Người mẹ sinh 12 đứa con, chỉ được ngủ 2,5 tiếng/ngày, 20 năm tối tăm mặt mũi phục vụ chồng con

Nghĩ rằng "cha sinh con trời sinh cỏ", cặp vợ chồng người Nhật Bản đã đẻ một lèo 12 đứa con trong suốt 20 năm hôn nhân, cuộc sống của họ khiến nhiều người được dịp mở mang tầm mắt.

Kết hôn sinh con là việc trọng đại của đời người, nhưng ngày nay nhiều người không quá coi trọng việc này nữa. Họ chỉ kết hôn khi thật sự cần và có con khi thật sự muốn, giữa xã hội kinh tế khó khăn, đời sống vật chất ngày càng đòi hỏi cao hơn thì việc sinh thêm 1 đứa trẻ nhiều khi trở thành bài toán đau đầu cho mỗi gia đình.

Tuy nhiên, một cặp vợ chồng ở Nhật Bản lại có tư tưởng hoàn toàn khác, họ sinh thật nhiều con, mà không cần phải quá bận lòng khi phải xoay sở ra sao với những đứa trẻ. Đó là Katsuki Urushiyama và Toru Urushiyama, cặp đôi đã kết hôn 20 năm, tài sản lớn nhất của họ là 12 đứa con (6 gái và 6 trai). Vốn yêu thích trẻ con nên cặp đôi không hề dùng biện pháp tránh thai, cứ cấn bầu họ lại tiếp tục đẻ, đến năm 2020, con số gia đình đã tăng lên tổng cộng 14 người.

Gia đình 14 người đông đúc của cặp vợ chồng mắn đẻ

Đối với những phụ nữ bình thường, 12 đứa con chắc chắn là áp lực cuộc sống không hề nhỏ nhưng với chị Katsuki đó là niềm vui mỗi ngày. Chỉ riêng việc đi chợ, đi siêu thị mua đồ, tính toán lượng thức ăn hàng ngày cho gia đình đã là niềm đam mê của chị.

Theo Katsuki, 60 kg gạo là lượng lương thực tối thiểu nhà chị phải dùng mỗi tháng. Mỗi lần đi siêu thị, ít nhất cũng phải vài chiếc xe đẩy mới đủ mua các đồ dùng thiết yếu trong gia đình. Lượng quần áo hàng ngày chỉ tính riêng bọn trẻ thay ra cũng khiến máy giặt phải hoạt động liên tục cả ngày mới có thể giặt hết số quần áo, nhất là vào mùa đông, không có mặt trời để hong khô mọi thứ. Thời gian bỏ ra để xếp số quần áo đã giặt cũng khiến bất cứ ai đảm nhận sẽ phải quay cuồng.

Ảnh gia đình hạnh phúc khiến nhiều người ngưỡng mộ

Một ngày của người mẹ siêu nhân này sẽ bắt đầu lúc 5h sáng, khi các con còn đang ngủ say, chị Katsuki thức dậy làm cơm hộp cho con mang đi học. Sáng nào cũng 12 hộp cơm được chuẩn bị tươm tất. Nếu mẹ không dậy sớm để nấu nướng thì giờ học của các con sẽ bị muộn. Thậm chí, không đủ thời gian, bố mẹ luôn phải tranh thủ ăn trước rồi mới gọi các con dậy. Thời gian các bé rời khỏi nhà đến trường là tầm 7 giờ 30 sáng.

Hộp cơm chuẩn bị mỗi sáng của chị Katsuki

Trong khi các con ăn sáng, chị Katsuki we sẽ soạn cặp sách, đồ dùng học tập cho con chuẩn bị đến trường. Nhà Urushiyama có các con đang theo học cấp 3, cấp 2, cấp 1 và mẫu giáo. Riêng hai bé nhỏ nhất vẫn theo mẹ đi làm. Hai vợ chồng có tiệm làm tóc riêng. Các con nhỏ chưa đủ tuổi đến trường sẽ theo bố mẹ đến tiệm lúc 9 giờ sáng. Họ phục vụ khách, dọn dẹp cho đến chiều thì trở về nhà và chuẩn bị bữa ăn tối từ lúc 7 giờ. Đó cũng là lúc mà Katsuki cảm thấy hạnh phúc nhất vì được nhìn thấy các con quây quần và vui đùa.

Bữa ăn là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của cả nhà, 14 người được sum họp cùng nhau bên mâm cơm, kể chuyện trường lớp bạn bè. Tuy nhà đông con nhưng chị Katsuki không để mặc mà giáo dục các bé sống tự lập. Khi bố mẹ bắt tay vào nấu nướng bữa tối thì các con cũng mỗi người mỗi việc tùy theo sức theo sức của mình để giúp bố mẹ. Sau bữa tối, cần rửa bát đĩa, gấp quần áo, bỏ quần áo bẩn vào máy giặt. Những việc này Katsuki đều có các con giúp một tay. Xong xuôi hết những việc nhà, bọn trẻ sẽ ngồi vào bàn học và đi ngủ lúc 11 giờ.

Bữa cơm tối vui nhất trong ngày

Khi các con đã ngủ, người mẹ tần tảo này tiếp tục hoàn thành nốt công việc, có nhiều hôm cô chỉ được lên giường lúc 2h30 phút sáng, chỉ chợp mắt 2 tiếng rưỡi rồi lại bắt đầu guồng quay của một ngày mới. Dù vất vả nhọc nhằn như vậy nhưng chị Katsuki không hề kêu than gì, chị luôn tỏ ra là một người mẹ giàu năng lượng.

3 đứa con bé nhất trong gia đình

Ngoài chuyện ăn chuyện ngủ, gia đình đông con này cũng có những khoảnh khắc khác vô cùng hạnh phúc, tất cả đều nhờ vào cách giáo dục, dạy dỗ hết lòng của đôi vợ chồng. Theo Sohu, chị Katsuki phân công công việc giữa Katsuki và Toru khá rõ ràng. Toru có nhiệm vụ kiếm tiền, còn Katsuki sẽ đảm nhận chăm sóc các con. Tuy vậy, có việc cần giúp đỡ, Toru vẫn sẵn sàng giúp vợ một tay.

Bát đũa của một bữa ăn cũng như một mâm cỗ

Nhìn tấm gương bố mẹ, những đứa trẻ nhà Urushiyama cũng học được rất nhiều, các con đều hiểu chuyện và tự giác hơn hẳn các bạn đồng trang lứa. Khi mẹ nghỉ ngơi, các con thay phiên nhau rửa chén, gấp quần áo, sắp xếp việc nhà, thậm chí một số anh chị lớn hơn còn lập thời gian biểu làm việc nhà và trao trách nhiệm cho mỗi cá nhân cũng khác nhau.

Trong ngôi nhà của 14 thành viên luôn tràn ngập tiếng cười, thỉnh thoảng lũ trẻ cũng gây gổ với nhau nhưng nhanh chóng làm hòa, ủa vào giúp đỡ bố mẹ công việc nhà. 

Giặt quần áo cũng như một tiệm giặt thuê

Hiện tại, sau nhiều năm vất vả, cặp vợ chồng từng chỉ được ngủ 2,5 tiếng/ngày bây giờ đã có những giây phút thảnh thơi cho riêng mình. Con trai lớn và con gái lớn sau khi tốt nghiệp đại học đã dọn ra ở riêng, lập gia đình riêng. Mấy đứa em nhỏ cũng đã đậu vào các trường cấp 2, cấp 3 tốt và hai đứa em nhỏ nhất cũng đã đến tuổi đi mẫu giáo. Cuộc sống của người bố người mẹ bận rộn kia đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Dù vậy, nghĩ lại khoảng thời gian hơn 20 năm qua, chắc chắn nhiều người vẫn phải nể phục bà mẹ siêu nhân tuyệt vời này.

Sau 20 năm, các con của chị Katsuki đều đã dần khôn lớn

Với một gia đình đông con như vậy, vai trò của người bố người mẹ vô cùng quan trọng, nếu không có cách nuôi dạy phù hợp, sẽ không thể dung hòa, san sẻ công bằng tình thương cho các con. Để đảm bảo tất cả các con đều phát triển bình thường, bố mẹ đỡ vất vả trong quá trình dạy dỗ con, những gia đình đông con nên tham khảo một số phương pháp nuôi dạy con để hoàn thành vai trò làm cha mẹ của mình tốt hơn:

1. Khuyến khích con tự lập

Ở nhiều nơi như Nhật Bản, ngay từ nhỏ đã được cha mẹ và nhà trường chú trọng việc dạy tính tự lập. Trẻ em tự tới trường mà không có phụ huynh đi kèm, chúng tự sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, tùy điều kiện từng nước, từng khu vực, cha mẹ có thể lựa tình huống của mình để đảm bảo an toàn cho con. 

Hơn nữa, tự lập ở đây không phải chuyện đi học mà còn chuyện sinh hoạt cá nhân, ý thức tự lập, tự phục vụ bản thân dưới sự giám sát của bố mẹ. Như vậy bố mẹ sẽ nhàn hơn trong việc nuối dạy con cái.

2. Nuôi con bình đẳng, hiểu được không phải đứa trẻ nào cũng giống nhau 

Trong những gia đình đông con, việc bình đẳng, công bằng cả về tình cảm và vật chất giữa các con với nhau đặc biệt quan trọng. Bố mẹ phải luôn tạo cho con sự công bằng, không tị nạnh hay hơn thua. Từ đó cũng tạo cho trẻ nền tảng phát triển tốt, trước khi vào đời.

Bố mẹ nên hiểu, mỗi đứa trẻ như một cái cây riêng biệt, sự phát triển cũng khác nhau nên với những đứa trẻ chậm chạp cần được cha mẹ thông cảm và chấp nhận, vì chúng đã cố gắng đi một đoạn đường dài hơn những người khác.

3. Dạy trẻ coi trọng văn hóa gia đình, nhường nhịn anh chị em trong nhà 

Ngay từ nhỏ, cha mẹ nên khuyến khích con mình duy trì không khí hòa thuận trong nhà, hòa đồng với mọi người xung quanh, biết lắng nghe chia sẻ, giúp đỡ mọi người trong gia đình. 

Ngoài ra cũng dạy trẻ cách chăm sóc yêu thương lẫn nhau, trẻ lớn có thể chăm sóc cho trẻ bé, phân chia công việc trong gia đình, đỡ đần bố mẹ các công việc trong nhà. Cùng làm việc cùng phát triển cùng yêu thương sẽ giúp trẻ nhận thấy tình cảm gia đình quan trọng đến mức nào.

4. Bố mẹ nên đồng hành cùng con cái

Dù đông con nhưng không nên lơ là sự phát triển của con. Trong quá trình lớn lên của trẻ không thể tránh khỏi việc mắc sai lầm và gây ra rắc rối. Tất cả những điều đó đều không có gì quá ghê gớm, điều kinh khủng là cha mẹ đặt con mình vào tình thế bị cô lập, bất lực.

Cha mẹ nên là nơi trẻ cảm thấy được an toàn và gia đình là nơi bình yên mỗi khi trẻ gặp khó khăn. Việc thấu hiểu, ủng hộ sẽ giúp con cái can đảm vượt qua khó khăn.

BẢO CHI - DỊCH TỪ SOHU

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nguoi-me-sinh-12-dua-con-chi-duoc-ngu-25-tiengngay-20-nam-toi-tam-mat-mui-phuc-vu-chong-con-a599135.html