Nhận định đầu tư
Chứng khoán VCBS: Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên hình thành nến tương tự nến Doji Gravestone ngay khi vừa tiếp cận lại khu vực kháng cự 1.150 - 1.160. Xét về khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo RSI và MACD đều đã có xu hướng suy yếu, tạo đỉnh đầu tiên, đồng thời VN-Index cũng đảo chiều giảm ngay khi di chuyển vào vùng mây đỏ Ichimoku cho thấy khu vực 1.150 – 1.160 vẫn đang là kháng cự của thị trường trong ngắn hạn.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng, duy trì tỉ trọng cổ phiếu ở mức hợp lý từ 20 – 30% tài khoản. Ngoài ra, nhà đầu tư cần bám sát diễn biễn thị trường ở khu vực kháng cự 1.150 – 1.160 của VN-Index và chỉ nên giải ngân lướt sóng đối với những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành có xu hướng tốt hơn thị trường trong giai đoạn này như cảng biển, điện.
Chứng khoán Yuanta: Nhóm phân tích cho rằng thị trường có thể sẽ điều chỉnh trong phiên kế tiếp. Đồng thời, Yuanta đánh giá áp lực điều chỉnh chủ yếu gia tăng lên nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi đó nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang có diễn biến tích cực hơn.
Ngoài ra, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên thị trường có thể sẽ có diễn biến phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu với thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp. Chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy các nhà đầu tư vẫn tỏ ra tích cực hơn với diễn biến thị trường.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức GIẢM. Do đó, trong ngắn hạn, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư có thể nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại và chỉ nên mua mới với tỉ trọng thấp. Nếu các nhà đầu tư đang có tỉ lệ margin thấp hoặc không có sử dụng đòn bẩy thì các nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ.
Chứng khoán Asean SC: Nhóm phân tích dự báo áp lực bán chốt lời dự kiến sẽ mạnh lên khi chỉ số VN-Index tăng lên vùng giá 1.156 điểm trong phiên tới, do đó khả năng cao thị trường sẽ xảy ra rung lắc quanh vùng này.
Nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu thuộc nhóm ngành có dòng tiền hỗ trợ (Vận tải biển, Phân bón, Hóa chất, Thủy sản, BĐS Khu công nghiệp,…) với tỉ trọng trung bình. Các động thái mua mới với tỉ trọng lớn chỉ nên được thực hiện khi tín hiệu xác nhận xu hướng tăng rõ ràng hơn.
Tin vắn chứng khoán
- Làn sóng phá sản và vỡ nợ doanh nghiệp tại Mỹ đang diễn ra ngày càng dữ dội hơn trong môi trường lãi suất cao kéo dài. Các chuyên gia cảnh báo xác suất suy thoái ngày càng cao khi lãi suất giáng đòn nặng nề tới cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Tính tới tháng 8/2023, 459 công ty đã nộp đơn phá sản, theo S&P Global. Con số này còn cao hơn tổng lượng công ty phá sản của hai năm 2021-2022.
Không chỉ ở Mỹ, làn sóng vỡ nợ doanh nghiệp đang diễn ra trên toàn cầu. Đây là một tín hiệu cho thấy lãi suất cao đang gây sức ép cho giới doanh nghiệp. Trong tháng 8/2023, toàn cầu có 107 vụ vỡ nợ doanh nghiệp, đánh dấu tháng cao nhất kể từ năm 2009, theo một báo cáo khác của S&P Global.
- Hầu hết các nhà hoạch định chính sách cho rằng việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) duy trì lãi suất ở mức 4% là đủ để đạt được mục tiêu về lạm phát, dù một số quan chức ủng hộ việc tiếp tục tăng.
Trong cuộc phỏng vấn tờ La Tribune Dimanch, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Christine Lagarde, tin tưởng chính sách mà ECB thực hiện sẽ đưa lạm phát về mức mục tiêu. Bà Lagarde nói ECB muốn đưa lạm phát về mức 2% và sẽ đạt được mục tiêu này. Bà cũng cho rằng cần phải tránh vòng xoáy lạm phát.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-1110-thi-truong-co-the-se-tiep-tuc-dieu-chinh-a601007.html