Tại báo cáo tài chính bán niên năm 2023 đã soát xét của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) do Deloitte làm đơn vị kiểm toán đã nhấn mạnh một số vấn đề của công ty.
Theo đó, tại ngày 30/6/2023, Lọc hóa dầu Bình Sơn có 2 công ty con gồm Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung và Công ty Cổ phần Nhà và Thương mại Dầu khí. Trong đó, Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF) đang kinh doanh thua lỗ, bị một số ngân hàng khởi kiện ra tòa.
Cụ thể, BSR-BF đã tạm ghi tăng nguyên giá các tài sản cố định của dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học BIO-Ethanol Dung Quất trong năm 2014 và hiện nay đang tạm ngừng sản xuất.
Tại ngày báo cáo tài chính hợp nhất 30/6/2023, BSR-BF đang trong quá trình thực hiện các thủ tục quyết toán chi phí đầu tư xây dựng. Giá trị quyết toán nhà máy sẽ được điều chỉnh khi có phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền.
Nợ ngắn hạn của BSR-BF vượt quá tài sản ngắn hạn 1.459 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 1.500 tỷ đồng và nợ quá hạn thanh toán là 1.496 tỷ đồng. Công ty này đang thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Các khoản nợ quá hạn thanh toán tại ngày 30/6 chủ yếu bao gồm số dư nợ phải trả chi phí lãi vay khoảng 399,2 tỷ đồng; số dư gốc vay khoảng 1.097,7 tỷ đồng.
Trong năm 2021, các ngân hàng cấp tín dụng cho BSR-BF bao gồm Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã khởi kiện Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung lên Tòa án Nhân dân Tp.Quảng Ngãi liên quan đến các khoản vay quá hạn thanh toán hợp đồng tín dụng xây dựng Nhà máy Nhiên liệu Sinh học Dung Quất.
Tổng giá trị nợ gốc và lãi vay khoảng 1.502 tỷ đồng; giá trị ghi sổ còn lại của toàn bộ tài sản cố định hữu hình dùng làm thế chấp cho khoản vay trên khoảng 1.110,4 tỷ đồng. Tòa án Nhân dân Thành phố Quảng Ngãi đang trong quá trình thực hiện các thủ tục chuẩn bị xét xử vụ kiện trên. Trong thời gian vụ kiện chưa xử lý xong, Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung vẫn duy trì hoạt động.
Theo Lọc hóa dầu Bình Sơn, khả năng tiếp tục hoạt động của BSR-BF phụ thuộc vào việc tái hoạt động sản xuất của nhà máy, hỗ trợ tài chính từ cổ đông cũng như lợi nhuận trong tương lai.
Về phía Lọc hóa Dầu Bình Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2023 doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 20.000 tỷ đồng còn 67.734 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 23.500 tỷ đồng năm ngoái xuống còn 3.250 tỷ đồng năm nay.
Doanh thu hoạt động tăng gấp đôi đạt 1.278 tỷ đồng chủ yếu do tăng tiền lãi gửi ngân hàng và lãi chênh lệch tỉ giá tuy nhiên do chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh dẫn tới lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Bình Sơn chỉ còn 3.317 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí thuế phát sinh, Lọc dầu Bình Sơn báo lãi sau thuế 2.949 tỷ đồng giảm mạnh so với con số 12.444 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải lợi nhuận giảm mạnh, phía công ty cho biết, năm 2022 là năm có giá dầu thô biến động nhiều và tăng cao nhất trong những năm gần đây. Giá dầu thô bình quân từ 74,1 USD/thùng tháng 12/2021 tăng lên 87,22 USD/thùng tháng 1/2022 và tiếp tục tăng lên đến 123,70 USD/thùng vào tháng 6/2022. Trong khi đó, năm 2023 giá dầu thô từ mức 82,77 USD/thùng vào tháng 1/2023 giảm xuống còn 74,7 USD/thùng vào tháng 6/2023.
Bên cạnh đó, khoảng cách giá sản phẩm và giá dầu thô 6 tháng đầu năm 2022 tốt hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm 2023. Với diễn biến giá dầu thô và giá sản phẩm như vậy đã làm cho kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 kém thuận lợi hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình tài chính, thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của Bình Sơn đạt 75.043 tỷ đồng, giảm hơn 3.400 tỷ đồng so với đầu năm. Hàng tồn kho giảm 16% xuống 14.106 tỷ đồng.
Khoản tiền, tương đương với tiền, tiền gửi có kỳ hạn khoảng 29.230 tỷ đồng, chiếm 39% tài sản. Trong nửa đầu năm nay, công ty nhận về gần 763 tỷ đồng tiền lãi.
Công ty có 13.218 tỷ đồng các khoản phải thu, hầu hết là phải thu ngắn hạn. Trong đó, khoản phải thu của khách hàng là 11.882 tỷ đồng. Trong đó, phải thu của Petrolimex hơn 4.454 tỷ đồng; thu của Công ty Cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex 615 tỷ đồng; thu của Skypec là 418 tỷ đồng; thu của Tổng Công ty xăng dầu Quân đội hơn 597,6 tỷ đồng….
Cuối quý II/2023, nợ phải trả của Lọc hoá dầu Bình Sơn gần 23.420 tỷ đồng, trong đó, nợ vay tài chính của công ty là 3.417 tỷ đồng, toàn bộ là vay ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu của công ty đạt 51.623 tỷ đồng cuối kỳ, gồm 10.048 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và 10.658 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cong-ty-con-cua-loc-dau-binh-son-no-1500-ty-dong-bi-3-ngan-hang-kien-a598846.html