Tủ lạnh là đồ vật không thể thiếu trong mọi gia đình, nó được xem là chiếc hộp an toàn để bảo quản thực phẩm. Nếu mở tủ lạnh của các gia đình có thể thấy những thứ như miếng dưa hấu cắt dở để cả ngày chưa ăn, rau mua từ 3 ngày trước, các loại bánh đông lạnh, thịt gà, lợn để cả tuần hay thậm chí cả tháng.
Việc tích trữ đồ ăn như vậy là thói quen của nhiều gia đình, nhưng nhiều người khi nhỡ để quên thịt cả tuần hay cả tháng như vậy thường lo lắng ăn không tốt sẽ vứt đi, còn miếng dưa hấu hay hoa quả cắt xong cất tủ để nguyên ngày lại cho rằng an toàn vì thời gian bảo quản ngắn.
Nhưng thực tế đã có không ít trường hợp vì ăn dưa hấu để qua đêm mà nhập viện cấp cứu do ngộ độc thực phẩm, vậy ăn thịt để cả tuần hay dưa hấu để qua đêm, cái nào mới thực sự nguy hiểm?
Tại sao thực phẩm để tủ lạnh vẫn có thể bị hư hỏng gây ngộ độc?
Trước hết, mọi người nên hiểu lý do tại sao thực phẩm lại bị hư hỏng và gây ngộ độc. Nguyên nhân chính gây hư hỏng thực phẩm là sự phát triển của vi sinh vật và hoạt động của các enzyme có trong thực phẩm. Hoạt động của cả hai loại chất đều phụ thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm thích hợp. Bằng cách làm lạnh hoặc đông lạnh, hoạt động của vi sinh vật và enzyme có thể bị ức chế và việc bảo quản thực phẩm có thể được kéo dài.
Ví dụ, nhiệt độ sinh sản tối thiểu của nấm gây bệnh Aspergillus flavus là 6-8°C, nhiệt độ sinh sản tối đa là 44-46°C, nhiệt độ tăng trưởng tối ưu là khoảng 37°C và nhiệt độ sinh độc tố tối ưu là 28-32°C. Ngoài phạm vi này, khả năng Aspergillus flavus phát triển sẽ giảm đi nhiều.
Tủ lạnh chỉ có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn, không thể tiêu diệt vi khuẩn trên thực phẩm. (Ảnh minh họa)
Nhưng mọi người phải hiểu rằng nhiệt độ thấp của tủ lạnh chỉ có thể làm chậm quá trình sinh sản của vi khuẩn chứ không thể tiêu diệt và khiến vi khuẩn biến mất. Hầu hết thực phẩm chúng ta để trong tủ lạnh đều không được tiệt trùng, đặc biệt trong thời tiết mùa hè nóng bức, vi khuẩn đã sinh sôi trên các loại rau, thịt (như listeria) bên ngoài tủ lạnh, nên khi cho vào tủ cũng chỉ làm chậm quá trình phát triển của chúng chứ không thể tiêu diệt được.
Chỉ cần thời gian đủ dài thì quá trình từ thay đổi về lượng đến thay đổi về chất vẫn diễn ra, thực phẩm vẫn hư hỏng nên dù công nghệ bảo quản nhiệt độ thấp có tốt đến đâu cũng không thể đảm bảo thực phẩm sẽ tươi lâu.
Thịt để tủ lạnh cả tuần hay cả tháng có sao không?
Đối với thịt miễn là chúng được bảo quản liên tục trong nhiệt độ được kiểm soát ở mức -18°C thì về mặt lý thuyết chúng có thể được bảo quản vô thời hạn.
Tuy nhiên, đây chỉ là lý thuyết, bạn không nên vì vậy mà giữ thịt đông quá lâu trong tủ vì ngoài việc mất chất dinh dưỡng và mùi vị khó chịu, nhiều người có thể mắc phải sai lầm sau khi bảo quản thịt khiến nó trở thành mối nguy hiểm tiềm ẩn.
Thịt trữ đông trong tủ lạnh liên tục ở một nhiệt độ thấp nhất định về lý thuyết sẽ không gây nguy hiểm. (Ảnh minh họa)
Không ít người có thói quen mua một miếng thịt lớn đem cất tủ lạnh, khi nào cần nấu sẽ lấy ra rã đông và cắt một phần đủ ăn, phần còn thừa lại cho vào bảo quản. Việc rã đông và đông lạnh thịt nhiều lần như vậy thực sự không tốt.
Thịt không còn vô trùng kể từ khi được giết mổ, vận chuyển và bán cho đến khi vào tay bạn. Tủ lạnh chỉ có thể ức chế sự sinh sản của hầu hết các vi sinh vật và không có tác dụng khử trùng.
Tuy nhiên, trong quá trình rã đông và đông lạnh lặp đi lặp lại, đặc biệt là rã đông ở nhiệt độ phòng vào mùa hè nóng nực, nhiệt độ này có thể vừa đủ cho sự phát triển mạnh mẽ của một số loại vi khuẩn, khiến vi khuẩn trong thịt sinh sôi với số lượng lớn và từ đó dễ gây ngộ độc thực phẩm.
Vì vậy, khi mua thịt về nhà, bạn nên cắt thành từng miếng vừa đủ cho một bữa ăn rồi mới cất tủ lạnh để tránh phải rã đông nhiều lần. Khi rã đông, bạn có thể rã đông trong lò vi sóng rồi rã đông ở nhiệt độ phòng, không nên rã đông trực tiếp ở nhiệt độ phòng hoặc trong nước ấm.
Ăn dưa hấu để tủ lạnh qua đêm có gây nguy hiểm?
Nhiều người cho rằng ăn thịt để đông lạnh lâu mới sợ ảnh hưởng sức khỏe còn hoa quả như dưa hấu để tủ lạnh mới qua một đêm sẽ không sao. Thực tế, nếu ngay từ khi mua về, sử dụng và bảo quản đều đúng cách thì ăn dưa hấu để tủ qua đêm sẽ không gây hại nhưng không phải ai cũng có thể làm được điều đó.
Hơn nữa dưa hấu mọng nước, độ ẩm cao lại nhiều đường là môi trường thích hợp cho vi khuẩn nên nếu bảo quản không đúng sẽ rất dễ khiến vi khuẩn sinh sôi nhanh hơn cả tốc độ phát triển trên thịt, từ đó gây ngộ độc thực phẩm.
Dưa hấu cất tủ lạnh nếu bảo quản không đúng rất dễ nhiễm khuẩn. (Ảnh minh họa)
Một số sai lầm khi xử lý và bảo quản dưa hấu có thể khiến bạn dễ bị tiêu chảy sau khi ăn như:
- Sau khi mua dưa hấu về nhà, vỏ không được rửa sạch. Mặc dù bên trong dưa hấu được vô trùng nhưng vỏ dưa hấu vẫn chứa vi khuẩn trong quá trình vận chuyển và bán hàng, nếu bạn cắt dưa mà không rửa sạch, vi khuẩn và bụi bẩn có thể làm nhiễm bẩn phần dưa bên trong.
- Dùng dao, thớt cắt đồ sống để cắt dưa hấu. Bề mặt dao, thớt dùng để cắt thịt có thể chứa vi khuẩn Salmonella, dưa hấu một khi bị nhiễm khuẩn sẽ trở thành nơi sinh sản cho vi khuẩn phát triển.
- Sau khi cắt dưa hấu, dưa hấu không được đóng gói chặt và cho vào tủ lạnh kịp thời. Dưa hấu cắt miếng rất dễ sinh sôi vi khuẩn ở nhiệt độ phòng, cần bọc kín bằng màng bọc thực phẩm sạch và đủ tiêu chuẩn hoặc hộp đựng thực phẩm chuyên dụng, sau đó cho vào tủ lạnh càng sớm càng tốt, để tách riêng thực phẩm sống và chín để tránh lây nhiễm chéo.
Nếu dưa hấu cắt miếng được bọc kín bằng màng bọc thực phẩm sạch hoặc túi đựng thực phẩm đặc biệt rồi cho vào tủ lạnh thì có thể ăn qua đêm. Nhưng dưa hấu cũng là loại thực phẩm rất dễ hư hỏng, sau khi cắt ra, quá trình hư hỏng có thể bắt đầu ngay, vi sinh vật sẽ sinh sản dọc theo vết rạch và xâm nhập sâu vào cùi dưa cho đến khi toàn bộ quả dưa bị hư hỏng.
Vì vậy dù dưa hấu được cho vào tủ lạnh ngay thì bạn vẫn cần ăn càng sớm càng tốt. Khi thấy dưa hấu đã bị hư hỏng, vỏ mềm, có vị chua thì không nên ăn nữa.
MINH MINH