Bố đi công tác lâu không về, đau lòng nghe con gái nói "Sao chú không về nhà của chú, sao cứ ở nhà cháu?"

Mặc dù Đào Hồng cũng chăm chỉ cho con gái xem hình của bố nhưng cô bé vẫn không nhớ mặt.

Guồng quay công việc, cuộc sống khiến nhiều ông bố bà mẹ quên mất khoảng thời gian phải dành cho các con mỗi ngày và nó cần phải nhiều hơn khi con trưởng thành. Đó là lý do vì sao không ít những đứa trẻ khi còn nhỏ chưa có đủ nhận thức thường quên mất hình dáng, khuôn mặt của bố mẹ nếu không thường xuyên gặp mặt.

Đó cũng chính là câu chuyện của gia đình diễn viên nổi tiếng xứ Trung - Đào Hồng và Từ Tranh từng gặp phải. Khi tham gia một chương trình truyền hình, "Tiểu Long Nữ" Đào Hồng từng cho biết, sau khi con gái nhỏ của cả hai chào đời cũng là khoảng thời gian Từ Tranh bận rộn công việc nhất. Có những ngày anh không về nhà và cũng có khoảng thời gian suốt 10 ngày, Từ Tranh chỉ ở chỗ làm và không trở về nhà.

Biết được sự thiệt thòi của con gái khi thiếu bố, Đào Hồng đã phải khéo léo đưa hình ảnh ông xã ra để nói với con rằng đây là bố của con nhé. Khi con gái biết nói chuyện, Đào Hồng cũng gọi điện cho Từ Tranh những lúc có thể để hai bố con trò chuyện với nhau.

Tuy nhiên có một lần, câu nói của con gái sau 1 thời gian lâu không gặp bố đã khiến Từ Tranh và Đào Hồng ngỡ ngàng. Cô bé coi bố như một ông chú xa lạ, mặt đối mặt mà hỏi rằng "Sau chú không về nhà của chú đi ạ, sao chú còn ở nhà cháu?".

Cặp bố mẹ có chút bật cười nhưng cũng có chút buồn bã. Vì tham vọng sự nghiệp và kinh tế gia đình, Từ Tranh đã đánh mất khá nhiều ký ức tuổi thơ đáng nhẽ phải bên cạnh con gái. Từ Tranh cảm thấy rằng anh đã đánh mất rất nhiều "lần đầu tiên" trong quá trình trưởng thành của con gái như lần đầu bé biết đi, biết nói, biết cười... để giờ đây tiếc nuối không bao giờ lấy lại được.

Có thể nói trong giai đoạn sơ sinh, trẻ sẽ cần mẹ nhiều hơn bởi sự chăm sóc của mẹ thường chu đáo và tinh tế nhưng cũng không thể vắng bố. Khi các con lớn lên, nhất là khi lên 4, 5 tuổi, các con càng cần ở bên bố nhiều hơn vì bố có bờ vai rộng, tính cách mạnh mẽ, dũng cảm có thể là chỗ dựa vững chắc nhất cho con, đặc biệt là các bé trai. Dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, câu nói “Đừng lo, có bố ở đây rồi” của bố có thể xua tan nỗi sợ hãi, lo lắng trong lòng đứa trẻ.

Ảnh minh họa

Người bố là chỗ dựa của con, có thể cho con cảm giác an toàn, đặc biệt một người cha ưu tú sẽ trở thành “thần tượng” mà con ngưỡng mộ. Bố là người đàn ông đầu tiên xuất hiện trong cuộc đời đứa trẻ, khi con lớn lên có bố đồng hành có thể giúp con hiểu mình hơn, tự tin hơn.

Tiến sĩ Obie Clayton - Đại học Morehouse, cho biết: “Người cha có ảnh hưởng rất lớn đến con gái và nhiều hơn nữa với con trai. Nếu người cha có thể đồng hành cùng con gái mình với chất lượng cuộc sống cao hơn thì những cô gái này cũng sẽ có con đường trường thành suôn sẻ hơn trong tương lai."

Vì vậy, mỗi đứa trẻ cần có sự đồng hành và thừa nhận của cả bố lẫn mẹ. Đứa trẻ chỉ lớn lên một lần, khi lớn lên và nhớ lại tuổi thơ, nếu tất cả những điều tốt đẹp đều đến từ mẹ thì đó sẽ là sự tiếc nuối rất lớn.

Tuy nhiên không phải ông bố nào cũng có nhiều thời gian dành cho con mỗi ngày bởi quỹ thời gian phải chia cho nhiều việc khác nhau. Chính vì thế, dưới đây là những cách giúp người bố bận rộn vẫn gần gũi được với con:

Bố hãy luôn đồng hành và trao yêu thương cho con trong quá trình trưởng thành bằng cách:

Trò chuyện, vui chơi với con bất kì khi nào rảnh rỗi

Một trong những cách tốt nhất để gắn kết tình cảm với con là dành ra những khoảng thời gian để vui đùa cùng nhau, dành cho con những cử chỉ, hành động yêu thương. Bố có thể cùng con xem phim hoạt hình mà trẻ thích, cùng trẻ đọc sách và lắng nghe sự hiểu biết của trẻ về các câu chuyện; hướng dẫn trẻ chia sẻ những câu chuyện vặt trong cuộc sống...

Chỉ bằng cách chủ động tìm hiểu thế giới của con cái và lắng nghe tiếng nói của trẻ, bố mới có thể đi vào tâm hồn con cái. Bố chú ý, không nên coi trọng việc dành cho trẻ bao nhiêu giờ mỗi ngày hay bao nhiêu hoạt động, dẫn trẻ đi chơi những đâu mà hãy chú tâm đến chất lượng của mỗi lần tương tác.

Ngoài ra, bố nên chủ động dành cho con những cái ôm, đây là một cách tuyệt vời để kết nối với con và giúp củng cố tình cảm của cả hai.

Tôn trọng quan điểm của con

Sự khác biệt lớn nhất giữa bố và con là có những trải nghiệm khác nhau và rất khó để hiểu nhau. Hiện nay, rất nhiều gia đình định nghĩa sai về sự tôn trọng dẫn đến những vấn đề tiêu cực trong mối quan hệ của bố và con cái.

Giáo sư Li Meijin cho rằng, trong trường hợp này bố nên cư xử đúng mực, không xâm phạm đến quyền riêng tư của con cái, có thái độ quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc và sức khỏe của con cái, từ đó có thể hỗ trợ con trong việc đưa ra các quyết định hợp lý nhất.

Khi trẻ nhận được sự tôn trọng từ bố, con sẽ ý thức hơn với hành động, cuộc sống của mình để hoàn thiện nhân cách và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân. 

Vi dụ: Khi con khóc, cảm thấy bị làm sai và buồn, bố nên bỏ suy nghĩ của người lớn, không nên trách con dưới góc độ của người lớn mà nên hướng trẻ phản ánh và giải quyết vấn đề từ góc độ của trẻ.

Để con được giúp đỡ bố khi bố cần

Các nghiên cứu đã tiết lộ trẻ sơ sinh từ 12 tháng tuổi theo bản năng đều muốn giúp đỡ bố mẹ của mình nếu được  cho phép. Điều này dẫn đến việc trẻ sẽ tiếp tục làm điều đó một cách tự nhiên cho đến khi trẻ trưởng thành trong cuộc sống sau này.

Còn với một đứa trẻ không được bố mẹ cho làm việc nhà từ nhỏ, thì khi trở thành thanh thiếu niên, trẻ sẽ không ý thức được bản thân cần chủ động thực hiện các phần việc của mình hay tự nguyện làm việc nhà.

Một trong những bản năng tự nhiên của trẻ nhỏ là muốn chứng tỏ mình có ích. Khi bố giao cho con những việc nhỏ phù hợp với sức bé, con sẽ thấy mình có trách nhiệm hoàn thành và cảm nhận được xem trọng từ người lớn.

Bố nên khen ngợi khi con thực hiện tốt và dành cho bé một phần thưởng nhỏ. Phương pháp này sẽ giúp bố và con đến gần nhau hơn, đồng thời nuôi dưỡng tính cách tự tin, thích giúp đỡ người khác của bé sau này.

CHI CHI

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bo-di-cong-tac-lau-khong-ve-dau-long-nghe-con-gai-noi-sao-chu-khong-ve-nha-cua-chu-sao-cu-o-nha-chau-a600856.html