Doanh nghiệp bất động sản nhận tin vui: Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa Thông tư 06

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết Ngân hàng Nhà nước xác nhận sẽ sửa Thông tư 06 về cho vay bất động sản.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết Ngân hàng Nhà nước xác nhận sẽ sửa Thông tư 06 về cho vay bất động sản.

Chủ đầu tư vẫn được vay kể cả dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh

Theo báo Người lao động, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), vừa có thông tin đến Ban chấp hành HoREA, Hội viên và cộng đồng doanh nghiệp tin mừng về việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã xác nhận "chủ đầu tư vẫn được vay kể cả dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh và cả dự án đủ điều kiện kinh doanh" chứ không bị cấm như quy định tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN sắp có hiệu lực.

Thị trường - Doanh nghiệp bất động sản nhận tin vui: Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa Thông tư 06 Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA).

Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã gửi thông tin cho HoREA về việc Ngân hàng Nhà nước đã giao cho Vụ trưởng Vụ Tín dụng cho kiểm tra lại (Thông tư 06) để trích dẫn cho đúng quy định về điều kiện kinh doanh của Luật Kinh doanh bất động (nếu cần thiết).

Trước đó, ngày 28/6, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2023.

Đáng chú ý, Thông tư bổ sung thêm 4 quy định nhu cầu vốn tổ chức tín dụng (TCTD) không được cho vay. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, Thông tư 06 đã dựng thêm rào chắn, làm cho việc tiếp cận tín dụng khó càng thêm khó, do đã quy định tăng thêm từ 6 lên 10 trường hợp mà tổ chức tín dụng không được cho vay.

Trong đó, nổi bật nhất quy định tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom. Về bản chất, đây chính là hoạt động M&A.

Các khoản 8, 9 và 10 sẽ dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực của nền kinh tế có nhu cầu vay vốn, bao gồm các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư bất động sản sẽ rất khó tiếp cận được tín dụng.

Do đó, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi khoản 8, 9, 10 điều 8 Thông tư 39/2016 mà được sửa đổi trong Thông tư 06. “Bởi vì nếu không sửa ở thời điểm này thì đến 1/9, rõ ràng việc tiếp cận tín dụng của rất nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế rất khó khăn", ông Lê Hoàng Châu nói.

Riêng đối với quy định về hoạt động M&A, góp vốn và công ty, hay dự án đầu tư… các chuyên gia kiến nghị rất cần xem xét lại sớm. Bởi lẽ, hoạt động này sẽ giúp giải cứu các dự án dở dang.

Doanh nghiệp nói gì về Thông tư 06?

Chia sẻ quan điểm tương tự trên VTC News, ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) nhận xét, trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn khó khăn, thanh khoản và dòng tiền sụt giảm thì Thông tư 06 của NHNN như "cú đấm bồi", gây nhiều khó khăn.

Việc đưa thêm các trường hợp không được tiếp cận vốn tín dụng chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực vì dòng vốn từ ngân hàng luôn là nguồn lực chính của người mua nhà, chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án.

“Việc hạn chế cho các đối tượng vay ảnh hưởng tiêu cực tới cả người mua nhà và chủ đầu tư bán nhà trong bối cảnh Chính phủ đang đưa những cơ chế khuyến khích, "rã băng" thị trường bất động sản. Doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong việc huy động vốn thông qua hợp tác đầu tư, cơ cấu lại cổ đông. Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp chưa niêm yết có số lượng vượt trội so với các doanh nghiệp đang hoạt động trên sàn chứng khoán”, ông Toản phân tích.

Bên cạnh đó, việc hạn chế cho vay khi dự án “chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh” thực sự là đánh đố doanh nghiệp vì nếu đủ điều kiện thì doanh nghiệp đã có nhiều phương án huy động khác chưa kể tới gần như 90% các dự án hiện tại đều tắc về pháp lý, không đủ điều kiện cho vay theo Thông tư 06.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cũng cho biết, thời điểm này lẽ ra nên nới điều kiện vay, như chỉ cần có chấp thuận chủ trương đầu tư, tiêu chí nhảy nhóm nợ cần điều chỉnh hỗ trợ doanh nghiệp thì ngân hàng lại siết…Ngân hàng đang giống 1 bác sỹ chỉ lo sức khỏe cho mình, sợ lo bệnh nhân nhiều thì mình bị ảnh hưởng.

Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc dịch vụ tư vấn và phát triển dự án (DKRA Group), cho biết việc Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư 06, với thị trường bất động sản, cả người mua nhà lẫn nhà phát triển dự án sẽ bị siết tín dụng, điều kiện vay vốn.

Trước đây doanh nghiệp địa ốc dùng hợp đồng hợp tác kinh doanh để tiếp cận vốn, vay vốn làm dự án. Nếu doanh nghiệp sai phạm, dùng vốn không đúng mục đích, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. Còn với quy định mới này, chủ đầu tư bị chặn luôn.

Với tín dụng cá nhân, những khoản vay để bù đắp tài chính cũng hẹp cửa. Điều này khiến người dân tiếp cận vốn ngân hàng để mua bất động sản thời gian tới chắc chắn khó hơn.

Vân Anh (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-nhan-tin-vui-ngan-hang-nha-nuoc-se-sua-thong-tu-06-a598140.html