Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ra quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với CTCP Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu (UPCoM: VTG).
Nguyên nhân là do CTCP Du lịch Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã nợ tiền thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định. Tổng số tiền mà công ty bị cưỡng chế gần 108 tỷ đồng.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/9/2023. Người nộp thuế sử dụng hóa đơn kể từ ngày đó thì được coi là sử dụng hóa đơn không hợp pháp.
Trước đó, ngày 9/8, Du lịch Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã bị chi cục thuế khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và phong tỏa tài khoản do chậm nộp thuế.
CTCP Du lịch Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có tiền thân là Công ty Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập vào năm 1996. Công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh các dịch vụ lữ hành quốc tế và nội địa, khách sạn, ăn uống, bãi biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. VTG chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2007.
Tổng quan tình hình kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2023, Du lịch Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận doanh thu thuần đạt 19,8 tỷ đồng, giảm gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu hoạt động tài chính của công ty đạt 2,6 tỷ đồng, giảm gần 85% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Công ty báo lỗ trước thuế 2,2 tỷ đồng, lỗ sau thuế 2,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 bào lãi trước thuế và sau thuế lần lượt là 33 tỷ đồng và 32,7 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhận động kinh doanh 6 tháng năm 2023 của công ty bị giảm sút đáng kể, Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết công ty con là CTCP Du lịch Nghinh Phong và Chi nhánh Công ty - Khu Du lịch Biển Đông dừng hoạt động kinh doanh để thực hiện công tác bàn giao liên quan đến khu đất Bãi tắm Thùy Vân – Bãi Sau Tp.Vũng Tàu nên doanh thu 6 tháng năm 2023 giảm đáng kể so với 6 tháng năm 2022.
Hơn nữa, trong 6 tháng năm 2022 Công ty phát sinh khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần và quyền mua cổ phần tại CTCP Lạc Việt, CTCP Đầu tư khách sạn Biển Đông. Từ đó dẫn đến kết quả kinh doanh tổng hợp 6 tháng năm 2023 của công ty mẹ và kết quả kinh doanh hợp nhất bị lỗ và giảm so với 6 tháng năm 2022.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của công ty ghi nhận ở mức 214,5 tỷ đồng, giảm 2,9 tỷ đồng so với năm trước. Hàng tồn kho của công ty là 774 triệu đồng, chủ yếu là tiền nguyên vật liệu và hàng hóa. Tại ngày này, nợ phải trả của công ty là 46 tỷ đồng, phần lớn là các khoản nợ ngắn hạn với 32 tỷ đồng, chiếm 69,5%.
Ở một diễn biến khác, báo cáo tài chính của Du lịch Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra ý kiến từ chối liên quan đến việc công ty mẹ và công ty con – CTCP Du lịch Nghinh Phong chưa ghi nhận các khoản tiền thuê đất, tiền thuê cơ sở hạ tầng do Ngân sách tỉnh đầu tư phải nộp cho Nhà nước tại Bãi tắm Thùy Vân - Bãi Sau Tp.Vũng Tàu.
Cũng như việc chưa hạch toán đầy đủ tiền thuê đất từ năm 2018 đến năm 2021 theo Thông báo của Chi Cục thuế khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo.
Về vấn đề này, công ty đưa ra ý kiến giải trình, công ty mẹ và công ty con vẫn chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ký hợp đồng cho thuê hạ tầng, hợp đồng cho thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất tại Khu bãi tắm Thùy Vân, Tp.Vũng Tàu.
Thu Hương
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cong-ty-du-lich-ba-ria-vung-tau-bi-cuong-che-thue-gan-108-ty-dong-a599701.html