Người Nhật vốn nổi tiếng kỹ tính, có tuổi thọ cao và sở hữu nhiều nét văn hoá độc đáo. Đơn cử như trong không gian sống, cư dân đất nước mặt trời mọc cũng có sự sắp đặt khác biệt với phần còn lại của thế giới, đặc biệt luôn tách biệt bồn cầu và nhà tắm.
Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân vì sao người Nhật lại không đặt bồn cầu chung với nhà tắm và những ích lợi của cách sắp đặt này nhé!
Ở Nhật, phòng tắm và bồn cầu là 2 không gian hoàn toàn tách biệt, luôn được giữ vệ sinh sạch sẽ.
Không đặt bồn cầu chung với nhà tắm để nâng tầm không gian sống
Trong khi phần đông thế giới đều đặt bồn cầu chung với nhà tắm vì lý do tiện lợi thì người Nhật lại có suy nghĩ hoàn toàn khác. Trong một cuộc khảo sát, hơn 80% người Nhật đặt ra tiêu chí nhà tắm tách biệt với bồn cầu khi tìm mua hoặc thuê căn hộ mới.
Văn hoá Nhật Bản vô cùng coi trọng việc tắm rửa, xem đó là một "nghi thức" gột rửa những bụi bặm, mệt mỏi, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Chính vì lẽ đó mà các gia đình Nhật Bản thường sắm sửa bồn tắm lớn, trang trí phòng tắm thành một nơi nghỉ dưỡng đích thực với tinh dầu thơm, tranh ảnh, cây cối,... Nhà tắm được xem là nơi "thanh tẩy" trong khi nhà vệ sinh lại là nơi "sản xuất phế phẩm", thế nên người Nhật luôn tách bạch 2 căn phòng này để đảm bảo chất trải nghiệm cuộc sống.
Người Nhật Bản có thói quen dành thời gian ngâm bồn và thường bày trí nhà tắm thành không gian thư giãn đích thực.
Hơn thế, việc tách riêng bồn cầu và phòng tắm tưởng chừng như chiếm diện tích, lại là một cách tối ưu hoá không gian trong gia đình vì bồn cầu và phòng tắm có thể hoạt động đồng thời. Các thành viên không cần chờ đợi, hối thúc lẫn nhau, nhờ đó tiết kiệm được thời gian, đúng chuẩn hiệu suất của người Nhật.
Không đặt bồn cầu chung với nhà tắm vì lý do an toàn và vệ sinh
Người Nhật vô cùng ưa sạch sẽ và quan tâm đến vấn đề sức khoẻ. Ai cũng biết, bồn cầu là nơi chứa nhiều vi khuẩn nhất và riêng việc giật nước bồn cầu cũng có thể khiến các vi khuẩn trong chất thải bắn ra ngoài khỏi phạm vi diện tích bồn cầu. Việc tách bồn cầu và nhà tắm sẽ giúp đảm bảo vệ sinh, hạn chế một số bệnh truyền nhiễm và dễ dàng làm sạch không gian hơn.
Bồn cầu ở Nhật Bản có nhiều tính năng hiện đại.
Không dừng lại ở đó, ngày nay, các bồn cầu của Nhật Bản có rất nhiều tính năng hiện đại và cần sử dụng điện. Việc không để bồn cầu chung với nhà tắm cũng giúp bồn cầu khô ráo, nâng cao tính an toàn, đề phòng những sự cố đáng tiếc.
Bố cục không gian nhà tắm của người Nhật
Chú trọng đến trải nghiệm tắm rửa và tính vệ sinh là thế nên bố cục không gian nhà tắm của người Nhật cũng có nhiều điều độc đáo đáng học hỏi.
Cụ thể, cấu trúc nhà tắm của người Nhật thường bao gồm khu vực sảnh là nơi đặt bồn rửa mặt, cũng là nơi để thay quần áo. Tiếp đến mới là nhà tắm với không gian vòi tắm đứng và bồn tắm. Trong văn hoá Nhật Bản, những người trong gia đình thường luân phiên ngâm chung bồn tắm. Vì vậy, để đảm bảo vệ sinh, mọi người sẽ kỳ cọ thân thể dưới vòi hoa sen trước khi dành 20-30 phút ngâm bồn.
Bố cục cơ bản của một nhà tắm tại Nhật Bản.
Ngoài ra, trong nhà tắm sẽ trang bị một số vật dụng như:
- Thảm trải sàn chống trượt: Rất cần thiết để giảm nguy cơ tai nạn trượt ngã trong phòng vệ sinh.
- Những chiếc ghế đẩu nhỏ bằng nhựa: Gia chủ có thể ngồi trong khi tắm dưới vòi hoa sen một cách an toàn.
- Giỏ và khay tắm: Giữ khu vực nhà tắm luôn gọn gàng
- Xăng-đan hoặc dép lê không thấm nước: Hữu ích khi đi vệ sinh, giữ chân khô thoáng và sạch sẽ sau khi rời nhà tắm.
Để nâng tầm trải nghiệm và tối ưu không gian, người Nhật thường trang bị một số vật dụng tiện ích trong nhà tắm.
LƯU NGUYỆT
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tai-sao-nguoi-nhat-khong-dat-bon-cau-trong-nha-tam-biet-ly-do-nhieu-nguoi-se-hoi-han-a598379.html