Trẻ bước vào lớp 1 phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để con bước vào lớp 1 một cách tự tin, ba mẹ hãy trang bị cho con những hành trang quan trọng dưới đây.
1. Kỹ năng học tập
Học tập là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà ba mẹ nên chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 một cách kỹ càng.
Trang bị tốt những kỹ năng này, ba mẹ không còn phải lo sợ rằng con sẽ không thể theo kịp chương trình học tại lớp.
Ngoài ra, ba mẹ cũng không nên thúc ép trẻ quá nhiều nếu trẻ không nhanh nhạy trong việc tiếp thu những kỹ năng học tập cần thiết trước khi bước vào lớp 1. Lý do là vì mỗi bạn nhỏ sẽ có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, nên ba mẹ có thể khám phá điểm mạnh trong học tập của con để tìm ra phương án học tập phù hợp.
Tại nhà, cha mẹ cũng nên tạo thêm không gian để con được cọ xát nhiều hơn với bảng chữ cái. Cha mẹ có thể sử dụng một tấm poster hoặc các flashcard với những hình ảnh sinh động và đọc cùng con. Hoặc ba mẹ cũng có thể cho con xem các video, bài hát hướng dẫn cách đọc bảng chữ cái vui nhộn. Luyện tập càng nhiều, con càng dễ dàng trong việc nhận diện các chữ cái.
2. Kỹ năng tập trung
Thông thường, trẻ đã quen với các hoạt động vui chơi từ bé nên khi phải ngồi học hàng giờ liền, trẻ sẽ khó có khả năng tập trung cao độ như người lớn. Hơn nữa, với tính tò mò thế giới xung quanh của mình, trẻ sẽ rất dễ xao nhãng chỉ vì những thứ nhỏ nhặt.
Để hạn chế điều này khi con bước vào lớp 1, ba mẹ hãy dạy con những kỹ năng tập trung bằng một số biện pháp sau:
- Tạo một không gian học tập yên tĩnh và tối giản nhất có thể để trẻ không tập trung sự chú ý của mình cho những vật thể xung quanh.
- Không bắt ép trẻ dành quá nhiều thời gian cho việc học và nên có thời gian biểu kết hợp đan xen giữa việc học và chơi.
- Dành thời gian để ngồi học cùng trẻ. Khi có sự đồng hành của ba mẹ hoặc một ai đó, trẻ sẽ chịu ngồi vào ghế để học hành nghiêm chỉnh hơn.
- Lắng nghe và nắm bắt những khó khăn trong việc học của trẻ. Một số bé sẽ gặp hạn chế trong việc tập trung, nên ba mẹ phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân cũng như cách khắc phục cho việc này.
Bên cạnh đó, cha mẹ hãy luôn đáp lại mọi câu hỏi của trẻ dù câu hỏi đó có phức tạp đến đâu. Nếu câu hỏi đó nằm ngoài tầm hiểu biết, ba mẹ có thể tra cứu thêm thông tin hoặc nhờ sự trợ giúp của người khác để thỏa mãn các câu hỏi đó.
Ngoài ra, ba mẹ cũng nên hướng trẻ đến những câu hỏi có tính trọng tâm và hơn hết là khuyến khích trẻ tự mình tìm ra câu trả lời với sự hướng dẫn của người lớn.
3. Kỹ năng sống
Bên cạnh các kỹ năng học tập, các kỹ năng sống cũng là những kỹ năng chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 mà ba mẹ cũng cần lưu ý. Môi trường học tập khi bước vào lớp 1 đòi hỏi trẻ phải có tính kỷ luật và sự linh hoạt trong việc tiếp xúc với người khác. Khi đã sở hữu những kỹ năng sống cần thiết, trẻ sẽ có thể mạnh dạn hơn để vượt qua những khó khăn trong đời sống học đường và xã hội.
Bước chân vào môi trường mới, một số bé sẽ có khuynh hướng sợ sệt và tỏ ra rụt rè khi giao tiếp với bạn bè và thầy cô giáo mới. Nếu không có kỹ năng giao tiếp tốt, trẻ sẽ khó hòa nhập và biểu đạt những điều mình muốn nói. Điều này nếu không được giải quyết sớm đôi khi sẽ khiến trẻ trở nên thu mình lại và thầy cô cũng sẽ không hiểu được các vấn đề mà trẻ gặp phải.
Để trẻ có khả năng thích nghi nhanh chóng với môi trường mới và cởi mở hơn với người khác, cha mẹ cần giúp trẻ giao tiếp nhiều hơn trong đời sống thường ngày cũng như trong thời gian trẻ còn học mầm non. Hãy trao cho trẻ cơ hội được nói và thể hiện bản thân nhiều hơn. Đồng thời, hãy khuyến khích trẻ lắng nghe những điều người khác nói.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần tập cho trẻ thói quen chào hỏi lễ phép với người lớn tuổi cũng như cách chào bạn bè chan hòa trong lần đầu gặp mặt. Trong đó, làm quen và kết bạn cũng là kỹ năng cần thiết khi con bước vào lớp 1. Khi được trau dồi kỹ năng này từ sớm, con sẽ không gặp nhiều trở ngại trong việc bắt chuyện với người mới cũng như tự tin hơn để mở rộng mối quan hệ với các bạn ngoài lớp.
Với một số bé sẽ có tính cách hướng nội và không thích việc tiếp xúc với người lạ, cha mẹ cũng không nên ép trẻ quá. Thay vào đó, hãy kiên trì khuyến khích trẻ tự giới thiệu bản thân và hướng dẫn một số cách để làm quen với bạn bè theo cách riêng của trẻ.
4. Tự lập, có thể tự chăm sóc
Trẻ cần được rèn luyện nền nếp sinh hoạt điều độ và một số kĩ năng tự phục vụ khi bước vào môi trường học tập mới. Trong môi trường học tập mới, có sự chuyển đổi hoạt động chủ đạo từ vui chơi sang học tập. Do đó, trẻ cần thay đổi thói quen và nền nếp sinh hoạt để thích ứng với những yêu cầu của hoạt động học tập.
Cụ thể, hàng ngày trẻ phải thức dậy đúng giờ để chuẩn bị tới lớp; trẻ cần học cách tự chuẩn bị trang phục, sách vở và đồ dùng học tập; trẻ cần học cách ngồi ngay ngắn và tập trung chú ý vào bài học suốt cả tiết học; trẻ phải thực hiện được đầy đủ các yêu cầu, nhiệm vụ học tập mà giáo viên đưa ra.
Như Quỳnh (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhung-ky-nang-giup-tre-vung-vang-vao-lop-1-a598143.html