Bé trai 3 tuổi nguy kịch tính mạng vì bà nội xử lý theo cách dân gian khi cháu bị chảy máu cam

Sau khi thấy cháu bị chảy máu cam, bà nội đã dùng phương pháp dân gian để xử lý khiến đứa trẻ nguy kịch thêm.

Bệnh viện Nhân dân huyện Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc mới đây đã tiếp nhận một cậu bé 3 tuổi bị chảy máu mũi, khi được đưa đến bệnh viện thì cậu bé đã bị sốc và nguy hiểm đến tính mạng. 

Trong quá trình điều trị, bác sĩ khoa Tai Mũi Họng Li Qiang kiểm tra phát hiện khoang mũi hai bên của cậu bé bị ăn mòn nghiêm trọng, khoang mũi sâu đã rỉ máu, có vùng chảy máu lớn. Một dị vật giống quả bóng giấy được tìm thấy sâu trong khoang mũi bên trái.

Bé trai 3 tuổi bị chảy máu cam nghiêm trọng phải nhập viện.

Sau khi hỏi ra mới biết được, bà nội của cháu bé khi thấy cháu bị chảy máu cam đã dùng một bài thuốc dân gian là gói tóc vào một quả bóng giấy và nhét vào mũi của đứa trẻ để cầm máu. Kết quả không ngờ sau đó lại khiến cháu nguy kịch.

Rất may, các bác sĩ đã phẫu thuật lấy ngay dị vật kẹt sâu trong hốc mũi cho bệnh nhi, đồng thời cầm máu. Sau khi điều trị, cậu bé đã bình phục và chuẩn bị xuất viện.

Theo bác sĩ Li Qiang, chảy máu cam ở trẻ em rất phổ biến, phần lớn là do niêm mạc mũi bị bào mòn, thời tiết hanh khô, hoặc do ngoáy mũi hay va đập làm bị thương, nhưng lượng máu chảy không nhiều, máu thường cầm từ từ.

Bà nội dùng cách dân gian để cầm máu mũi cho cháu kết quả càng gây thêm nguy hiểm. 

Bác sĩ cũng nhấn mạnh khi chảy máu cam không được tin vào các bài thuốc dân gian mà nên lựa chọn 3 phương pháp cầm máu khoa học sau:

1. Phương pháp ấn ngón tay: Nếu lượng máu chảy ra ít và chủ yếu tập trung ở phía trước hốc mũi, có thể dùng phương pháp ấn ngón tay để cầm máu, tức là dùng tay ấn bên mũi chảy máu về phía vách ngăn mũi để cầm máu.

2. Thuốc cầm máu tại chỗ: Đối với bệnh nhân bị chảy máu mũi với số lượng vừa phải và chảy máu ở phía trước hốc mũi, bác sĩ cũng có thể sử dụng các loại thuốc cầm máu tại chỗ để điều trị.

3. Phương pháp nhét khoang mũi: Nếu chảy máu nghiêm trọng, không thể cầm máu bằng phương pháp trên thì phải dùng gạc vaseline nhét vào khoang mũi để cầm máu.

Ngoài ra, mọi người cần tránh tuyệt đối không ngửa cổ để ngăn máu mũi không chảy ra hoặc nằm ngửa. Đây là một cách làm sai lầm. Ngửa đầu ra sau khi bị chảy máu mũi không chỉ vô dụng mà còn có thể nguy hiểm. Jeffrey Suh - giáo sư phẫu thuật đầu và cổ tại Trường Y David Geffen thuộc Đại học California, Los Angeles (Mỹ) cho biết hành động này có thể khiến máu chảy xuống cổ họng hoặc vào dạ dày, gây nôn nửa. 

Trong một số trường hợp hiếm hoi, điều đó có thể gây nghẹt thở hoặc gây viêm phổi vì máu có thể bị nhiễm vi khuẩn từ cổ họng.

Mặc dù chảy máu cam phần lớn không gây nguy hiểm và không cần tới viện, nhưng trong một số trường hợp, bạn nên tới viện nếu:

- Mũi chảy máu trong 20 phút và không ngừng lại dù đã thử các bước sơ cứu ở trên.

- Máu chảy ra rất nhanh và lượng máu nhiều hơn cả một cái cốc.

- Có các triệu chứng khác như da nhợt nhạt, lú lẫn, đau ngực hoặc khó thở.

- Chảy máu mũi xuống cổ họng.

- Chảy máu do chấn thương vùng mặt (như gãy mũi ), tai nạn xe hơi, hay bị đánh vào đầu.

- Đang dùng thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu).

MINH MINH

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/be-trai-3-tuoi-nguy-kich-tinh-mang-vi-ba-noi-xu-ly-theo-cach-dan-gian-khi-chau-bi-chay-mau-cam-a598100.html