Tăng trưởng tín dụng hồi phục
Trong nửa cuối năm 2023, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam kỳ vọng khối ngân hàng doanh nghiệp sẽ tiếp tục thu hút lượng lớn nguồn tín dụng mới, đồng thời cũng kỳ vọng ngành này sẽ tăng trưởng cân bằng hơn nhờ triển vọng phục hồi kinh tế và lãi suất điều chỉnh về các mức tiệm cận trước dịch COVID.
Với những sửa đổi cấp thiết trong khung pháp lý như thông qua Nghị định 08/2023 và Thông tư 03/2023, phát hành trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm trái phiếu của tổ chức tín dụng) đã khởi động lại từ tháng 3/2023, nhờ các điều chỉnh liên quan đến định nghĩa nhà đầu tư chuyên nghiệp, thời gian phân phối, và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm sẽ được hoãn lại đến cuối năm 2023.
Hơn nữa, các chuyên gia của Mirae Asset nhận thấy, lãi suất điều chỉnh giảm và các vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực BĐS dần được tháo gỡ góp phần khuyến khích các nhà phát triển phát hành trái phiếu mới cho mục đích huy động vốn nhằm triển khai dự án.
Tuy nhiên, vì các điều kiện nghiêm ngặt sẽ quay trở lại vào đầu năm 2024, nên các tổ chức phát hành có thể phải mất thời gian để làm quen với tiêu chuẩn mới. Gần đây, lượng phát hành TPDN của các ngân hàng đã bắt đầu khởi sắc trở lại, đây có thể là chỉ báo sớm cho sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng.
Về vấn đề tỉ giá, bất chấp thực thi chính sách tiền tệ ngược chiều với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), tỉ giá hối đoái Việt Nam nhìn chung vẫn ổn định, mặc cho những đợt giảm lãi suất liên tiếp của FED. Mirae Asset cho rằng điều này có thể tạo nền tảng để NHNN tiếp tục duy trì môi trường tiền tệ nới lỏng trong những quý tới.
“Tuy nhiên, việc tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành trong nước để hỗ trợ nền kinh tế chưa thực sư cần thiết vì cả lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay đều cần thời gian để phản ánh hoàn toàn những thay đổi lãi suất điều hành gần đây”, nhóm phân tích nhấn mạnh.
Tỉ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) cũng đang có dấu hiệu ổn định trở lại trong nửa đầu năm 2023, Tuy nhiên, việc duy trì xu hướng giảm sẽ khó tiếp tục trong giai đoạn nửa sau năm 2023 với triển vọng tín dụng tăng trưởng trở lại trong khi tiền gửi chỉ được dự kiến hồi phục ở mức tương đối.
Thêm vào đó, Mirea Asset cho biết, về triển vọng CAR trong hai quý cuối năm,nhìn chung vẫn sẽ đối mặt với áp lực giảm từ kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cao và nợ xấu tiếp tục gia tăng.
Xu hướng tăng của nợ xấu vẫn sẽ duy trì
Theo kết quả kinh doanh quý II/2023, tỉ lệ nợ xấu (NPL) của ngành ngân hàng tiếp tục tăng lên mức 3,3% (so với mức 2,9% tính đến quý I/2023). Về trị tuyệt đối, tổng giá trị nợ xấu các ngân hàng niêm yết là 192.000 tỷ đồng, tăng 12,7% so với quý trước và tăng đáng kể 38% kể từ đầu năm. Sự gia tăng nợ xấu này hệ quả tất yếu của các giai đoạn lãi suất cao cùng với tình hình kinh tế khó khăn.
Về triển vọng nửa sau năm 2023, xu hướng tăng của nợ xấu nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì, tuy nhiên tốc độ tăng sẽ phần nào chậm lại.
Việc giảm lãi suất được dự báo không chỉ giảm thiểu sự gia tăng nợ xấu mới mà còn thúc đẩy mở rộng tín dụng, qua đó kìm hãm đà tăng của tỉ lệ nợ xấu. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng nợ xấu đã cho dấu hiệu giảm tốc trong quý II, từ mức tăng 22,7% trong quý I/2023 xuống còn khoảng 12% trong quý II/2023.
Thêm vào đó, tốc độ tăng nợ quá hạn (nợ nhóm 2-5) cũng ghi nhận mức giảm mạnh, giảm từ mức tăng 37,6% trong quý I/2023 xuống 7,4% trong quý II/2023. Với tốc độ gia tăng nợ xấu bắt đầu giảm và lãi suất điều chỉnh, Mirae Asset kỳ vọng tỉ lệ nợ xấu sẽ sớm đạt đỉnh trong giai đoạn cuối năm 2023 hay đầu năm 2024.
Khi đà tăng của nợ xấu được chấm dứt, ngân hàng sẽ giảm được lượng chi phí huy động, kết hợp với sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng, thì biên lãi thuần (NIM) của ngân hàng trong các quý tiếp theo sẽ có sự cải thiện đáng kể.
Ngoài rủi ro nợ xấu, tín dụng, ngành ngân hàng còn phải đối mặt với tủi ro liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Theo thống kê, hơn 200.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán gốc trong 6 tháng cuối năm 2023, trong khi trái phiếu đáo hạn năm 2024 ước tính gần 410.000 tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2023.
Mặc dù tổng giá trị trái phiếu này không quá lớn so với tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng (chiếm khoảng 5% tổng dư nợ), nhưng cũng không thể xem nhẹ tác động dây chuyền và các hệ quả liên quan như gia tăng nợ xấu và gánh nặng chi phí trích lập dự phòng.
Cổ phiếu ngân hàng đang rất hấp dẫn
Về cổ phiếu niêm yết, đội ngũ phân tích nhận thấy, thanh khoản TTCK cải thiện là một minh chứng và đóng vai trò là chất xúc tác, thúc đẩy thị giá cổ phiếu ngân hàng cũng như VN-Index phục hồi mạnh trong giai đoạn nửa đầu năm.
Trong ngắn hạn, Mirae Asset ưu tiên lựa chọn các ngân hàng có định giá vẫn tương đối hấp dẫn (TCB, MBB và HDB) so với các ngân hàng cùng ngành hoặc những ngân hàng có động lực ngắn hạn như phát hành riêng lẻ (VPB và VCB).
So với định giá lịch sử, nhóm ngân hàng, mặc dù đã phục hồi tích cực từ mức thấp trong tháng 10/2022, nhưng vẫn được định giá thấp hơn mức định giá trung bình 5 năm, đặc biệt là các ngân hàng tư nhân.
Đối với chiến lược đầu tư trung và dài hạn, ưu tiên các ngân hàng có chính sách kinh doanh thận trọng và có kết quả hoạt động bền vững qua nhiều năm như ACB và MBB, với ROE cao và định giá hấp dẫn. Ngoài ra, VIB cũng là một ngân hàng tiềm năng phù hợp theo dõi đối với các danh mục đầu tư ưu tiên nhóm cổ phiếu tăng trưởng.
Rủi ro ngắn hạn quan trọng phát sinh từ sự đáo hạn của các lô trái phiếu cũng như chất lượng tài sản suy giảm. Mặc dù bối cảnh triển vọng vĩ mô chưa thực sự rõ ràng, tuy nhiên Mirae Asset cho rằng những yếu tố tiêu cực đang dần suy giảm hay thay thế bằng các chỉ báo tích cực.
Do đó, cổ phiếu nhóm ngân hàng hiện đang hấp dẫn đối với chiến lược mua và nắm giữ dài hạn, đặc biệt là trong các giai đoạn điều chỉnh của thị trường chung.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/mirea-asset-no-xau-van-co-xu-huong-tang-trong-nua-cuoi-nam-2023-a598969.html