Hiện nay, có hai loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức là bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Với mỗi loại hình bảo hiểm, mức đóng lại được quy định khác nhau.
Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất:
Theo khoản 1 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, hàng tháng, người lao động tham gia BHXH bắt buộc sẽ phải đóng số tiền sau vào quỹ hưu trí và tử tuất:
Mức đóng BHXH bắt buộc = 8% x Mức tiền lương tháng đóng BHXH.
Trong đó: Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cao nhất = 20 x Mức lương cơ sở.
Từ ngày 1/7/2023, lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng nên:
Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cao nhất năm 2023 = 20 x 1,8 triệu đồng/tháng = 36 triệu đồng/tháng.
Từ đó, mức đóng BHXH bắt buộc cao nhất sẽ được xác định như sau:
Mức đóng BHXH bắt buộc cao nhất năm 2023 = 8% x 36 triệu đồng/tháng = 2,88 triệu đồng/tháng.
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cao nhất:
Căn cứ khoản 1 Điều 87 Luật BHXH năm 2014, hàng tháng, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ phải đóng số tiền sau:
Mức đóng BHXH tự nguyện = 22% x Mức thu nhập tháng đóng BHXH.
Trong đó: Mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện cao nhất = 20 x Mức lương cơ sở.
Như vậy, từ ngày 1/7/2023, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cao nhất được xác định như sau:
Mức đóng BHXH tự nguyện cao nhất năm 2023 = 22% x 36 triệu đồng/tháng = 7,92 triệu đồng/tháng.
Theo quy định hiện hành, từ ngày 1/1/2022 cách tính mức hưởng lương hưu như sau:
Lương hưu hằng tháng = Tỉ lệ hưởng lương hưu hàng tháng x mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Tỉ lệ hưởng lương hưu đối với người lao động nam: Tham gia BHXH đủ 20 năm thì được hưởng 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm thì cộng thêm 2%, tối đa 75%.
Tỉ lệ hưởng lương hưu đối với người lao động nữ: Thời gian đóng BHXH đủ 15 năm thì được hưởng 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm thì cộng thêm 2%, tối đa 75%.
Như vậy, tỉ lệ hưởng tối đa theo quy định là 75% được áp dụng với người lao động đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên với nữ và từ đủ 35 năm trở lên đối với nam.
Nếu người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75% thì ngoài lương hưu, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp một lần.
Như vậy, tiền lương tháng đóng BHXH để sau này nhận lương hưu được giới hạn cao nhất là bằng 20 lần mức lương cơ sở và tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng tối đa 75%.
Lương hưu được coi là nguồn thu nhập ổn định nhất giúp người lao động yên tâm dưỡng già, đảm bảo tốt hơn cuộc sống độc lập mà không phải phụ thuộc vào con cháu.
Ngoài lương hưu hằng tháng, người lao động còn được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian nghỉ hưu để được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe do quỹ BHYT chi trả với mức hưởng là 95%. Thực tế, cơ quan BHXH đã chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng cho những người hưởng lương hưu bị mắc bệnh nan y, hiểm nghèo… Trong giai đoạn tuổi già, nguy cơ đối mặt nhiều hơn với ốm đau, bệnh tật nên việc được chia sẻ phần lớn nguồn kinh phí khám chữa bệnh từ quỹ BHYT sẽ giảm bớt áp lực kinh tế cho con cháu của người nghỉ hưu. Không những thế trong thời gian hưởng lương hưu, người hưởng lương hưu không may qua đời thì thân nhân của họ còn được hưởng chế độ tử tuất với nhiều quyền lợi.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/dong-bao-hiem-xa-hoi-nhu-the-nao-de-huong-luong-huu-toi-da-a599371.html