Xử trí thế nào khi phát hiện người có triệu chứng đột quỵ?

Liên tiếp xuất hiện các trường hợp bị đột quỵ hoặc nghi đột quỵ khiến nhiều người lo lắng của. Vậy cần làm gì để tránh bị đột quỵ?

Ngày 5/9, thông tin từ UBND huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp cho biết, thầy Trương Văn Lai - Hiệu trưởng Trường THPT Tràm Chim (thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông) bị đột quỵ qua đời ngay trong buổi lễ khai giảng năm học mới 2023-2024.

Theo đó, vào sáng cùng ngày, Trường THPT Tràm Chim tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Thầy Trương Văn Lai (45 tuổi), Hiệu trưởng nhà trường, đang đọc diễn văn thì bất ngờ ngã quỵ, cơ thể tím tái, được đồng nghiệp đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Chẩn đoán ban đầu thầy Lai qua đời do đột quỵ.

Sức khỏe - Xử trí thế nào khi phát hiện người có triệu chứng đột quỵ?

Tài xế có dấu hiệu đột quỵ và gục xuống vô lăng (Ảnh cắt từ clip).

Trước đó, ngày 3/9, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip được camera hành trình của nhà xe Vinh Hoa tuyến Tp.HCM - Bình Thuận ghi lại cảnh tài xế N.T.B. (sinh năm 1971) xuất hiện cơn co giật khi đang lái xe chở khách từ Tp.HCM đến thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận). Sau khi nghe điện thoại, ông B. có dấu hiệu đột quỵ và gục xuống vô lăng.

Liên tiếp xuất hiện các trường hợp bị đột quỵ hoặc nghi đột quỵ khiến nhiều người lo lắng. Vậy cần làm gì để tránh bị đột quỵ, xử trí thế nào khi gặp người đột quỵ?

Trao đổi với Người Đưa Tin, Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết đột quỵ não có các loại sau:

Trường hợp thứ nhất, nhồi máu não chiếm khoảng trên 70% các trường hợp đột quỵ não, khi đó một cục máu đông gây tắc mạch não khiến cho một vùng não thiếu oxy, thường xảy ra trên bệnh nhân mạch máu bị hẹp, có thể do xơ vữa hoặc co thắt một cách đột ngột. Kèm theo đó có nhiều cục máu đông hơn bình thường, có thể do hội chứng tăng đông hoặc bị bệnh van tim.

Trường hợp thứ hai, xuất huyết não chiếm dưới 30% các trường hợp đột quỵ, lúc này máu thoát ra khỏi lòng mạch tạo thành các mảng máu tụ chèn ép nhu mô não, tăng áp lực nội sọ. Thường xảy ra do bệnh nhân bị tăng huyết áp đột ngột hoặc co thắt mạch trên nền mạch máu đã bị xơ cứng không chịu được căng giãn quá mức.

Ngoài ra, có khoảng dưới 5% bị vỡ các phình mạch gọi là bị xuất huyết dưới nhện.

Sức khỏe - Xử trí thế nào khi phát hiện người có triệu chứng đột quỵ? (Hình 2).

Các dấu hiệu đột quỵ và cách phòng tránh.

Bác sĩ Hoàng cũng chỉ ra có 3 dấu hiệu của đột quỵ: Một là mặt bị lệch, méo miệng; hai là tay và chân một bên người bị yếu, bại, liệt; ba là giọng nói nói ngọng, nói khó, cấm khẩu.

Khi thấy người bên cạnh có những biểu hiện trên cần thực hiện ngay 3 biện pháp sơ cứu: Kiểm tra xem bệnh nhân còn thở không, mạch còn đập hay không? nếu không thì cần khai thông đường thở, hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực.

Tiếp đó, kiểm tra xem có bị chấn thương, gãy các xương lớn hay chảy máu hay không? nếu có thì băng bó hoặc cầm máu và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế, cơ sở điều trị đột quỵ gần nhất.

Vị bác sĩ đưa ra khuyến cáo không thực hiện các khuyến cáo vô căn cứ trên mạng như: Chích máu, uống vài viên An cung… như vậy càng khiến cho bệnh nhân nguy hiểm hơn.

Để phòng chống đột quỵ não, bác sĩ Hoàng cho biết để tránh tình trạng hẹp, xơ cứng mạch máu não cần kiểm soát tốt mỡ máu và các bệnh nền, đặc biệt tăng huyết áp và đái tháo đường. Ngoài ra, tăng cường vận động, bỏ rượu, bia thuốc lá, tăng cường rau củ quả và cá, hạn chế thịt đỏ và các thực phẩm chế biến sẵn.

Cùng với đó, để giảm tình trạng các cục máu đông cần giảm cân, vận động nhẹ nhàng, dùng các thuốc chống đông máu, thuốc giảm nhịp tim theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Để giảm tình trạng co, thắt mạch máu cần kiểm soát căng thẳng, ngủ đủ giấc, không di chuyển đột ngột từ nơi nóng sang nơi lạnh và ngược lại.

Trong khi đó, chia sẻ với báo chí, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ Tp.HCM kiêm Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (Tp.HCM) cho biết, đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Tuy vậy, đột quỵ xảy ra với những tài xế chuyên nghiệp là điều cần quan tâm vì có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của nhiều người (cùng trên xe và đang tham gia giao thông trên đường). Một nghiên cứu được thực hiện tại Nhật Bản cho thấy, tỉ lệ đột quỵ xảy ra ngay khi lái xe là 4%. Trong số đó, 16% trường hợp, đã gây ra tai nạn giao thông sau đó.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng cho rằng, cần thiết phải có chế độ kiểm tra định kỳ các bệnh lý nền (như cao huyết áp, tiểu đường, tiền sử co giật…) cho những tài xế chuyên nghiệp ngoài việc kiểm tra thị lực, thính lực.

F.A.S.T – Quy tắc nhận biết sớm đột quỵ

F (FACE): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.

A (ARM): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.

S (SPEECH): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản.

T (TIME): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/xu-tri-the-nao-khi-phat-hien-nguoi-co-trieu-chung-dot-quy-a599341.html