NPSC tăng cường áp dụng công nghệ BIM để đẩy mạnh số hóa công trình điện

Mô hình BIM được ra đời trong thời đại công nghệ hoá để giúp việc thiết kế và xây dựng dễ dàng hơn. Qua quá trình phát triển công nghệ, BIM đã được hình thành để mô phỏng các mô hình ảo có đầy đủ các thông số cần thiết để hỗ trợ cho dự án xây dựng.

Được sự ủng hộ của lãnh đạo Công ty Dịch vụ Điện lực miền Bắc (NPSC), Xí nghiệp Tư vấn đã tổ chức buổi hội thảo trao đổi kinh nghiệm, học tập áp dụng BIM vào các giai đoạn dự án với đoàn công tác Trung tâm nghiên cứu công nghệ xây dựng thông minh (Center for smart Construction Technology) thuộc Tập đoàn cao tốc Hàn Quốc.

Tại buổi hội thảo có ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc NPSC, chủ trì cuộc hội thảo và các thành viên trong Xí nghiệp tư vấn tham gia. Về phía Trung tâm nghiên cứu công nghệ xây dựng thông minh Hàn Quốc do ông Cho, Hyuk-Soo – Giám đốc đào tạo đến chia sẻ kinh nghiệm cùng các cán bộ có chuyên môn.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc NPSC – Nguyễn Anh Tuấn mong muốn hội thảo này sẽ góp phần giúp định hướng phát triển chuyển đổi số trên nền tảng công nghệ BIM một cách tối ưu nhất cho Xí nghiệp Tư vấn nói riêng và Công ty Dịch vụ Điện lực miền Bắc nói chung, đồng thời chỉ đạo Xí nghiệp Tư Vấn cùng trao đổi kinh nghiệm và hợp tác với các đơn vị nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp cũng như chất lượng thiết kế.

121-1694144859.jpg

Ông Cho, Hyuk-Soo – Giám đốc đào tạo Trung tâm chia sẻ kinh nghiệm triển khai BIM ở Hàn Quốc

Trong buổi hội thảo đã được nghe nhiều ý kiến thảo luận cởi mở, thẳng thắn xung quanh việc ứng dụng công nghệ BIM vào xây dựng công trình. BIM được ví như một trong những công cụ đắc lực để ngành Điện tiếp cận với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bên có liên quan đến dự án.

Đối với Xí nghiệp Tư vấn thực hiện công tác trong lĩnh vực thiết kế, việc áp dụng BIM vào trong công tác thiết kế sẽ thu được các lợi ích như: Trực quan hóa công trình được mô phỏng và trình diễn với mô hình 3D và người thiết kế sẽ dễ dàng truyền đạt ý tưởng thiết kế đến các thành viên dự án, giúp họ hiểu rõ hơn, đồng thời giúp cho việc đánh giá, lựa chọn phương án nhanh chóng, chính xác và hiệu quả hơn; Tăng năng suất và chất lượng thiết kế nhằm truyền đạt thông tin giữa các thành viên diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, giúp sớm phát hiện các xung đột giữa các bộ môn, hạn chế xảy ra lỗi và thiếu sót trong quá trình thiết kế, giảm công sức làm lại, giảm chi phí phát sinh; Cải thiện việc đo bóc khối lượng và lập dự toán chi phí được thực hiện một cách nhanh chóng và chính xác nhờ mọi thông tin liên quan đến khối lượng, vật liệu, giá thành, đều được lưu trữ trong mô hình công trình và dễ dàng được cập nhật và trích xuất thông qua các phần mềm được thực hiện một cách tự động.

Đặc biệt, ứng dụng BIM sẽ giúp tăng cường tính bền vững cho công trình cũng như tăng cường sự hợp tác tạo điều kiện cho sự trao đổi, hợp tác giữa các thành viên. Với việc cùng làm việc trên một mô hình thông tin thống nhất, các thành viên dự án có được cái nhìn tổng thể về dự án, hiểu rõ công việc của các thành viên khác, sớm phát hiện các xung đột giữa các bộ phận và cùng nhau trao đổi, tìm ra giải pháp cho các xung đột.

Có thể khẳng định, ứng mô hình thông tin BIM sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho công trình đi kèm với một khối lượng dữ liệu cực kỳ lớn. Điều này dẫn tới một nhu cầu cấp thiết cho việc cần phải xây dựng một môi trường dữ liệu chung, đây là nguồn dữ liệu duy nhất để tất cả những người tham gia dự án thu thập, quản lý và phân bổ tài liệu bao gồm cả thông tin hình học và phi hình học của dự án.

Thông qua buổi hội thảo, NPSC và Trung tâm nghiên cứu công nghệ xây dựng thông minh Hàn Quốc đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, giải pháp đề xuất của các chuyên gia tham dự đồng thời mong muốn tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm cũng như cùng nhau xây dựng và đẩy mạnh việc ứng dụng BIM trong công tác thiết kế trong thời gian tới.

Xí nghiệp Tư vấn (NPSC)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/npsc-tang-cuong-ap-dung-cong-nghe-bim-de-day-manh-so-hoa-cong-trinh-dien-a599483.html