Mới đây, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 32/2023/TT-BCA với nhiều quy định mới về kiểm soát xử lý vi phạm giao thông từ 15/9/2023. Trong đó quy định thứ tự tạm giữ giấy tờ của người vi phạm giao thông.
Điểm d khoản 2 Điều 21 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về thứ tự tạm giữ giấy tờ của người vi phạm giao thông như sau:
Thứ nhất, giấy phép lái xe, Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.
Thứ hai, giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính).
Thứ ba, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (xe phải kiểm định).
Thứ tư, giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện theo quy định của pháp luật để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt.
CSGT chỉ được giữ một trong các loại giấy tờ kể trên. Riêng trường hợp các giấy tờ có dấu hiệu nghi giả, cần xác minh để làm rõ hành vi vi phạm thì được giữ thêm giấy tờ khác có liên quan.
CSGT được kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa
Thêm một quy định mới về kiểm soát xử lý vi phạm giao thông từ 15/9 đó là CSGT được kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa trên xe.
Đây là hướng dẫn mới về nội dung kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vận tải đường bộ được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA.
Quy định này khẳng định, CSGT được kiểm soát tính hợp pháp của hàng hoá, chủng loại, khối lượng, số lượng, quy cách, kích thước; đồ vật; số người thực tế chở so với quy định được phép chở và các biện pháp bảo đảm an toàn trong vận tải đường bộ.
Người vi phạm không ký biên bản, chỉ cần một người làm chứng
Theo Điểm c khoản 2 Điều 20 Thông tư 32/2023/TT-BCA, trường hợp người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản thì Tổ trưởng Tổ CSGT tiến hành mời đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc ít nhất một người chứng kiến ký vào biên bản xác nhận việc người vi phạm không ký, điểm chỉ vào biên bản đó.
Trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì CSGT phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Trước đó, Khoản 1 Điều 20 Thông tư 65/2020/TT-BCA yêu cầu trường hợp này phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc 02 người chứng kiến ký vào biên bản.
T.M
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/thu-tu-tam-giu-giay-to-cua-nguoi-vi-pham-giao-thong-tu-ngay-159-a599471.html