Sau những nhịp điều chỉnh mạnh, VN-Index đã giảm mạnh về vùng đáy 3 tháng, định giá thị trường cũng hạ nhiệt đáng kể khi cả P/E và P/B đều thấp hơn mức trung bình nhiều năm. Đây là mức giảm sâu nhất từ đợt đầu năm đến nay.
Xét riêng trên sàn UPCoM, trong tháng 9, chỉ số UPCoM-Index có xu hướng giảm khi đóng cửa tháng 9/2023 đạt 88,78 điểm, giảm 4,86% so với cuối tháng 8/2023. Thanh khoản thị trường cũng đi lùi với khối lượng giao dịch bình quân giảm 18,07%, đạt xấp xỉ 68,92 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân giảm 16,02% so với tháng 8/2023, đạt hơn 1.046 tỷ đồng/phiên.
Tuy nhiên, giữa bối cảnh thị trường giảm cùng thanh khoản đi lùi sau, cổ phiếu GSM của CTCP Thủy điện Hương Sơn lại chứng kiến mức tăng 77,42% chỉ trong vòng 1 tháng.
Tại phiên giao dịch ngày 4/10, cổ phiếu GSM dù không có thanh khoản nhưng vẫn chạm đến ngưỡng 31.500 đồng/cổ phiếu - vùng giá cao nhất kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, mức giá này cao hơn 60% so với hồi cuối tháng 8 - đầu tháng 9, khi cổ phiếu giao dịch quanh mức 15.444 đồng/cổ phiếu.
So với đáy hồi tháng 4/2023, thị giá GSM đã tăng gấp 3 lần lên vùng 31.000 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá thị trường cũng theo đó tăng thêm gần 300 tỷ đồng sau 6 tháng, lên gần 900 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ số VN-Index tăng 8,6% kể từ đầu năm và giảm 6,3% trong vòng một tháng qua.
CTCP Thủy điện Hương Sơn tiền thân là dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Hương Sơn I thành lập vào ngày 10/3/2003. Năm 2011, tổ máy số 1 và số 2 hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Năm 2015, cổ phiếu công ty giao dịch trên thị trường UPCoM. GSM hiện đang quản lý vận hành Nhà máy Hương Sơn 1, bao gồm 2 tổ máy phát điện với tổng công suất lắp máy 33 MW. Ngành nghề kinh doanh: sản xuất truyền tải và phân phối điện; xây dựng nhà các loại; tư vấn thiết kế dự án…
Kể từ năm 2021 đến nay, cổ phiếu GSM chỉ dao động quanh ngưỡng 14.000 đồng/cổ phiếu, cho đến đầu tháng 8/2023, cổ phiếu bỗng tăng vượt lên ngưỡng 17.000 đồng/cổ phiếu, đi kèm với đó thanh khoản cải thiện nhẹ với khối lượng giao dịch bình quân 1.658 cổ phiếu/ngày.
Trước đó, cổ phiếu này chỉ lình xình quanh vùng 9.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, hồi tháng 9/2017, vượt qua các “ông lớn” chuyên về kinh doanh đầu tư, CTCP Dịch vụ - Khách sạn Kim Thành đã thâu tóm thành công CTCP Thuỷ điện Hương Sơn tại buổi đấu giá cổ phần với mức giá tới 15.300 đồng cho mỗi cổ phần GSM để sở hữu 53,9% vốn điều lệ.
Như vậy, sau 5 năm về tay ông chủ mới, doanh thu thuần của Thủy điện Hương Sơn có sự biến động nhất định. Cụ thể, năm 2017, công ty đạt 154 tỷ đồng nhưng đến năm 2019 đã có sự sụt giảm rõ rệt khi chỉ đạt 107 tỷ đồng, sang đến năm 2020, công ty này mới có sự tăng trưởng nhất định khi thu về 125 tỷ đồng và năm 2022 là 174 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty này vào năm 2017 và năm 2020 lại có sự đi ngược, khi lần lượt đạt 47 tỷ đồng và 32 tỷ đồng. Sau năm 2020, lợi nhuận công ty tiếp tục đi lên với năm 2022 lãi sau thuế là 66 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Thủy điện Hương Sơn từ năm 2017 đến năm 2020 có dấu hiệu giảm dần, từ 625 tỷ đồng năm 2017 xuống còn 589 tỷ đồng vào năm 2020. Do đó, nợ phải trả của công ty này cũng giảm dần từ 288 tỷ đồng xuống còn 206 tỷ đồng. Nhưng từ năm 2021 trở đi, tổng tài sản lại khởi sắc với con số vào cuối năm 2022 là 679 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của công ty này lại có diễn biến tăng dần qua các năm. Cụ thể, từ 337 tỷ đồng vào năm 2017 đã tăng lên 382 tỷ đồng năm 2020, và đạt 489 tỷ đồng vào năm 2022.
Về cơ cấu cổ đông, tính đến ngày 30/6/2023, CTCP Dịch vụ khách sạn Kim Thành hiện đang nắm giữ nhiều cổ phần nhất với tỉ lệ 26,68%; Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh - CTCP chiếm 19,75%; bà Nguyễn Thị Nhân Ái nắm giữ 10,21% cổ phần; cổ phần của bà Trần Thị Kim Thoa nắm giữ chiếm 10%; Công ty TNHH Đại Hiệp nắm giữ 10% và bà Nguyễn Thị Minh nắm giữ chiếm 6,06%.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/mot-co-phieu-tren-san-upcom-tang-gap-3-lan-trong-vai-thang-a600731.html