Trong tuần vừa qua, tỉ giá USD/VND tiếp tục tăng cao khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn và kích hoạt lực bán tháo kéo giảm VN-Index hơn 50 điểm trong phiên tiếp theo. Sau khi chạm ngưỡng hỗ cứng là đường trung bình MA200, VN-Index bắt đầu xuất hiện dòng tiền bắt đáy, tuy nhiên do tâm lý vẫn còn e ngại về diễn biến tỉ giá nên các chỉ số chứng khoán chỉ biến động trong biên độ hẹp trước khi phát tín hiệu hồi phục nhẹ trong cuối tuần.
Tâm lý lo sợ khiến thanh khoản trên cả 3 sàn sụt giảm mạnh với tổng giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 17.176 tỷ đồng, giảm 20,7% so với tuần trước đó. Khối ngoại bán ròng 389,7 tỷ đồng trên HoSE, đồng thời bán ròng mạnh trên HNX 80 tỷ đồng trong khi mua ròng 109 tỷ đồng trên UPCoM, giảm 31% so với tuần trước đó. Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 360 tỷ đồng trên cả ba sàn.
Theo quan điểm của Chứng khoán Rồng Việt, mặc dù có trạng thái thận trọng trong phiên nhưng thị trường tiếp tục được hỗ trợ tại vùng MA(200) của VN-Index và dần hồi phục trở lại. Thanh khoản tăng nhưng vẫn ở mức thấp, cho thấy áp lực bán giá thấp vẫn chưa quyết liệt.
Với tín hiệu hỗ trợ hiện tại, có khả năng thị trường sẽ tiếp tục quá trình hồi phục kỹ thuật trong thời gian gần tới. Tuy nhiên diễn biến có thể gặp khó khăn do dòng tiền nhìn chung vẫn chưa có cải thiện đáng kể và áp lực cản từ vùng 1.140 điểm vẫn còn hiện hữu. Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát và đánh giá cung cầu khi thị trường hồi phục. Tạm thời vẫn cần cân nhắc khả năng hồi phục của thị trường để cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro
Còn Chứng khoán KBSV lại cho rằng, sau nhịp rung lắc đầu phiên, VN-Index dần hồi phục và mở rộng đà tăng hưng phấn đến cuối phiên. Áp lực bán có phần suy yếu cùng lực cầu bắt đáy gia tăng về cuối phiên đã giúp cho chỉ số sớm hồi phục và để ngỏ cơ hội hình thành mẫu hình hai đáy nhỏ.
Tín hiệu này gợi mở khả năng VN-Index sẽ quay lên vùng kháng cự đáng lưu ý quanh 1.160. Mặc dù vậy, với xu hướng giảm điểm vẫn đang đóng vai trò chủ đạo, chỉ số nhiều khả năng sẽ sớm gặp áp lực rung lắc và quay đầu điều chỉnh trở lại sau đó.
Về góc nhìn của chuyên gia, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VNDIRECT nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhịp điều chỉnh mạnh trong một vài tuần gần đây.
Nguyên nhân của đợt sụt giảm đến từ áp lực tỉ giá gia tăng và động thái phát hành tín phiếu hút bớt thanh khoản dư thừa của NHNN. Những điều này khiến không ít nhà đầu tư liên tưởng tới kịch bản của tháng 10 năm ngoái đó là áp lực tỉ giá gia tăng khiến Ngân hàng Nhà nước phải đảo chiều chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, ông Hinh cho rằng bối cảnh năm nay khác nhiều so với năm ngoái. Đợt biến động mạnh năm ngoái đến từ cộng hưởng nhiều yếu tố như áp lực tỉ giá, sự kiện Vạn Thịnh Phát khiến thanh khoản của hệ thống ngân hàng đột ngột thắt chặt, buộc NHNN phải nâng lãi suất điều hành. Ngược lại thời điểm này năm nay thanh khoản hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào, thậm chí là dư thừa do tăng trưởng tín dụng yếu hơn kỳ vọng.
Đồng thời, áp lực tỉ giá không quá lớn, chỉ số DXY đã có dấu hiệu tạo đỉnh ngắn hạn tại vùng 107 điểm (trong khi cùng thời điểm năm ngoái DXY vọt lên trên 114 điểm).
Bên cạnh đó, tỉ giá còn được hỗ trợ bởi nguồn cung dồi dào hơn từ thặng dư thương mại kỷ lục (9 tháng trên 20 tỷ USD), FDI và kiều hối duy trì tích cực, nguồn cung ngoại tệ bổ sung từ một số thỏa thuận bán vốn cổ phần cho nhà đầu tư ngoại (tiêu biểu là trường hợp của VPB). Do đó, ông Hinh đánh giá áp lực tỉ giá năm nay sẽ không làm đảo chiều chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước hiện nay. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay vẫn sẽ có điều kiện để duy trì ở vùng thấp nhằm hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế.
Trong những tuần tới, thị trường còn được hỗ trợ bởi thông tin KQKD quý III năm 2023 của các doanh nghiệp niêm yết dần được hé lộ. Vị chuyên gia đánh giá bức tranh KQKD quý III/2023 sẽ có những chuyển biến tích cực hơn so với 2 quý đầu năm và là sẽ là yếu tố hỗ trợ cho thị trường. Sau nhịp điều chỉnh vừa qua, chỉ số VN-Index đang được giao dịch với P/E forward năm 2023 ở mức 12-12,5 lần, mức hấp dẫn để nhà đầu tư xem xét giải ngân cho mục tiêu trung và dài hạn.
Nhà đầu tư có thể gia tăng tỉ trọng cổ phiếu tại vùng 1.120, ưu tiên những ngành có triển vọng kinh doanh chuyển biến tích cực trong nửa cuối năm 2023 như nhóm xuất khẩu (thủy sản, đồ gỗ, hóa chất), nhóm đầu tư công, nhóm ngành ngân hàng và chứng khoán.
Tương tự, ông Bùi Nguyên Khoa - Trưởng nhóm Phân tích thị trường, Chứng khoán BIDV cho rằng, mức giảm điểm thời gian gần đây của VN-Index là tương đối phù hợp, bởi từ tháng 11/2022 đến nay là hơn 10 tháng do vậy việc điều chỉnh khoảng 10% là điều rất bình thường.
Thêm vào đó, dòng tiền đã đi trước cả vĩ mô khoảng 5-6 tháng và yếu tố kỳ vọng được đẩy lên cao. Tuy nhiên khi KQKD quý I, II, III không như kỳ vọng, nhà đầu tư có thể nhìn lại thực chất thị trường đã bị kỳ vọng quá cao cho, nên lúc này cần phải tích luỹ lại. Theo ông Khoa, điều này tuân theo quy chung, khi thị trường điều chỉnh ổn hơn, thì dòng tiền cũng sẽ quay trở lại và đẩy thị trường lên.
Trong tuần tới, đáy thị trường có thể sẽ nằm trong khoảng 1.100, tuy nhiên so với phiên cuối tuần vừa qua, thị trường đang có dấu hiệu hồi phục lại, cho nên ông Khoa cho rằng thị trường có thể dao động trong vùng 1.170. Trong quý III này, chuyên gia của BSC nhận định KQKD sẽ có phân hoá, và vùng này sẽ là vùng tích luỹ trong khoảng thời gian nữa, có thể trong tháng 10.
Nhà đầu tư lúc này không nên tập trung quá nặng vào việc trading, mà đây là thời điểm đầu tư, bởi yếu tố tâm lý của dòng tiền đi qua mất rồi, thị trường thời gian kiểm định lại. Vì vậy, những cổ phiếu có KQKD tốt sẽ hồi phục và tăng, còn cổ phiếu theo dòng tiền sẽ đi xuống. Thời điểm này nên nhặt cổ phiếu tốt chứ không phải cơ hội để trading.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-910-thi-truong-con-linh-xinh-den-het-thang-10-a600906.html