Bệnh lây lan nhanh, chủ yếu ở trẻ em
Giữa tháng 9/2023, Sở Y tế Tp.HCM tiếp tục ghi nhận tình trạng bệnh đau mắt đỏ diễn biến phức tạp khi các bệnh viện ghi nhận tăng số người đến khám chữa bệnh vì bệnh lý này.
Bác sĩ Huỳnh Thị Bích Liễu, Phó Khoa Mắt, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 240 bệnh nhân mắc các bệnh lý về mắt, trong đó có đến 170 - 180 ca đau mắt đỏ (chiếm 70 - 75%). So với thời điểm trước tháng 8, số bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại bệnh viện tăng nhanh (tăng gấp 1,5 lần so với thời điểm trước tháng 8).
Qua quá trình thăm khám, điều trị bệnh nhân đau mắt đỏ, bác sĩ Liễu thấy đợt dịch này lây lan nhanh so với những đợt dịch trước nhưng đa số đều khỏi sau 7 - 14 ngày. Thực tế có nhiều bệnh nhân từ khi tiếp xúc dịch tiết của người bệnh đau mắt đỏ đến ủ bệnh và phát bệnh chỉ mất khoảng 2-3 ngày. Khi có dấu hiệu khởi phát như cộm, xốn, chảy nước mắt, mi mắt sưng nhẹ... thì mất 1-2 tiếng đồng hồ mắt sẽ biểu hiện gần đầy đủ các triệu chứng.
"Nếu một gia đình có người bị đau mắt đỏ trong thời điểm hiện nay, khả năng rất cao các thành viên còn lại cũng bị. Nếu phòng ngừa đúng, người bệnh được điều trị kịp thời thì bệnh nhanh khỏi, ít có biến chứng", bác sĩ Liễu nói.
Còn bác sĩ CKI Nguyễn Đình Trung Chính - khoa mắt, khoa liên chuyên khoa Bệnh viện Nhi đồng 2 cho hay, số trẻ đến khám vì đau mắt đỏ tại bệnh viện trong những ngày gần đây tăng lên 70 - 80 ca/ngày, trong khi những tháng trước khoảng 40 - 50 ca/ngày.
Bệnh viện Nhi đồng 2 trong 8 tháng đầu năm ghi nhận hơn 4.800 trẻ đến khám, cùng kỳ năm ngoái chỉ chưa tới 3.000 ca, gần đây có những ngày tiếp nhận khoảng 200 trường hợp. Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện cũng ghi nhận số trẻ đến khám đau mắt đỏ tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2022.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Tp.HCM thông tin, 2 tuần đầu tháng 9, nơi này tiếp nhận 1.173 bệnh nhi khám đau mắt đỏ, cao gấp đôi tháng 7-8, gấp khoảng 4 lần những tháng đầu năm. Cao điểm, hôm 11/9, bệnh viện tiếp nhận 224 em, trong khi năm ngoái chỉ khoảng 10 ca.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Tp.HCM, người bệnh đặt hẹn khám đau mắt đỏ tăng liên tục những ngày qua, với hơn 70 bệnh nhân mỗi phòng khám. Người đến khám có cả người lớn và trẻ em, hầu hết đều mang kính râm, khẩu trang, không ít trường hợp đi khám cả gia đình. Nhiều học sinh phải nghỉ học, phụ huynh nghỉ làm do đau mắt đỏ.
Theo báo cáo của Sở Y tế Tp.HCM, số lượt khám vì viêm kết mạc tính từ đầu năm cho đến nay khoảng 72.000 lượt (khoảng 1/3 trẻ ở tuổi đi học, số còn lại là người lớn), đáng lưu ý là số ca mắc trong những ngày gần đây có xu hướng tăng so với những tháng đầu năm.
Không chỉ Tp.HCM, các tỉnh phía Nam khác cũng báo cáo về tình hình bệnh đau mắt đỏ tăng cao. Tỉnh Bình Phước ghi nhận bệnh đau mắt đỏ lây lan nhanh khi 2/3 số trường học ở Tp.Đồng Xoài lây lan bệnh đau mắt đỏ. Hàng nghìn học sinh nơi đây phải nghỉ học, ngành y tế ghi nhận bệnh có dấu hiệu lây lan nhanh sau khai giảng.
Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ ghi nhận bệnh nhân đau mắt đỏ thời gian qua đến khám tăng gấp 2-3 lần cùng kỳ năm trước. Mỗi ngày nơi đây tiếp nhận 150-200 trẻ đến khám mắt, trong đó đau mắt đỏ chiếm hơn 60%, nhiều trẻ trong độ tuổi mầm non và tiểu học mắc bệnh.
Số ca đau mắt đỏ tại Tp.Đà Nẵng cũng tăng đột biến. Bệnh viện Mắt Đà Nẵng trong 11 ngày đầu tháng 9 tiếp nhận hơn 22.400 ca đau mắt đỏ đến khám, hơn một nửa trong số đó là trẻ em. Hay tỉnh Bình Dương ghi nhận bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện đang có xu hướng tăng, với 2.300 ca mắc kể từ đầu năm, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh
Đánh giá về bệnh đau mắt đỏ đang lây lan tại nhiều tỉnh thành, bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng, chuyên khoa mắt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Tp.HCM nhận định: “Gần đây thời tiết chuyển từ nắng nóng qua mưa rất nhanh nên làm độ ẩm không khí cao, kèm theo môi trường nhiều khói bụi, nguồn nước bị ô nhiễm tạo điều kiện thuật lợi cho virus, vi khuẩn phát triển và bùng thành dịch. Môi trường công sở, lớp học, công cộng là những nơi dễ lây lan nhanh và nhiều, trong bối cảnh trẻ em bước vào năm học mới”.
Trả lời câu hỏi của Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh Văn phòng, Sở Y tế Tp.HCM nói, số trường hợp đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố tăng cao so với các năm gần đây.
Theo kết quả báo cáo nhanh của phòng xét nghiệm thuộc Đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và OUCRU, enterovirus và adenovirus là 2 tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ hiện nay. Trong đó, chiếm ưu thế là enterovirus (86%), còn tác nhân thường gặp trước đây là adenovirus chỉ chiếm số ít (14%).
Đại diện Sở Y tế Tp.HCM khẳng định, hiện nay, nguồn thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên thị trường là rất lớn và không thể xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc.
“Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa mắt, người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt cỏ chứa corticoid không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng”, ông Nam cảnh báo.
Về thuốc nhỏ mắt sử dụng trong bệnh đau mắt đỏ, người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất vô khuẩn rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh chỉ nên dùng khi được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng...).
Trước tình trạng một số người dân tìm mua thuốc nhỏ mắt Tobrex để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ Hoàng Lê Phương Thoại Loan, đơn vị Mắt, Bệnh viên Nhi đồng Tp.HCM, cho rằng Tobrex là kháng sinh điều trị viêm kết mạc (đau mắt đỏ) nhưng không phải thuốc duy nhất.
Khi sử dụng thuốc điều trị đau mắt đỏ cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt. Người bệnh đau mắt đỏ nên đến khám tại các cơ sở có chuyên khoa mắt và tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
“Tùy vào từng tình trạng bệnh mà bác sĩ chuyên khoa sẽ chọn lựa thuốc phù hợp cũng như nắm rõ các tác dụng phụ của thuốc để có hướng điều trị thích hợp. Việc người dân tự đi mua thuốc trị đau mắt đỏ về sử dụng là không nên vì không nắm rõ cách sử dụng, liều lượng cũng như tác dụng phụ. Từ đó dễ dẫn đến hiệu quả không như mong muốn”, bác sĩ Loan nhận định.
Theo báo cáo của Phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế Tp.HCM, ngoài Tobrex như nhiều người tìm mua, các thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh hiện có nhiều loại khác nhau, đều có thể sử dụng cho bệnh đau mắt đỏ như ofloxacin, levofloxacin, ciprofloxacin, neomycin, tobramycin...
Thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh levofloxacin hiện có hơn 270.000 lọ, ofloxacin còn 15.000 lọ (sẽ nhập về thêm trong thời gian tới là 900.000 lọ); tobramycin còn 20.000 lọ (sẽ nhập về thêm trong thời gian tới là 280.000 lọ)…
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/benh-dau-mat-do-tang-nhanh-can-trong-voi-thuoc-chua-corticoid-a599921.html