Trong tuần vừa qua, áp lực bán lan rộng toàn thị trường đã kéo chỉ số VN-Index giảm mạnh 2,8%. Cùng với đó, tâm lý thận trọng bao trùm trước áp lực tỉ giá gia tăng và động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong hai ngày 21 và 22/9 nhằm hút thanh khoản dư thừa khỏi hệ thống ngân hàng để hạn chế tình trạng đầu cơ tỉ giá.
Diễn biến này đã kích hoạt đà bán tháo trong hai phiên cuối tuần và kéo các cổ phiếu đầu cơ điều chỉnh mạnh. Trong đó, nhóm cổ phiếu Chứng khoán bị bán tháo mạnh nhất, cho thấy dấu hiệu dòng tiền đầu cơ suy yếu và chuyển sang trạng thái phòng thủ.
Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN- Index vẫn ghi nhận điều chỉnh 34,3 điểm, tương đương mức giảm 2,8% so với cuối tuần trước đó. Cùng lúc đó, chỉ số HNX-Indẽ giảm 3,8% xuống 243,2 điểm và chỉ số UPCoM-Index giảm 3,2% xuống 90,8 điểm.
Xu hướng bán tiếp tục duy trì với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn giảm nhẹ, đạt giá trị 27.214 tỷ đồng, giảm 10,2% so với tuần trước đó. Khối ngoại bán ròng 1.650 tỷ đồng, giảm 23,4% so với tuần trước đó trên HoSE đồng thời bán ròng nhẹ trên HNX 5,4 tỷ đồng và 45 tỷ đồng trên sàn UPCoM. Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 1.700 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Ông Nguyễn Ngọc Hải – Chuyên viên khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán VPS và ông Đinh Quanh Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT đều đưa ra nhận định rằng thị trường sẽ không mất nhiều thời gian để ổn định trở lại và phục hồi.
Người Đưa Tin: Thị trường xuất hiện áp lực bán tháo mạnh tại 2 phiên cuối tuần tập trung ở nhóm chứng khoán và bất động sản. Theo ông diễn biến này còn kéo dài sang tuần tới hay không, thị trường nếu có hồi sẽ dao động tại ngưỡng bao nhiêu?
Ông Nguyễn Ngọc Hải: Nhóm chứng khoán và bất động sản trong 2 phiên cuối tuần gặp áp lực bán tôi cho rằng diễn biến này vẫn còn kéo dài sang tuần tiếp theo. Đặc biệt, trong thời gian vừa rồi nhóm chứng khoán đã có nhịp tăng rất mạnh do nhà đầu tư kỳ vọng vào hệ thống KRX được đưa vào sử dụng sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho các công ty chứng khoán (giao dịch T+0).
Nhưng hiện tại hệ thống này chưa thể nghiệm thu được dẫn đến việc bán tháo cổ phiếu. Tuy nhiên, điều này chỉ như “giọt nước tràn ly” bởi nguyên nhân chính là do nhóm chứng khoán đang được định giá quá cao khi chỉ số P/E của ngành lên đến 35-40 lần.
Nhóm bất động sản có diễn biến nhẹ nhàng hơn do không tăng nóng và cũng đã có sự điều chỉnh trước đó, thậm chí một số mã cũng đã mất trend tăng trong ngắn hạn như NVL, DIG, SCR… nên khả năng thời gian tới sẽ có sự phân hóa ở nhóm này.
Về diễn biến chỉ số VN-Index, cá nhân tôi cho rằng thị trường sẽ dao động trong vùng 1.150-1.250 trong thời gian sắp tới do áp lực nhóm chứng khoán điều chỉnh, tuy nhiên trong thời gian này sẽ có nhóm khác thay thế chứng khoán giữ nhịp thị trường.
Ông Đinh Quanh Hinh: Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực bán tháo trong phiên cuối tuần qua sau diễn biến kém tích cực của thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như những áp lực trong nước liên quan tới vấn đề tỉ giá
Tuy hiên, theo tôi, thị trường sẽ không mất nhiều thời gian để ổn định trở lại và phục hồi, nhà đầu tư cân nhắc nâng tỉ trọng cổ phiếu để đón đầu mùa báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) quý III.
Người Đưa Tin: Động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước để hút thanh khoản dư thừa khỏi hệ thống ngân hàng có tác động mạnh tới thị trường không, theo ông?
Ông Nguyễn Ngọc Hải: Trong 2 ngày 21/9 và 22/9 thì NHNN hút tổng cộng 20.000 tỷ đồng trong bối cảnh thanh khoản hệ thống đang dư thừa với lãi suất bình quân liên ngân hàng đang là 0,14%, động thái này chỉ mang mục đích ổn định tỉ giá đồng USD/VNĐ, tránh lượng thanh khoản dư thừa kia biến thành dòng tiền đầu cơ ngoại tệ gây mất giá tiền đồng.
Trong ngắn hạn, điều này có thể sẽ ảnh hưởng một chút đến tâm lý nhà đầu tư nhưng về dài hạn sẽ tốt cho nền kinh tế khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng phía trước thì chính sách tiền tệ vẫn còn tiếp tục bơm tiền ra thị trường.
Ông Đinh Quang Hinh: Để ổn định tỉ giá, NHNN đã phát hành tín phiếu để hút thanh khoản dư thừa khỏi hệ thống ngân hàng, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại hối. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư lại có quan điểm tiêu cực và quan ngại rằng đây là động thái thắt chặt của NHNN.
Thực tế, tôi cho rằng bước đi này của NHNN không phải là một bước đi nhằm thắt chặt hay đảo ngược chính sách nới lỏng hiện tại, mà chỉ là một giải pháp tình thế, tạm thời trong ngắn hạn nhằm hút bớt thanh khoản dư thừa để góp phần hạn chế đầu cơ tỉ giá. Động thái này cũng nhằm trung hòa việc Kho Bạc Nhà nước mua vào ngoại tệ và bơm thanh khoản tiền đồng ra thị trường trước đó.
Bản thân NHNN cho biết vẫn tiếp tục các giải pháp nhằm duy trì thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế, do đó tôi cho rằng thị trường có thể sớm nhìn nhận lại về động thái phát hành tín phiếu vừa qua của NHNN.
Người Đưa Tin: Với kỳ vọng chung về KQKD quý III tích cực, nhà đầu tư có thể duy trì tỉ trọng tại những nhóm ngành nào?
Ông Nguyễn Ngọc Hải: Tôi thấy một số nhóm ngành có KQKD tốt nhưng đã phản ánh phần lớn vào giá như nhóm chứng khoán, hóa chất, bất động sản thì các nhà đầu tư không nên tham gia mới đối với nhóm này. Nhà đầu tư có thể lựa chọn những nhóm chưa tăng và có kỳ vọng đến cuối năm, cụ thể như nhóm ngân hàng khi từ đầu năm đến giờ chưa tăng nhiều với mục tiêu nới room tín dụng 14-15% trong năm nay.
Nhóm đầu tư công với tiến độ giải ngân đầu tư công liên tục được đẩy mạnh, nhóm thép có kỳ vọng xuất khẩu khi giá thép thế giới đang tăng ở khu vực Âu-Mỹ, nhóm dệt may với kỳ vọng đơn hàng cuối năm gia tăng, nhóm thủy hải sản cuối năm là mùa lễ hội ở khu vực Âu-Mỹ và đang liên tục mở rộng thị trường xuất khẩu,…
Các nhà đầu tư có thể tham khảo những nhóm trên đây để lựa chọn cho mình những cổ phiếu còn kỳ vọng trong thời gian tới.
Ông Đinh Quang Hinh: Tâm lý thị trường có thể ổn định trở lại sau khi những tin đồn liên quan tới lãnh đạo HoSE và điều chỉnh danh mục margin của một công ty chứng khoán top đầu được đính chính và làm rõ.
Đồng thời, mùa báo cáo KQKD quý III đang đến gần với kỳ vọng cải thiện tích cực hơn (tăng trưởng dương so với cùng kỳ trong quý III/2023 so với tăng trưởng âm trong nửa đầu năm nay) sẽ là yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong những tuần giao dịch tới.
Vì vậy, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh này để tái cơ cấu danh mục đầu tư và nâng tỉ trọng cổ phiếu khi chỉ số VN-Index về vùng hỗ trợ 1.170 - 1.180 điểm, nên ưu tiên những doanh nghiệp có triển vọng KQKD chuyển biến tích cực trong 2 quý cuối năm như xuất khẩu (thủy sản, đồ gỗ, hóa chất), bán lẻ và đầu tư công (xây lắp, vật liệu xây dựng).
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-259-vn-index-dao-dong-trong-vung-1150-1250-a600261.html