn ra có thể thoa lại vào ban ngày.
Chất chống mồ hôi có thể gây kích ứng, khiến da nóng rát, dày sẩn, mẩn đỏ khi dùng thường xuyên. Mặc dù rất tiện dụng, nhưng chất chống mồ hôi chỉ là biện pháp tình thế giúp mồ hôi tay chân tạm thời, do đó, chỉ nên dùng khi cần thiết.
Thuốc uống điều trị mồ hôi tay chân
Nếu chất chống mồ hôi ngoài da không hiệu quả, thuốc uống có thể được kê đơn, thường dùng là các thuốc kháng cholinergic (glycopyrolate, oxybutynin, propantheline…) hoặc thuốc chẹn beta (atenolol, metoprolol…). Hai nhóm thuốc này có hiệu lực mạnh hơn vì làm ức chế hệ thần kinh giao cảm.
Thuốc uống không chỉ làm giảm mồ tay chân mà còn ức chế tiết mồ hôi trên toàn cơ thể, hiệu quả kéo dài trong vòng 4 – 6 tiếng sau khi uống. Tuy nhiên, người bệnh cần phải thận trọng và tuân thủ chỉ định của bác sỹ khi dùng các thuốc này vì dễ gặp tác dụng phụ như bí tiểu, loạn nhịp tim, táo bón, khô miệng, tụt huyết áp, nhìn mờ, chóng mặt…
Phẫu thuật cắt hạch giao cảm chữa mồ hôi tay
Cắt hạch giao cảm được chỉ định cho người bị tăng tiết mồ hôi tay. Trước đây, bác sỹ cũng từng thực hiện phẫu thuật này để điều trị mồ hôi chân nhưng vì gây liệt dương, tiểu không tự chủ… nên hiện nay không còn áp dụng.
Bác sỹ sẽ tiến hành mổ nội soi lồng ngực để loại bỏ 2 chuỗi hạch giao cảm nằm từ đốt ngực L2 đến L4, chính là nơi tiếp nhận tín hiệu giữa hệ thần kinh giao cảm và tuyến mồ hôi tay.
Cắt hạch giao cảm là phương pháp điều trị mồ hôi tay có hiệu quả khá tốt, tuy nhiên, rủi ro tất nhiên sẽ cao hơn, người bệnh có thể bị tăng tiết mồ hôi bù trừ (50 – 90%), xuất huyết, nhiễm trùng, đau ngực, tràn dịch màng phổi, rối loạn nhịp tim, sụp mí mắt… sau mổ, do đó, phải cân nhắc kỹ.
Một số lưu ý khi điều trị ra mồ hôi tay chân
– Hạn chế rượu bia, cà phê, đồ uống chứa caffein.
– Tránh ăn đồ cay nóng, hạn chế các loại gia vị nóng như ớt, tiêu, tỏi…
– Giữ tinh thần thư giãn thoải mái, không nên căng thẳng, không thức khuya.
– Uống nhiều nước 1.5 – 2 lít/ngày, tăng cường bổ sung các loại rau củ, trái cây tươi.
– Ngâm tay chân với lá lốt, chè xanh, nước muối… sẽ giúp giảm mồ hôi tốt hơn.
– Nên đi dép, sandal hoặc giày vải, giày hở mũi để chân thông thoáng, tránh đi giày chật, giày nhựa tổng hợp bí chân.
– Lựa chọn loại tất cotton, sợi tre thấm mồ hôi tốt và thay tất hằng ngày.
Thùy Dung (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nguyen-nhan-va-cach-khac-phuc-mo-hoi-tay-mo-hoi-chan-hieu-qua-a598009.html