2 năm đi xuất khẩu lao động trở về, sau đêm đoàn tụ với vợ con, tôi nằm liệt giường mệt mỏi suốt cả ngày

Trải qua đêm đầu tiên với vợ và con sau khi đi làm xa trở về, tôi không ngờ bản thân lại suýt nhập viện vì kiệt sức.

Những năm gần đây, sau hậu dịch bệnh Covid 19, nền kinh tế của đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng nặng, việc làm ngày càng trở nên khó khăn. Vì để chăm lo cho cuộc sống của vợ và cậu con trai tốt hơn, đủ đầy hơn, tôi đã quyết định đi ra nước ngoài xuất khẩu lao động. Xa vợ, xa con nhỏ dại, tôi cũng không nỡ chút nào, nhưng hoàn cảnh buộc bản thân phải đánh đổi như thế thì mới mong kinh tế gia đình cải thiện và khấm khá hơn trong tương lai.

Một mình nơi xứ người, tôi đã chăm chỉ làm việc, tích góp tiền để gửi về quê nhà mỗi tháng cho vợ trang trải cuộc sống và lo cho các con. Trách nhiệm trên vai tôi như nặng hơn khi tôi biết tin vợ mang thai đứa con thứ 2 sau vài tháng tôi sang nước ngoài. Trong suốt giai đoạn vợ mang thai, ngày nào tôi cũng lo lắng, điện về nhà hỏi thăm. Sợ vợ tủi thân, vất vả nên tôi đã nhờ mẹ ruột ở dưới quê lên phụ giúp chăm sóc vợ bầu và cháu, như thế thì bản thân mới có thể yên tâm cày cuốc.

Sau 2 năm xa quê, tôi quyết định trở về để đoàn tụ với vợ con. Lúc đó, cô con gái nhỏ thứ 2 của tôi cũng đã chào đời, và được hơn 8 tháng tuổi. Tôi nghĩ tiền có thể từ từ kiếm được, nhưng thời gian dành cho gia đình là vô giá. Tôi không muốn bỏ lỡ, hay để tuổi thơ của các con dần qua đi mà không có sự đồng hành của bố bên cạnh. Cũng không muốn thấy vợ vì một mình lo toan gia đình, chăm sóc 2 đứa con nhỏ mà ngày một già hơn.

Ảnh minh hoạ.

Ngày tôi trở về, cả nhà 4 người đoàn tụ trong nước mắt lẫn tiếng cười hạnh phúc. Lần đầu tiên nhìn thấy đứa con gái nhỏ mà không phải thông qua màn hình điện thoại, cảm xúc của tôi như vỡ oà. Suốt cả ngày hôm đó, tôi ôm các con không rời. Đến tối đi ngủ, cứ ngỡ đêm đầu tiên sau khi đoàn tụ với vợ, chúng tôi sẽ có những giây phút ngọt ngào bên nhau. Thế nhưng nào ngờ, khi bản thân tận mắt chứng kiến và tham gia cùng vợ vào cảnh bỉm sữa chăm con mọn, tôi mới vỡ lẽ. Thì ra bấy lâu nay chồng vắng nhà, một mình vợ đã phải cực nhọc như thế nào để có thể xoay sở giữa 2 đứa trẻ nhỏ.

Hết con trai lớn đòi mẹ ru ngủ, mè nheo vì đang ốm, đến cô em sơ sinh khát sữa giữa đêm không ngừng quấy khóc. Nhìn vợ "3 đầu 6 tay" dỗ hết đứa này đến đứa khác, tôi xót và thương vợ lắm. Quầng thâm mắt của cô ấy mỗi ngày một đậm hơn, bởi không đêm nào có thể ngủ yên giấc với các con. Thế là dù mới trải qua một chặng đường dài hàng nghìn kilomet để về đến nhà, tuy có hơi thấm mệt nhưng tôi vẫn không do dự phụ giúp trông các con, để vợ có thể chợp mắt một chút.

Ảnh minh hoạ.

- Vợ à! Em nghỉ một tí đi, để anh trông các con cho. Lâu nay chắc em đã rất vất vả vì phải chăm con một mình. Anh xin lỗi khi đã không ở bên cạnh hỗ trợ em suốt mấy năm nay. Nhưng em đừng lo, bắt đầu từ bây giờ, em và các con đã có anh rồi, 3 mẹ con hãy tựa vào anh nhé!

- Không sao chồng ạ, em quen rồi! Anh mới từ nước ngoài về chắc còn chưa quen giờ giấc, anh nghỉ ngơi đi cho lại sức nhé! Em biết anh cũng đã hy sinh nhiều như thế nào để cho các mẹ con em cuộc sống đầy đủ. Cảm ơn anh vì đã không ngừng cố gắng, chồng à!

Cả 2 vợ chồng nhìn nhau trìu mến, dù không hành động hay thể hiện quá nhiều, nhưng chúng tôi cũng đều cảm nhận được giá trị của nhau trong lòng mỗi người. Sau lời nài nỉ của tôi, vợ cũng chịu đi ngủ, giao phó trọng trách chăm con cho tôi. Dù gì bấy lâu nay, đây cũng là một phần nghĩa vụ tôi vốn phải làm nhưng chưa được thực hiện bao giờ, nên tối nay sẽ là cơ hội để tôi có thể trải nghiệm. Có như vậy thì tôi mới cảm nhận được tất cả những gì mà vợ mình đã trải qua, trong suốt khoảng thời gian 2 năm vắng người đàn ông của gia đình.

Ảnh minh hoạ.

Ở ngoài nhìn vào không chưa đủ, đến lúc bản thân trong hoàn cảnh thực tế rồi mới thấu, chăm con nhỏ thực sự không hề dễ dàng chút nào. Tôi vật vả xuống cả một đêm, đến tờ mờ sáng thì cơ thể như rã rời, sức lực bị vắt cạn kiệt. Vì quá mệt mỏi nên qua ngày hôm sau, tôi đã nằm li bì trên giường cả ngày, đến cơm cũng chả buồn ăn.

Sau lần đầu trải nghiệm cảnh ông bố bỉm sữa, dù cực nhọc không tả nỗi, nhưng tôi cũng cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi có thể đỡ đần vợ, gắn kết hơn với các con và đặc biệt là tự trau dồi thêm được nhiều kỹ năng để trở thành người đàn ông trụ cột của gia đình, là bến đỗ vững chắc, an toàn để cho vợ và 2 con neo vào. Tôi nghĩ rằng, chỉ khi "thuận vợ thuận chồng thì tát biển Đông cũng sẽ cạn".

Tâm sự từ độc giả binhminh...@gmail.com

Trong giai đoạn chăm sóc con sơ sinh, vai trò của người bố là vô cùng quan trọng. Vì vậy mà trong thực tế, việc nhiều ông bố thoái thác, đổ cho người mẹ trách nhiệm chăm con sơ sinh là sai lầm.

Đầu tiên, việc chăm sóc con sơ sinh là trách nhiệm chung của cả bố và mẹ. Con là kết tinh tình yêu của cả bố và mẹ, do đó, việc chăm sóc và nuôi dưỡng con cũng cần sự hỗ trợ và chia sẻ trách nhiệm từ cả hai phía. Thông qua việc tham gia vào quá trình chăm sóc con sơ sinh, người bố không chỉ chia sẻ bớt áp lực với người mẹ, mà còn tạo ra một môi trường gia đình hòa thuận, cân bằng, nơi mẹ và cha cùng nhau đóng góp và chăm sóc con cái.

Thứ hai, tham gia vào quá trình chăm sóc con sơ sinh giúp người bố tạo dựng một kết nối sâu sắc và gắn kết với con. Khi người bố dành nhiều thời gian quan tâm đến con, con sẽ cảm nhận được tình yêu và sự chăm sóc đầy đủ từ cả bố và mẹ, tạo ra một môi trường gia đình ấm áp và hỗ trợ. Điều này có thể tác động tích cực đến sự phát triển tâm sinh lý và tình cảm của con trong quá trình trưởng thành. Đồng thời, chia sẻ công việc chăm con cũng giúp người bố tìm hiểu và thấu hiểu hơn về nhu cầu của con, từ đó xây dựng mối quan hệ cha con mạnh mě.

Thứ ba, việc tham gia vào quá trình chăm sóc con sơ sinh cũng giúp người bố phát triển kỹ năng làm cha. Từ việc thay tã, tắm rửa, cho ăn, ngủ…. người bố học được cách chăm sóc và đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con. Điều này sẽ giúp người bố tự tin và thành thạo hơn trong việc chăm sóc con cái.

TRANG TRI

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/2-nam-di-xuat-khau-lao-dong-tro-ve-sau-dem-doan-tu-voi-vo-con-toi-nam-liet-giuong-met-moi-suot-ca-ngay-a600292.html