Ngày 24/8, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã có cảnh báo về việc mạo danh cơ quan BHXH gửi văn bản giả đòi thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Cụ thể, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam phản ánh, đơn vị này nhận được thông tin từ người lao động về việc có đối tượng giả danh cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam lừa đảo thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp.
Theo đó, chị T.T.P. (SN 1999, trú tại thôn A Đông, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) phản ánh đến Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam về việc mình bị một số đối tượng gửi quyết định thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp.
Theo quyết định gửi đến cho chị P., đối tượng nói rằng trong khoảng thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp nhưng chị P. đã tìm được việc làm và tham gia BHXH bị trùng với tháng nhận trợ cấp thất nghiệp. Do đó, việc nhận trợ cấp thất nghiệp của chị P. đã vi phạm vào điều 22 Nghị định 28/2015/NĐ-CP.
Các đối tượng lừa đảo yêu cầu chị P. có trách nhiệm hoàn trả lại toàn bộ số tiền gần 3 triệu đồng đã nhận không đúng quy định trong thời gian sớm nhất. Trong văn bản gửi đến nạn nhân với nội dung: “Quyết định thi hành có hiệu lực từ ngày 15/8/2023 đến ngày 25/8/2023".
Sau đó, yêu cầu chị P. chuyển số tiền đã nhận sai về tài khoản mang tên PHAN THANH DAT – BHXH VIET NAM tại ngân hàng MB bank. Công văn này được làm giả tinh vi với con dấu, chữ ký của lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Để xác minh thông tin, chị P. gửi văn bản nói trên đến Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam, đơn vị này đã chuyển đến Phòng Chế độ BHXH (BHXH tỉnh Quảng Nam) kiểm tra, xác minh.
Qua đó, BHXH Quảng Nam xác định đây là số tài khoản giả danh cơ quan BHXH Việt Nam, quyết định thu hồi trợ cấp thất nghiệp là giả. BHXH Việt Nam không có lãnh đạo tên Nguyễn Vinh Quang, cũng như không có tài khoản cá nhân nào liên kết với BHXH Việt Nam, mà số tài khoản của cơ quan BHXH là số tài khoản của tổ chức.
BHXH Quảng Nam cảnh báo, để thực hiện hành vi lừa đảo, đối tượng lợi dụng lỗ hổng của việc người dân tự kích hoạt số tài khoản online để đặt tên cơ quan, tổ chức nhà nước. Người lao động cần thận trọng, khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ cần liên hệ ngay với cơ quan, tổ chức có liên quan để được giải đáp.
Hiện nay, bất kỳ công dân nào cũng có thể tải ứng dụng của các ngân hàng về rồi khai báo online. Nhưng các từ khóa liên quan đến các cơ quan, đơn vị của nhà nước như: BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh thì ngân hàng không kiểm soát, không xóa được. Điều này dễ gây nhầm lẫn cho người dân khi nhận được văn bản của cơ quan chức năng, do đó người dân dễ bị đối tượng lừa đảo tận dụng.
Trước tình trạng lừa đảo mạo danh cơ quan bảo hiểm như trên, BHXH tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản gửi cơ quan, đơn vị, người lao động để cảnh báo.
T.M
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/mao-danh-co-quan-bao-hiem-xa-hoi-thu-hoi-tien-tro-cap-that-nghiep-a598636.html