TTXVN dẫn nguồn theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7/2023 đạt gần 1,1 tỷ USD; lũy kế xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 7 tháng đầu năm đạt 7,1 tỷ USD, thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.
Tín hiệu vui cho thấy kim ngạch xuất khẩu của tháng 7/2023 đã vươn lên trên 1 tỷ USD sau thời gian dài sụt giảm sâu, cho thấy tín hiệu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã dần phục hồi.
Thời gian gần đây do ảnh hưởng từ cháy rừng tại Canada, hơn 4 triệu ha rừng tại Alberta, British Columbia và Quebec, bị thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung gỗ khu vực Bắc Mỹ trong ngắn hạn. Nhiều nhà máy gỗ đá phải đóng cửa tạm thời. Sự gián đoạn của ngành gỗ công nghiệp khiến giá gỗ có sự hồi phục.
Trước đó, tham dự và phát biểu khai mạc Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương - BIFA WOOD VIETNAM 2023 vào ngày 9/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị nhận định, trong 7 tháng năm 2023, do xung đột của thế giới diễn biến phức tạp, kéo dài làm cho lạm phát toàn thế giới tăng cao dẫn đến các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam tiếp tục thắt chặt chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu; trong đó, có gỗ và lâm sản.
Thực tế, bức tranh tài chính của các doanh nghiệp ngành gỗ trong nửa đầu năm 2023 đã phản ánh đúng khó khăn của toàn ngành với sự sụt giảm mạnh ở cả doanh thu và lợi nhuận.
Trong quý II/2023, Công ty cổ phần Gỗ An Cường (mã chứng khoán: ACG) ghi nhận doanh thu thuần 968 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Phần lớn doanh thu của Gỗ An Cường đều đến từ thị trường nội địa, chiếm 85%. Sau khi trừ các chi phí, Gỗ An Cường báo lãi sụt giảm 32%, xuống còn 108 tỷ đồng.
Giải trình nguyên nhân chênh lệch lợi nhuận, An Cường cho biết lợi nhuận giảm mạnh do tình hình kinh tế trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp, người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Gỗ An Cường ghi nhận doanh thu thuần 1.648 tỷ đồng và lãi ròng 145 tỷ đồng, giảm lần lượt 14% và 48% so với cùng kỳ.
Với Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (mã chứng khoán: GDT), doanh thu của doanh nghiệp này giảm 31% xuống còn 89 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, công ty báo lãi 7,9 tỷ đồng, giảm 67% so với mức lợi nhuận 24 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lý giải về kết quả lợi nhuận giảm mạnh, doanh nghiệp này cho biết, doanh thu giảm mạnh do kinh tế thế giới khó khăn và sức mua giảm mạnh. Đơn hàng xuất khẩu ít, nhưng chi phí quản lý cố định không giảm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Gỗ Đức Thành ghi nhận doanh thu thuần đạt 152 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 15 tỷ đồng, giảm lần lượt 36% và 65% so với cùng kỳ.
Trong quý II/2023, Công ty Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã chứng khoán: TTF) ghi nhận doanh thu đạt 388 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ; sau thuế, doanh nghiệp lỗ 27 tỷ đồng.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2023, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 719 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Công ty lỗ 25 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi 10 tỷ đồng.
Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ hồi phục trong nửa cuối năm 2023
Thông tin trên báo Nhân Dân nhìn chung, nhu cầu thị trường gỗ toàn cầu gia tăng mỗi năm từ 7-8%, tức là ta còn nhiều dư địa, cơ hội phát triển trong tương lai. Do đó, các chuyên gia cho rằng, khó khăn hiện nay chỉ là nhất thời, do khó khăn chung của thị trường. Thị trường có thể ấm lên khi lạm phát được kiểm soát, nhu cầu của các thị trường ấm trở lại.
Trước những biến động của thị trường thời gian qua, Chính phủ, các cơ quan và doanh nghiệp đã có giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu gỗ.
Theo báo Lao Động, trong những năm qua, với nỗ lực của các doanh nghiệp và sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt tại thị trường của hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Với con số ấn tượng trên đã giúp Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 Châu Á và thứ nhất Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ; chiếm 6% thị phần sản phẩm gỗ toàn cầu và còn nhiều dư địa để phát triển.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 5.400 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến đồ gỗ, sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021–2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022, mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ…
Năm 2023, ngành gỗ và lâm sản phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 18 tỷ USD
Theo số liệu trên báo Công Thương, Việt Nam nằm trong Top 5 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới nhưng cũng mới chỉ xuất khẩu trên 16 tỷ USD/năm. Thêm vào đó, thời gian qua, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản...., còn các thị trường tiềm năng khác vẫn đang bỏ ngỏ.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu lâm sản và gỗ đạt 18 tỷ USD như kế hoạch đề ra, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp cần tìm hướng đi riêng biệt, đổi mới mẫu mã sản phẩm, tăng cường sản phẩm đồ gỗ theo nhu cầu thị trường, đồng thời phát triển thị trường ngách để duy trì tăng trưởng.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/xuat-khau-go-va-san-pham-go-dan-phuc-hoi-ky-vong-nhung-thang-cuoi-nam-a598365.html