Vào vụ mùa giá lúa tăng, nông dân đừng vội xuống giống

Điều đáng nói là từ đầu vụ đến nay, nông dân Tiền Giang đều bán lúa đạt giá cao nhất trong hơn 10 năm qua.

Vào vụ lúa nông dân thu lãi cao

Nông dân Tiền Giang đang khẩn trương thu hoạch lúa chính vụ. Bà con phần khởi do giá lúa đạt kỉ lục, chi phí cũng ở mức trung bình, thu lãi cao.

Năm nay vụ lúa Hè Thu chính vụ nông dân tỉnh Tiền Giang gieo sạ hơn 40 nghìn ha; đối với khu vực phía Đông hơn 23 nghìn ha lúa đã được thu hoạch gần xong với năng suất đạt trung bình khoảng 6 tấn/ha. Riêng khu vực phía Tây đang thu hoạch rộ với năng suất đạt đến 7 tấn/ha.

Hiện thương lái đến tận ruộng mua lúa của nông dân giá từ 156.000 – 164.000 đồng/giạ (tùy theo giống). Theo bà con nông dân, với giá hiện nay, sau khi trừ chi phí thì người trồng lúa có lãi hơn 40 triệu đồng/hecta, cao gần gấp rưỡi so với vụ trước, nông dân rất phấn khởi. Vụ lúa Hè thu đa số nông dân địa phương trồng các loại lúa chất lượng cao, cây cứng ít đổ ngã như: OM 18, Đài Thơm 8 và OM 5451, Jasmin.

Điều đáng nói là từ đầu vụ đến nay, nông dân Tiền Giang đều bán lúa đạt giá cao nhất trong hơn 10 năm qua.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên báo VOV, ông Đoàn Văn Thơm, Chủ tịch UBND xã Phú Cường, huyện Cai Lậy cho biết, vụ lúa này thương lái tranh nhau thu mua lúa của nông dân, bà con rất vui khi trúng mùa, trúng giá.

"Vụ lúa Hè thu chính vụ này bà con nông dân rất phấn khởi, một là năng suất đảm bảo, thứ 2 giá cả thị trường, đầu ra rất ổn định, lãi suất lúa cao nhất trong mấy năm nay. Thu hoạch xong bà con tiến hành cày xới ngâm lũ, khi nào tỉnh, huyện có văn bản chỉ đạo ở xã mới gieo sạ vụ lúa Đông xuân", ông Thơm cho biết thêm.

Kinh tế vĩ mô - Vào vụ mùa giá lúa tăng, nông dân đừng vội xuống giống

Giá lúa cao, nông dân ồ ạt xuống giống 

Thời gian qua, giá lúa Đồng bằng sông Cửu Long biến động theo chiều tích tục, nông dân không khỏi phấn khởi. Tuy nhiên hạn mặn 2023 - 2024 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích trồng lúa ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Để phòng tránh thiệt hại, tỉnh Tiền Giang đã chủ động kế hoạch cắt vụ lúa Thu Đông ở các địa phương khu vực phía Đông, nơi dễ bị ảnh hưởng bởi hạn mặn xâm nhập. Dù vậy, nông dân vẫn bất chấp khuyến cáo ồ ạt xuống giống vụ này.

Cụ thể, vụ lúa Thu Đông này, nông dân huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang xuống giống khá sớm. Nhiều trà lúa hiện hơn 15 ngày tuổi. Theo bà con, vụ Thu Đông lâu nay chỉ là vụ sản xuất phụ, hiệu quả không cao. 

"Vụ vừa rồi, vụ Hè Thu, bà con thấy 8.000 đồng/kg, giá lúa cao. Làm hồi đó tới giờ 10 năm nay bây giờ mới có được 8.000. Chứ 10 năm nay, 5.000 - 6.000 đồng. Bây giờ được 8.000 đồng thì bà con nông dân rất là mừng, thành ra ai cũng trăn trở, ai cũng nói cố gắng làm đi. Biết đâu vụ 2, vụ 3 này được giá nữa để cho cải thiện đời sống", ông Huỳnh Công Hùng, xã Long Bình, Gò Công Tây, Tiền Giang, chia sẻ với VTV.

Đáng chú ý, tỉnh Tiền Giang đã yêu cầu không sản xuất vụ Thu Đông, bởi làm vụ lúa này, vụ Đông Xuân sắp tới sẽ xuống giống trễ và có nguy cơ bị thiệt hại do mặn xâm nhập.

"Năm nay theo dự báo thì rất là gay gắt, hạn mặn đến sớm hơn khoảng giữa tháng 12 và cuối tháng 12, nên đối với diện tích này không thể nào xuống giống lúa Đông Xuân 2023 - 2024 được. Do đó địa phương phải cương quyết cắt vụ lúa 7.000 hecta này là không cho xuống giống vụ Đông Xuân của năm 2023 - 2024 nữa", ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, cho biết.

Tỉnh Tiền Giang hiện đang tiến hành rà soát và yêu cầu nông dân cam kết nếu xuống giống vụ lúa Thu Đông thì không xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024. Với giá lúa cao nhất trong vòng 10 năm nay, nông dân khó có thể thực hiện cam kết này. Nguy cơ thiệt hại ở vụ Đông Xuân tới là rất lớn.

Thông tin trên báo Công Thương, trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu duy trì ổn định. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm hiện ở mức 613-617 USD/tấn và gạo 25% tấm dao động quanh mốc 598-602 USD/tấn.

Trước biến động của thị trường nhiều doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến giá gạo xuất khẩu sụt giảm mạnh là do cầu giảm. Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất Việt Nam đang mua hàng chậm lại vì thương nhân đang chờ Chính phủ chốt phương án giảm thuế suất nhập khẩu từ 35% xuống 10% như đề xuất.

Thời gian gần đây, mặc dù giá gạo tuy có giảm so với giá đỉnh nhưng vẫn ở mức cao. Ví dụ, gạo 5% tấm hiện nay có giá cao hơn so với trước ngày 20/7, thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu. Đây vẫn là mức giá rất tốt. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá gạo xuất khẩu vẫn ở cao lý tưởng.

Trúc Chi (t/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vao-vu-mua-gia-lua-tang-nong-dan-dung-voi-xuong-giong-a600080.html