Nhằm giải quyết các bài toán về vốn cho doanh nghiệp hiện nay, sáng 22/8, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội thảo với chủ đề “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm” để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nền kinh tế.
Theo thông tin tại hội thảo, Việt Nam đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều trở ngại, thách thức.
Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng cũng đã có nhiều nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022.
Tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm nay cũng thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2022, khoảng 9,54%, thậm chí chưa đạt được một nửa tăng trưởng năm ngoái. Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14-15%.
Đáng chú ý, theo công bố trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 4, tháng 5, tháng 6 đạt lần lượt 3,03% - 3,27% - 4,73%. Như vậy, sau khi có sự hồi phục tích cực trong tháng 6, tín dụng lại bất ngờ chững lại, thậm chí là tăng trưởng âm trong tháng 7.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, trong đó sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ.
“Chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như hiện nay, trong khi các nước vẫn đang thắt chặt tiền tệ thì chúng ta giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ”, ông Tú nói.
Phó Thống đốc cho biết, thời gian qua ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ các doanh nghiệp. Thêm vào đó, phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán… góp phần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để từng bước phục hồi.
Còn các ngân hàng thương mại đã tích cực giảm lãi suất cho vay, tiết giảm chi phí, có tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp.
Những nỗ lực để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, nhất là trong việc tiếp cận và hấp thụ vốn, đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Tuy nhiên, tình hình kinh tế trong và ngoài nước được dự báo tiếp tục có nhiều bất định, Phó Thống đốc cho rằng nền kinh tế sẽ còn phải đối mặt với các khó khăn, thách thức từ nhiều phía.
Vì vậy, để giải quyết vấn đề này cần phải tiếp tục có sự chung tay, đồng sức, đồng lòng và sự nỗ lực hơn nữa của các bộ, ngành và các chủ thể trong nền kinh tế để giúp cho khu vực doanh nghiệp phục hồi ổn định và tiếp tục phát triển.
Phạm Hồng Nhung
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/pho-thong-doc-khoi-phuc-suc-khoe-cua-doanh-nghiep-la-uu-tien-hang-dau-a598471.html