Tại Trung Đông, chim ưng là biểu tượng của địa vị. Dù mua vé hạng nhất hay ngồi khoang phổ thông, vài ông chủ có thể đưa thú cưng đắt đỏ này lên máy bay.
Tom Whitehill, một hành khách, lần đầu có dịp ngồi cùng khoang với những con chim ưng trên chuyến bay từ Dubai tới Doha năm 2014. Với anh, những con chim trông khá hiền lành bởi con nào cũng đều được bịt mắt, cho tới khi máy bay sắp hạ cánh thì chúng bắt đầu vỗ cánh.
"Khá kỳ lạ, chẳng ai báo trước là chúng sẽ lên máy bay cả. Tôi nghe rất nhiều chuyện chim ưng ngồi máy bay tại vùng Vịnh, nhưng chưa từng chứng kiến - quả là một bất ngờ thú vị", Whitehill nói.
Chuyên gia văn hóa Arab Nasif Kayed lý giải, những người chủ phải che mắt chim để giữ chân chúng, bởi "khi nhìn thấy thứ gì đó, chúng sẽ lập tức bay tới và chộp lấy".
Một số hãng hàng không cho phép khách đưa thú cưng ngồi cùng ghế.
Qatar Airways cho phép hành khách bay cùng một con chim ưng nếu mua vé phổ thông, và tối đa 6 con chim có thể ngồi trong khắp cabin với chi phí 115 - 1.620 USD (hơn 2,6 tới 37,5 triệu đồng). Chính sách bay cùng chim ưng của Etihad tương tự, song Emirates yêu cầu mọi động vật lên máy bay đều phải ở trong lồng.
Royal Jordanian Airlines nới lỏng quy định hơn một chút khi cho phép 2 con chim ưng ngồi một ghế cùng lúc, và một khoang tối đa 10 - 15 con, phụ thuộc vào loại máy bay. Tuy nhiên, trong trường hợp này hành khách phải trả cao gấp 3 lần phí hành lý.
Đặc biệt, dư luận từng xôn xao trước một bức ảnh ghi lại cảnh 80 con chim ưng đứng kín cabin trên máy bay. Trên chuyến bay thương mại Boeing 767, hãng hàng không trong bức hình được xác định là Quatar Airways. Theo đó, vị khách VIP là một hoàng tử Saudi sẵn lòng chi số tiền không nhỏ để chi trả 80 vé máy bay cho 80 con chim ưng quý trong khoang hạng nhất. Những con chim được cột vào ghế, tránh tình trạng gây hỗn loạn trên chuyến bay.
Dù việc vận chuyển chim ưng không còn là điều hiếm gặp nhưng lần vận chuyển số lượng lớn lên tới 80 con như trên là điều hi hữu.
Thú đi săn cùng chim ưng tồn tại từ hàng nghìn năm trước và nay trở thành một phần quan trọng trong văn hóa Trung Đông. UNESCO đã liệt kê truyền thống này vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo truyền thống, chim ưng từng được dùng để giúp chủ kiếm ăn, nhưng ngày nay chúng trở thành thú cưng và rèn luyện thể thao.
Chuyên gia văn hóa Kayed cho biết, những con chim ưng có giá trị khoảng 2.000 - 70.000 dirham (từ 12,6 đến hơn 440 triệu đồng). Giá cả tùy thuộc vào loại chim và bạn có bao nhiêu tiền. Nó cũng phụ thuộc vào giống chim - một số dòng có khả năng bay nhanh, một số khác sinh ra để đi săn đường dài.
Để phòng chống nạn buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã quý hiếm, Bộ Môi trường và Nước của Arab Saudi phải làm thủ tục cấp hộ chiếu cho cả … chim ưng. Với mức phí 130USD, chỉ trong khoảng hai năm 2012 – 2013, 28 nghìn chú chim dũng mãnh đã được cấp hộ chiếu đàng hoàng, được làm thủ tục xuất – nhập cảnh như con người.
Hàng năm, ở các quốc gia khu vực Trung Đông còn có câc cuộc thi sắc đẹp dành cho chim ưng. Cuộc thi để chọn ra được chú chim ưng đẹp nhất. Ban giám khảo gồm chuyên gia về chim ưng, chuyên gia chăm sóc hay huấn luyện viên. Các con chim ưng được đánh giá về hình thể, màu lông, trọng lượng, hình dáng chân, cánh...
Không chỉ có vậy, các quốc gia Trung Đông còn có cả bệnh viện dành cho chim ưng. Những bệnh viện này có phòng khám, phòng mổ, khám mắt và thuốc chữa trị.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/loai-chim-gia-gan-nua-tycon-duoc-cap-ho-chieu-duoc-di-ca-may-bay-a600233.html